Thứ Năm, 03/10/2024 05:29 SA
Lễ tế Đàn Nam Giao và mỹ tục trồng thông ở Trai Cung
Thứ Sáu, 16/02/2007 07:00 SA

Là cố đô lịch sử, Huế đã hội tụ và hình thành nên một bề dày văn hóa với nhiều đặc điểm lịch sử, xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hóa nghệ thuật cũng như nhiều lễ hội truyền thống mang đặc trưng thẩm mỹ dân tộc. Trong các di tích kiến trúc, Đàn Nam Giao được chính thức xây dựng ở phía nam Kinh Thành từ năm 1806 là một điển hình về di tích tín ngưỡng.

 

070217-Truoc-dan-Nam-Giao.jpg

Trước Đàn Nam Giao

Toàn bộ hệ thống kiến trúc từ Đàn Nam Giao đến Trai Cung được dùng làm nơi tổ chức lễ Tế Giao, một lễ hội cung đình  có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.

 

Lễ Tế Giao có một diễn trình lịch sử lâu đời gắn liền với truyền thống tâm linh phương Đông. Sử sách để lại cho biết rằng, dưới triều vua Lý Anh Tông (1138-1175) vào năm 1154, triều đình đã cho đắp đàn Viên Khâu và đích thân nhà vua lên tổ chức tế trời. Những giai đoạn nối tiếp của lịch sử, lễ Tế Giao vẫn tiếp tục được duy trì với những quy mô khác nhau.

 

Đến thời Nguyễn, vào giai đoạn đầu, mỗi năm một lần, triều đình cho tổ chức lễ Tế Giao vào tháng 2 âm lịch. Vào năm 1890 trở về sau, triều đình lại quy định cứ ba năm một lần thì tổ chức. Bộ Lễ và Bộ Công chịu trách nhiệm chuẩn bị và tổ chức lễ tế.

 

Sau khi nha Khâm Thiên Giám chọn được ngày tốt vào tháng hai âm lịch, triều đình tổ chức một đoàn ngự đạo cho lễ tế với nhiều thành phần như hoàng thân quốc thích, quan lại, binh lính đầy đủ tất cả các loại phẩm phục, áo mão, nghi trượng, cờ quạt, tàn lọng… Đoàn ngự đạo chia thành 3 tốp: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo với số lượng thành phần được huy động khá đông từ 1 ngàn đến 5 ngàn người tùy theo mỗi giai đoạn và điều kiện lịch sử. Những lần tế giao cuối thời Nguyễn số lượng và thành phần tham gia lễ tế giảm lược rất nhiều.

 

Trước ngày lễ Tế Giao diễn ra, các làng xã ở phủ Thừa Thiên làm cổng chào, bố trí hương án dọc theo các đường đi của đoàn ngự đạo để lạy mừng vua.

 

Vào 8 giờ sáng, từ Hoàng Thành, nhà vua ngồi ngự liễn  theo đoàn ngự đạo lên Nam Giao để trai giới chuẩn bị cho cuộc tế. Tại Trai Cung, chỗ vua ngự có đặt một tượng đồng nhỏ gọi là tượng đồng nhân, tượng trưng cho sự thanh tịnh. Nhà vua ngồi đối diện với pho tượng đồng nhân như đối diện với chính mình, bản thân nhà vua luôn phải giữ những suy nghĩ thanh tịnh, lòng thành kính luôn hướng về trời đất. Lúc này, vua thường ngâm vịnh một bài thơ. Trong tập Minh Mạng Ngự chế thi, nhà vua đã làm bài thơ Trai Cung ngẫu vịnh khi ngồi đối diện với tượng đồng nhân có nội dung như sau:

 

Trai Cung chuyên dĩ kính trì thân

Tự tảo Linh đài(1)vật dục trần

Phần điển, thi thư(2), liêu tác bạn

Vấn tâm diệc khả đối đồng nhân.

 

Dịch thơ:

 

Một niềm trai kính thân này giữ

Bao bụi trần ai đã quét ra

Phần điển , thi, thư, thường kết bạn

Đồng nhân đối diện hỏi lòng ta.

 

Ngâm vịnh thơ xong, nhà vua tự tay trồng một cây thông. Sau đó, các quan sẽ khắc một bài minh của nhà vua làm một chiếc thẻ bài bằng đá rồi treo vào thân cây. Một trong những thẻ bài được sử sách đề cập còn ghi mấy dòng sau: Linh khí trì hộ, Vũ lộ trường kiêu, Tuế nguyệt trường tại, Khởi chỉ hậu diêu, nghĩa là: Linh khí phù hộ, mưa móc tốt tươi, tháng năm còn mãi, há chẳng tàn phai. Sách Hội Điển của triều Nguyễn có đoạn viết: “Hai bên hữu cung, chính tay Thái tổ Nhân hoàng đế trồng 10 cây thông và Hiến cổ Chương hoàng đế trồng 11 cây thông, đều làm bài đồng treo ở cây, trong bài đều khắc bài minh của nhà vua”. Những nghi thức này đã hình thành tục lệ trồng thông tại Đàn Nam Giao ở Huế  dưới triều các vua Nguyễn. Các hoàng thân, đình thần, quan lại mỗi người đều tham gia vào việc trồng thông, thẻ bài ghi tên người trồng theo đó cũng được khắc và treo lên các gốc thông. Nội dung của một thẻ bài cụ thể hiện nay không xác định rõ vì các hiện vật được tìm thấy đều bị gãy thành nhiều mảnh. Trước đây, khoảng tháng 3 năm 1942, khi khảo sát tại khu vực Trai Cung, tác giả Từ Lâm có đề cập đến một chiếc thẻ bằng đá ở hai mặt khắc niên đại và tên của người tham gia trồng thông với nội dung như sau: Minh Mệnh thập ngũ niên, Hoàng tử  đệ thập nhị thực, nghĩa là: Niên hiệu Minh Mệnh thứ mười lăm [1834], Hoàng tử thứ mười hai trồng. Căn cứ vào niên đại, có thể xác định Hoàng tử thứ 12 ở đây là Tương An Quận Vương Miên Bửu (1820-1854), con của vua Minh Mạng và An Tần Hồ Thị Tùy. Tục trồng thông ở Nam Giao thật sự là một mỹ tục giàu tính nhân văn.

 

Ngày hôm sau, lễ tế sẽ chính thức diễn ra từ 2 giờ sáng, vua rời Trai Cung, đến đàn làm chủ tế. Lễ tế ở Viên Đàn tiến hành trước khi tế ở Phương Đàn. Trình thức của lễ tế Nam Giao hết sức phức tạp với hàng trăm nghi tiết khác nhau. Gắn liền với những nghi tiết của lễ tế là các mục như cử Đại nhạc, nhạc Bát âm, múa Bát Dật… Gắn với từng các nghi tiết của lễ là nội dung của các nhạc chương được trình tấu như An thành chi chương, Triệu thành chi chương, Mỹ thành chi chương, Đoan thành chi chương, Vĩnh thành chi chương, Lai thành chi chương… Đây là những bài bản có ca từ bằng chữ Hán, tất cả các bài đều gắn với chữ Thành với ý nghĩa là thành công.

 

Toàn bộ các nghi tiết trong lễ tế kéo dài đến khoảng 8 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, các quan làm lễ khánh hạ, lạy mừng vua hoàn tất lễ. Sau đó đội hình của đoàn ngự đạo lại được tổ chức trở lại như cũ (cũng gồm ba đạo với trật tự như khi lên Trai Cung) bắt đầu hồi cung… Trong những màu sắc rực rỡ, trong những âm thanh rộn rã… đoàn ngự đạo lộng lẫy, uy nghi trở về Hoàng Thành. Khi vua về đến Đại Cung Môn bên trong Hoàng Thành đội hỏa pháo sẽ nổ 9 phát súng mừng và lễ Tế Giao chấm dứt.

 

Trong thời gian tế lễ diễn ra, dân chúng nô nức đổ về xem khắp các trục đường khi đoàn ngự đạo đi qua. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng vào thời Nguyễn diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 1945 dưới triều vua Bảo Đại.

 

Ngày nay, Đàn Nam Giao với hệ thống Viên Đàn, Phương Đàn và Trai Cung đã được xếp hạng là Di tích văn hóa quốc gia, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế thuộc danh mục Di sản Văn Hóa thế giới. Trong Festival Huế 2004, các nhà tổ chức cũng đã chọn phục dựng cảnh đoàn ngự đạo hồi cung khá ấn tượng. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa ở di tích này, hiện nay Trung tâm BTDTCĐ Huế đang chuẩn bị xây dựng phương án để trưng bày bổ sung nhằm tái hiện một không gian lịch sử gắn liền với lễ Tế Giao một thời.

 

HẢI TRUNG

 

Chú thích:

(1) Linh đài: đài xưa dùng để xem thiên văn, ngoài ra còn có nghĩa là tâm linh của con người.

(2) Phần: là sách của vua Phục Hy, sách vở cổ gọi là Phần điển; thi thư: Kinh Thi, Kinh Thư.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Võ Lâm truyền kỳ
Thứ Sáu, 16/02/2007 09:04 SA
Còn ai đợi chờ phim Tết?
Thứ Sáu, 16/02/2007 08:14 SA
Mùa xuân đi lễ hội
Thứ Sáu, 16/02/2007 07:00 SA
Phim Tết trên VTV1
Thứ Năm, 15/02/2007 15:04 CH
Chương trình Tết trên VTV3
Thứ Năm, 15/02/2007 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek