Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kếu gọi xử tội ác chiến tranh ở Syria

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kếu gọi xử tội ác chiến tranh ở Syria

Ngày 10/9, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi đưa tất cả các trường hợp phạm tội ác chiến tranh tại Syria ra trước công lý.

* Iran dùng vai trò Chủ tịch NAM xử lý vấn đề Syria

Ngày 10/9, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi đưa tất cả các trường hợp phạm tội ác chiến tranh tại Syria ra trước công lý.

Ban-120911.jpg
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon

Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Cao ủy LHQ về Nhân quyền Navi Pillay hối thúc mở một cuộc điều tra về vụ giết hại hàng trăm người tại thị trấn Daraya.  Bà Pillay cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra thủ phạm gây ra những hành động tàn bạo tại Syria .

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 21 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, ông Ban Ki-moon nói: "Chúng ta phải đảm bảo rằng bất kỳ ai, thuộc bất kỳ bên nào, nếu phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hay vi phạm luật nhân đạo hoặc nhân quyền quốc tế đều sẽ bị đưa ra xét xử". Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông "quan ngại sâu sắc trước các vụ ném bom nhằm vào dân thường của quân Chính phủ Syria, cũng như trước tình trạng căng thẳng phe phái leo thang, tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ và việc cả hai bên xung đột ở Syria rõ ràng đang theo đuổi một giải pháp thông qua vũ lực chứ không phải đối thoại”. Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên ủng hộ nỗ lực của tân Đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Ả-rập về xung đột Syria Lakhdar Brahimi.

Cùng ngày 10/9, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn lời một thành viên cấp cao của quốc hội nước này cho biết Tehran đã quyết định sử dụng vai trò Chủ tịch Phong trào Không liên kết (NAM) của mình để giải quyết các vấn đề ở Syria và các quốc gia khác trong khu vực. Thành viên Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran Vahid Ahmadi nói: " Iran sẽ sử dụng quyền hạn Chủ tịch NAM để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và các vấn đề khác, trong đó có vấn đề Syria . Với vai trò là Chủ tịch NAM , Iran đang nhận được sự ủng hộ trên lĩnh vực ngoại giao của 120 quốc gia trên thế giới".

Trong diễn biến khác, báo Al-Masry Al-Youm ngày 10/9 dẫn lời Tổng Thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) Nabil al-Araby cho biết không quốc gia Ả-rập nào yêu cầu ngăn cản các tàu chiến chở vũ khí đến Syria qua Kênh đào Suez của Ai Cập. Trong một tuyên bố sau cuộc họp với Đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc-Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria Lakhdar Brahyimi, ông Araby khẳng định theo các Công ước Constantinople năm 1988, nếu các nước sở hữu tàu thuyền không gây chiến tranh với Ai Cập, họ có thể đi qua tuyến đường thủy chiến lược này.

Sự kiện các tàu chiến Iran và Trung Quốc, hai quốc gia đồng minh của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được cho là đã đi qua Kênh đào Suez để tới Syria hồi đầu năm nay từng khiến một số nước quan ngại rằng chúng có thể chở theo vũ khí để hỗ trợ cuộc đàn áp đẫm máu đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển quốc gia Trung Đông này từ tháng 3/2011.

H.TRỌNG (tổng hợp từ Vietnam+ )

Từ khóa:

Ý kiến của bạn