Mỹ và đồng minh công nhận phe đối lập Libya

Mỹ và đồng minh công nhận phe đối lập Libya

Ngày 16/7, nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya gồm Mỹ và 31 quốc gia đồng minh đã công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập tại Libya là một chính phủ hợp pháp trong cuộc họp tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

* Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên xung đột tại Libya đàm phán

Ngày 16/7, nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya gồm Mỹ và 31 quốc gia đồng minh đã công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập tại Libya là một chính phủ hợp pháp trong cuộc họp tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hilary-110716.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Anh William Hague trao đổi tại hội nghị.

Theo đó, phe đối lập tại Libya sẽ nhận được khoản viện trợ hàng tỉ USD để chiến đấu chống lại quân đội chính phủ của Tổng thống Gaddafi. Hiện nay, tuy nhận được sự hậu thuẫn của NATO, nhưng phe đối lập vẫn chưa đánh chiếm được thủ đô Tripoli, địa điểm được coi là thành trì vững chắc của quân đội ông Gaddafi.

Cuộc họp vừa diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc họp thứ tư của Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya . Nga và Trung Quốc đã từ chối tham gia cuộc họp này.

Tại hội nghị, nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lộ trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Libya, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn một sẽ thực thi việc ngừng bắn ngay lập tức trước thời điểm bước vào tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào ngày 1/8 tới; giai đoạn hai, nhà lãnh đạo Gaddafi sẽ từ chức và chuyển giao quyền lực một cách êm thấm cho phe đối lập. Tuy nhiên, tại hội nghị phe đối lập tuyên bố bác bỏ đề xuất ngừng bắn nêu trên.

Trả lời báo giới bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói: "Tuyên bố bế mạc sẽ chỉ ra rằng Nhóm tiếp xúc công nhận NTC là chính quyền hợp pháp của Libya . Điều đó có nghĩa là giờ đây chúng tôi có thể dỡ bỏ phong toả một số tài sản nhà nước của Libya , vì từ nay trở đi, NTC sẽ thực hiện trách nhiệm này". Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố Washington chính thức công nhận NTC.

Sau khi Nhóm tiếp xúc về Libya, họp tại Istanbul, công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp là chính quyền hợp pháp của quốc gia Bắc Phi này, nhà lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi, tuyên bố việc phương Tây và các nước trong khu vực thừa nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của quân nổi dậy chẳng có gì là quan trọng.

Trong một thông điệp được chuyển tới cho hàng nghìn người ủng hộ ông tại Zliten, cách thủ đô Tripoli 150 km về phía Đông, ông Gaddafi nói: "Cho dù có thừa nhận cái gọi là NTC một triệu lần, điều đó cũng chả có ý nghĩa gì đối với nhân dân Libya, người sẽ xéo bỏ những quyết định của các người. Không ai có thể đại diện cho nhân dân Libya , kể cả Gaddafi. Vì thế, nhân dân Libya sẽ xéo bỏ những quyết định của các người".


Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết chiến dịch quân sự chống lại chế độ của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi sẽ được tăng cường. Theo ông Hague, ông Abdul Elah Al-Khatib, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hơp Quốc về Libya, sẽ được ủy quyền đưa ra các điều kiện để ông Gaddafi từ chức. Trước đó, Anh cũng cho biết sẽ gửi thêm bốn máy bay chiến đấu Tornado tới để tăng cường cho sứ mệnh của NATO tại Libya , thêm vào số 12 máy bay đã được triển khai trước đó.

* Ngày 15/7, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nỗ lực của đặc phái viên Abdul Elah al-Khatib nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với sự tham gia của cả hai bên liên quan trong cuộc xung đột.

Trong thông điệp gửi cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya, ông Ban Ki-moon khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya. Đồng thời, ông cũng đề nghị cộng đồng quốc tế gửi một thông điệp thống nhất yêu cầu hai bên trong cuộc nội chiến tại Libya tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp do Liên hợp quốc làm trung gian.

Trong bối cảnh người dân Libya đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, các nhu yếu phẩm y tế, nguồn nước sạch, ông Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Libya, đồng thời yêu cầu các bên liên quan ở Libya không cản trở hoạt động nhân đạo này. Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tiếp tục lên kế hoạch cho việc xây dựng hòa bình và tái thiết Libya sau chiến tranh.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+ . SGGPO)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn