Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của LHQ, gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Trong một tuyên bố có chữ ký của quyền Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách cứu trợ nhân đạo và viện trợ khẩn cấp, bà Joyce Msuya, các cơ quan trên nhấn mạnh: "Toàn bộ người dân Palestine ở Bắc Gaza đang phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì bệnh tật, nạn đói và bạo lực".
Tuyên bố nêu rõ: "Viện trợ nhân đạo không thể theo kịp quy mô nhu cầu do hạn chế về khả năng tiếp cận. Không có sẵn các hàng hóa cơ bản, cứu sinh. Các tổ chức nhân đạo không an toàn để thực hiện công việc của mình và tình trạng bất ổn ngăn cản họ tiếp cận những người cần giúp đỡ". Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên xung đột tại Gaza bảo vệ dân thường và kêu gọi Israel ngừng tấn công vào Gaza.
Theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp dân sự Palestine, khoảng 100.000 người đang mắc kẹt tại Jabalia, Beit Lahiya và Beit Hanoun (phía Bắc Gaza) mà không có nguồn cung cấp y tế hoặc thực phẩm.
Trong khi đó, triển vọng ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas tại Gaza cũng như với lực lượng Hezbollah tại Libăng tiếp tục mờ mịt khi ngày 1/11, Israel tiếp tục các cuộc không kích làm ít nhất 68 người thiệt mạng ở Gaza.
Phía Hamas cũng bày tỏ không ủng hộ lệnh ngừng bắn tạm thời, nhấn mạnh rằng các đề xuất ngừng bắn không đáp ứng được các điều kiện của họ là bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 1 năm qua ở Gaza và bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi dải đất này.
Cùng ngày 1/11, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo hiện cơ quan này mới chỉ nhận được 17% số tiền kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Libăng, đồng thời kêu gọi các nước tài trợ chuyển các cam kết thành tiền.
Người phát ngôn OCHA, ông Jens Laerke cho biết: "Tình hình nhân đạo đang xấu đi nhanh chóng… Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ được giải ngân nhanh chóng". Ông nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc "biến những lời cam kết này thành tiền để có thể hoạt động ở tuyến đầu".
Phát biểu tại họp báo, ông Laerke cho biết hiện OCHA chỉ nhận được 17% trong số 426 triệu USD được kêu gọi khẩn cấp để triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo tại Libăng. Những nước đóng góp lớn nhất đến nay là Ý với 17 triệu USD, Mỹ 11,7 triệu USD, Thụy Điển với 9,3 triệu USD, Pháp với 7,2 triệu USD, Anh với 6,4 triệu USD và Đức với 5,5 triệu USD.
Theo số liệu của LHQ và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Syria, hơn 460.000 người đã sơ tán khỏi Libăng đến quốc gia láng giềng Syria, trong khi 25.000 người đến Iraq. Hơn 840.000 người khác phải sơ tán trong nước.
Theo TTXVN/Vietnam+