Ngày 1/10, Cơ quan quản lý sân bay Israel cho biết nước này đã mở cửa lại không phận sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran.
Theo cơ quan này, các hoạt động cất, hạ cánh của máy bay sẽ trở lại bình thường.
Cùng ngày, thông báo trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Giao thông Libăng Ali Hamieh cho biết nước này đang mở lại không phận và nối lại các hoạt động hàng không sau khi phải đóng cửa do những diễn biến căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, các hãng hàng không hàng đầu châu Âu như Lufthansa, KLM và Swiss ngày 1/10 thông báo họ sẽ gia hạn lệnh đình chỉ các chuyến bay đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực.
Người phát ngôn KLM cho biết hãng này sẽ kéo dài lệnh đình chỉ chuyến bay đến Tel Aviv cho đến cuối năm nay. Trước đó, vào tháng Tám, hãng hàng không Hà Lan này đã thông báo tạm dừng khai thác các chuyến bay đến Israel cho đến ngày 26/10.
Cũng trong ngày 1/10, tập đoàn hàng không Đức Lufthansa cho biết sẽ đình chỉ các chuyến bay đến Tehran (Iran) cho đến ngày 14/10, tới Tel Aviv (Israel) đến hết ngày 31/10, và tới Beirut (Libăng) cho đến ngày 30/11.
Lufthansa sau đó cũng thông báo đã quyết định tránh không phận Iran, Iraq và Jordan cho đến hết ngày 2/10. Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa hướng về phía lãnh thổ Israel.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đã sử dụng tên lửa được sản xuất trong nước trong loạt phóng tên lửa tối 1/10 nhằm vào các địa điểm chiến lược ở Israel, đồng thời khẳng định điều này được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự vệ hợp pháp của Iran và dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Israel thông báo hơn 180 tên lửa được phóng về lãnh thổ nước này, vụ việc mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đánh giá là hành động "sai lầm" đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả.
Cùng ngày 1/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã có cuộc điện đàm thảo luận với người đồng cấp Israel Yoav Gallant sau “hành động gây hấn vô lý" của Iran chống lại Israel trước đó cùng ngày (theo giờ địa phương).
Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh: “Bộ trưởng (Gallant) và tôi đánh giá cao lẫn nhau về việc phối hợp phòng thủ của Israel chống lại gần 200 tên lửa đạn đạo do Iran phóng và cam kết sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ".
Trong số các mục tiêu bị tấn công có một số căn cứ không quân và căn cứ radar cùng một số cơ sở mà Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho là trung tâm chỉ huy và lên kế hoạch hành động quân sự của Israel. IRGC nói rằng 90% tên lửa đã bắn trúng mục tiêu.
Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari ngày 1/10 xác nhận hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn được "khá nhiều" trong số 180 tên lửa được phóng về phía lãnh thổ Israel, một số tên lửa đã rơi xuống khu vực miền Trung và Nam Israel.
Báo cáo của cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp của Libăng ngày 1/10 cho biết gần 240.000 người, trong đó phần lớn là người Syria, đã vượt qua biên giới trở về nước kể từ sau khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm vào các cứ điểm mà Israel cho là của Hezbollah ở Libăng.
Cụ thể, báo cáo cho biết trong số những người sơ tán có hơn 176.000 công dân Syria đang lánh nạn tại Libăng do nội chiến và gần 63.500 công dân Libăng.
Trong khi đó, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cùng ngày cho biết có hơn 100.000 người đã di tản từ Libăng sang Syria và hơn 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở miền Nam Libăng do lệnh sơ tán của quân đội Israel.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo số người di tản sẽ còn tăng khi quân đội Israel tiếp tục đưa ra lệnh sơ tán tại nhiều địa phương của Libăng, trong đó có 30 ngôi làng ở miền Nam nước này.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Tị nạn của LHQ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ứng phó khẩn cấp, phối hợp với các đối tác để triển khai công tác cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo vệ người di tản ở Libăng.
Trong một báo cáo khác, Bộ Y tế Libăng ngày 1/10 cho biết các cuộc không kích của Israel tại Libăng trong 24 giờ qua đã khiến 55 người thiệt mạng và 156 người bị thương.
Trước tình hình an ninh bất ổn tại Libăng, nhiều nước đang lên kế hoạch sơ tán công dân. Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 1/10 thông báo nước này sẽ hỗ trợ công dân rời khỏi Libăng trong vài ngày tới, sử dụng cả máy bay quân sự và có khả năng cả máy bay thương mại cũng như liên hệ các nước khác để mở các chuyến bay giải cứu khi nhiều hãng hàng không đã quyết định đình chỉ bay tới Libăng.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libăng bằng đường hàng không và đường biển. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang tiếp nhận đơn đăng ký sơ tán từ công dân. Bộ này cũng đã công bố các hướng dẫn liên quan đến việc sơ tán công dân từ các quốc gia khác qua Thổ Nhĩ Kỳ và mọi công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho gần 20 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ cho đến nay.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)