Dư luận quốc tế đang kêu gọi ngăn chặn xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hezbollah leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn.
LHQ lên tiếng phản đối chiến dịch trên bộ của Israel tại Libăng. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric nêu rõ: "Chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hối thúc ngừng bắn tại Libăng, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các hành động quân sự của Israel có thể dẫn đến xung đột leo thang hơn nữa trong khu vực.
Washington kêu gọi giảm căng thẳng và thúc đẩy giải pháp ngoại giao để người dân Israel và Libăng có thể trở về nhà sau khi bị sơ tán khỏi khu vực biên giới. Tương tự, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng kêu gọi Israel tránh mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Libăng, nhấn mạnh rằng những hành động này sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Phát biểu sau cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng EU, ông Borrell nêu rõ: "Chủ quyền của cả Israel và Libăng phải được đảm bảo. Bất kỳ can thiệp quân sự nào nữa đều sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn một cách đáng kể và cần phải tránh điều đó".
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Israel (IDF) đêm 30/10 bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Libăng. Theo IDF, chiến dịch nhắm vào các vị trí của Hezbollah tại các làng gần biên giới, được cho là mối đe dọa đối với cộng đồng dân cư ở phía Bắc Israel.
Trong khi đó, một quan chức an ninh Libăng cho biết Israel đã tiến hành ít nhất 6 cuộc không kích vào khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut trong khoảng thời gian từ đêm 30/9 đến sáng 1/10, sau khi quân đội Israel phát cảnh báo sơ tán tại đây.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Libăng, 95 người đã thiệt mạng và 172 người khác bị thương trong các cuộc không kích này. Tình hình biên giới Israel - Libăng trở nên căng thẳng hơn kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở Dải Gaza vào tháng 10/2023.
Ngày 23/9, Israel đã tiến hành các cuộc không kích lớn vào miền Nam và miền Đông Libăng, sau khi Tel Aviv tuyên bố chuyển trọng tâm các hoạt động quân sự từ Dải Gaza sang mặt trận phía Bắc. Người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết hơn 200.000 người tại Libăng đã phải di dời, trong khi 100.000 người phải chạy sang Syria lánh nạn.
Trong ngày 30/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề xuất Đại hội đồng LHQ khuyến nghị sử dụng vũ lực, theo nghị quyết đã thông qua năm 1950, nếu Hội đồng Bảo an LHQ không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và Libăng.
Phát biểu sau cuộc họp nội các tại Ankara, ông Erdogan kêu gọi Đại hội đồng LHQ "nhanh chóng thực hiện thẩm quyền khuyến nghị sử dụng vũ lực, như đã làm với nghị quyết Đoàn kết vì hòa bình năm 1950" nếu Hội đồng Bảo an bất lực trước những diễn biến hiện nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước Hồi giáo thực hiện các biện pháp kinh tế, ngoại giao và chính trị chống lại Israel để gây sức ép buộc nước này chấp nhận lệnh ngừng bắn.
Ông cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Israel có thể nhằm vào các nước này nếu tình hình không sớm dừng lại.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) Ahmed Aboul-Gheit ngày 30/9 kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Libăng. Người đứng đầu AL đã bày tỏ tình đoàn kết với Libăng và người dân nước này, nhấn mạnh rằng người dân Libăng đã phải chịu đựng rất nhiều mất mát trong những năm gần đây và cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết để vượt qua tình hình nghiêm trọng hiện nay.
Trong khi đó, Kyodo đưa tin, ngày 1/10, Nhật Bản bày tỏ "sự hết sức quan ngại" về cuộc tấn công trên bộ của Israel nhằm vào các cơ sở của Hezbollah ở miền Nam Libăng, kêu gọi kiềm chế tối đa để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Tokyo hối thúc ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và phong trào Hezbollah, nhấn mạnh rằng cần thực hiện tất cả các biện pháp khả thi để tránh gây thương vong cho dân thường và kêu gọi các bên liên quan theo đuổi giải pháp ngoại giao.
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant. Thông cáo của bộ trên cho hay: "Hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải phá hủy cơ sở hạ tầng cho các cuộc tấn công dọc biên giới để đảm bảo rằng phong trào Hezbollah ở Libăng không thể tiến hành các cuộc tấn công theo kiểu ngày 7/10 năm ngoái vào các cộng đồng ở miền Bắc Israel". Ông Austin tái khẳng định rằng một giải pháp ngoại giao là cần thiết để đảm bảo dân thường có thể quay trở về nhà an toàn ở cả hai bên biên giới.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)