Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đồng thời hối thúc Israel và Hamas "phá vỡ vòng luẩn quẩn" bạo lực thông qua lệnh ngừng bắn.
Phát biểu trên được ông Blinken đưa ra tại cuộc gặp với người đồng cấp Úc Penny Wong ở Washington, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng khu vực sau khi thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng trong vụ ám sát tại Tehran (Iran) hồi tuần trước.
Nhấn mạnh Trung Đông đang ở "thời khắc quan trọng" do lo ngại Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào Israel, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ Washington đã tích cực "tham gia các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ" với thông điệp kêu gọi tất cả các bên phải kiềm chế và thực hiện các biện pháp để xoa dịu căng thẳng. Ông khuyến cáo căng thẳng leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào mà chỉ dẫn đến "nhiều xung đột, bạo lực và bất ổn hơn".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi các bên "phá vỡ vòng luẩn quẩn" bạo lực và đồng ý ngừng bắn trong cuộc xung đột ở Gaza. Ông nêu rõ: "Điều quan trọng thực sự là tất cả các bên phải tìm cách đạt được thỏa thuận, không phải tìm lý do để trì hoãn hoặc nói không". Ông nhấn mạnh điều cấp bách là tất cả các bên cần "đưa ra lựa chọn đúng đắn" trong thời gian tới.
Cũng trong ngày 5/8, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Badr Abdelatty về tìm kiếm cách thức giảm căng thẳng ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết trong cuộc điện đàm, ông Abdelatty đã tóm tắt cho người đồng cấp Blinken về các cuộc tiếp xúc mà ông đã thực hiện với các bộ trưởng ngoại giao của một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Iran và Libăng, cũng như một số nước châu Âu, nhằm giảm leo thang căng thẳng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập cũng nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần kiềm chế và tránh đẩy khu vực rơi vào nguy cơ bất ổn, đe dọa đến lợi ích của người dân. Ông đồng thời kêu gọi Ngoại trưởng Blinken gây sức ép buộc Israel ngừng thực hiện "chính sách bên miệng hố chiến tranh" và thể hiện thiện chí trong việc tham gia cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.
Hai ngoại trưởng cũng nhất trí tiếp tục các nỗ lực và tăng cường phối hợp để hối thúc các bên sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Blinken với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani diễn ra cùng ngày, hai bên cũng nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập khẩn cấp nhóm an ninh quốc gia để thảo luận về các diễn biến ở Trung Đông, trong bối cảnh gia tăng lo ngại một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran nhằm vào Israel có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực toàn diện. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã được nhóm an ninh quốc gia tóm tắt về những diễn biến mới ở Trung Đông.
Ông Biden và bà Harris cũng được báo cáo về những nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ quân sự cho Israel nếu nước này bị tấn công và những nỗ lực ngoại giao nhằm "giảm leo thang căng thẳng trong khu vực", cũng như đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza.
Trong diễn biến khác, ngày 5/8, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết dữ liệu phân tích mới nhất của vệ tinh giám sát bao phủ Dải Gaza cho thấy 63% các tòa nhà trong khu vực này đã bị hư hại. Theo OCHA, Trung tâm vệ tinh của LHQ đã phân tích dữ liệu thu thập được từ một tháng trước.
OCHA cho biết các cuộc ném bom và giao tranh ở Gaza vẫn khiến nhiều người Palestine thiệt mạng và bị thương, cũng như buộc họ phải di tản, gây thiệt hại và phá hủy nhà cửa cũng như các cơ sở hạ tầng.
Theo lực lượng phòng vệ dân sự Palestine, chỉ trong vòng 48 giờ qua, 3 trường học được dùng làm nơi trú ẩn của những người phải di tản ở thành phố Gaza đã bị tấn công, khiến hàng chục người thương vong.
Cũng theo OCHA, quân đội Israel đã ban hành lệnh sơ tán mới, yêu cầu những người sống ở các khu vực phía Nam Khan Younis và phía Bắc Rafah ngay lập tức di chuyển về phía Tây đến Al Mawasi. Ước tính có hơn 11.000 người sống tại khu vực thuộc diện sơ tán này.
Đánh giá sơ bộ cho thấy khu vực này có hơn 40 địa điểm được dùng làm nơi trú ẩn, 12 trường học, hai trạm y tế đang hoạt động và gần 20 cơ sở cấp nước và vệ sinh. OCHA một lần nữa kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho dân thường và các địa điểm hay công trình dân sự.
Điều này bao gồm việc cho phép dân thường di tản đến các khu vực an toàn hơn và được trở về ngay khi hoàn cảnh cho phép. Mọi người dân phải được tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, cho dù họ đi di tản hay quyết định ở lại.
Bên cạnh đó, OCHA cũng cảnh báo trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng trầm trọng hơn. Các đối tác của OCHA đã báo cáo về sự gia tăng số ca suy dinh dưỡng ở trẻ em ở phía Bắc Gaza vào tháng trước.
Các đối tác nhân đạo của OCHA đã báo cáo rằng tình trạng dinh dưỡng đang xấu đi do người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận hàng viện trợ, thiếu hụt các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu, dịch vụ vệ sinh và nước uống không đảm bảo cùng dịch bệnh lây lan.
OCHA nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải thiện khả năng tiếp cận nhân đạo để đảm bảo rằng trẻ em, cũng như các bà mẹ đang mang thai và cho con bú, được hỗ trợ kịp thời.
Cũng trong ngày 5/8, LHQ cho biết 9 nhân viên của Cơ quan cứu trợ LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) "có thể từng tham gia" cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023 và đã sa thải những người này.
Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của LHQ Farhan Haq nêu rõ: "Chúng tôi đã thu thập đủ thông tin để đi tới quyết định sa thải 9 cá nhân này". Ông cho biết thêm LHQ sẽ cần đánh giá thêm trước khi "hoàn toàn xác nhận" các cáo buộc.
Trước đó, Văn phòng Giám sát nội bộ (OIOS) của LHQ đã hoàn tất cuộc điều tra về cáo buộc 19 nhân viên của UNRWA tham gia cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 năm ngoái.
Ông Haq cho biết trong số này, có một trường hợp OIOS không thu thập được bằng chứng cho thấy người này tham gia vụ tấn công. 9 trường hợp khác vẫn đang xem xét vì các bằng chứng thu thập được chưa đủ để chứng minh. Tuy nhiên, đối với 9 cá nhân còn lại, bằng chứng cho thấy họ có thể đã tham gia cuộc tấn công của Hamas.
Về phần mình, lãnh đạo UNRWA Philippe Lazzarini nhấn mạnh 9 người nói trên không thể tiếp tục làm việc trong UNRWA, khẳng định các nhân viên của tổ chức này phải tôn trọng "nguyên tắc nhân đạo trung lập".
UNRWA cung cấp viện trợ cho người tị nạn Palestine từ năm 1949. Cơ quan này đang rơi vào tình cảnh khó khăn sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến vụ Hamas tấn công ngày 7/10/2023 vào miền Nam Israel. Sau đó, nhiều nước đã tuyên bố tạm dừng hỗ trợ UNRWA.
Ngày 5/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh là "diễn biến nguy hiểm" nhằm mục đích kéo dài cuộc xung đột ở Gaza, đe dọa làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng hiện nay.
Trao đổi với hãng thông tấn RIA của Nga, Tổng thống Abbas nêu rõ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, mục đích của vụ ám sát ông Haniyeh là nhằm kéo dài và mở rộng phạm vi cuộc xung đột".
Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự và việc rút lực lượng Israel khỏi Dải Gaza.
Nhà lãnh đạo Palestine cũng kêu gọi Israel tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện Sáng kiến hòa bình Ả-rập, cũng như thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, đồng thời rút quân khỏi Gaza.
Năm 2002, Ả-rập Xê-út đề xuất “Sáng kiến hòa bình Ả-rập” nhằm mang lại an ninh cho Israel và “quan hệ bình thường” với 57 quốc gia Ả-rập và Hồi giáo để đổi lấy việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cùng ngày, quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani và người đồng cấp Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi quan điểm về vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Haniyeh.Bộ Ngoại giao Iran cho biết trong cuộc điện đàm, hai bên cũng thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza.
Ngoại trưởng Bahrain đã tái khẳng định sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở vùng lãnh thổ này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)