Ngày 31/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo về sự xuất hiện của bệnh bại liệt tại Dải Gaza, đồng thời cảnh báo hàng nghìn trẻ em tại khu vực bị xung đột tàn phá này đang đối mặt với nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Trên mạng xã hội X, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc xung đột giữa Hamas và Israel. Ông nêu rõ việc phát hiện virus gây bệnh bại liệt ở Gaza phản ánh những điều kiện khắc nghiệt mà người dân đang phải đối mặt. Ông nhấn mạnh cuộc xung đột tiếp diễn đang gây trở ngại cho các nỗ lực nhằm xác định và ứng phó với các mối đe dọa vốn có thể phòng ngừa như bại liệt.
Người đứng đầu WHO đã liên kết bài đăng của mình với một bài báo ông viết trên tờ Le Monde của Pháp, được đăng tải vào cuối ngày 30/7, trong đó ông cho biết đã phát hiện virus bại liệt trong các mẫu nước thải ở Gaza. Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào, nhưng WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở trẻ em là rất cao nếu không sớm có các biện pháp phòng ngừa.
Để ứng phó với tình hình, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO đang gấp rút gửi hơn 1 triệu liều vaccine phòng bệnh bại liệt đến Gaza nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị nhiễm bệnh.
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm do virus Polio gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Triệu chứng bệnh bại liệt thường gặp là hội chứng liệt mềm cấp.
Virus Polio là một virus rất dễ lây nhiễm, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Số ca mắc bệnh bại liệt trên toàn thế giới đã giảm 99% kể từ năm 1988 nhờ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và nỗ lực xóa bỏ căn bệnh nguy hiểm này.
Trong diễn biến khác, ngày 31/7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo bắt đầu giải ngân 400 triệu euro (430 triệu USD) tiền tài trợ khẩn cấp cho Chính quyền Palestine (PA) để giúp giải quyết các vấn đề ngân sách "nghiêm trọng".
Thông báo của EU nêu rõ 150 triệu euro đầu tiên sẽ gồm các khoản tài trợ để giúp trả lương cho các công chức ở Bờ Tây và hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương. Phần tiền còn lại sẽ được giải ngân vào tháng 8 và tháng 9 "tùy thuộc vào tiến độ thực hiện chương trình cải cách" của Chính quyền Palestine.
Chính quyền Palestine từ lâu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng cuộc xung đột ở Gaza khiến tình hình thêm trầm trọng khi Israel giữ lại doanh thu thuế dành cho lãnh thổ Palestine. EU là nhà tài trợ tài chính quốc tế lớn nhất của người Palestine, với khoản hỗ trợ từ năm 2021 đến năm 2024 ước tính là 1,2 tỉ euro.
Trong thông báo về khoản hỗ trợ mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định cam kết của EU hỗ trợ Chính quyền Palestine trong thời điểm khó khăn, theo đó khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 400 triệu euro lần này nhằm hỗ trợ chương trình cải cách và mở đường cho quá trình phục hồi và tái thiết Gaza. Đến đầu tháng 9 tới, EC sẽ đề xuất dự luật "Chương trình toàn diện nhằm phục hồi và ổn định Palestine".
Kế hoạch này nhằm giúp Chính quyền Palestine cân bằng ngân sách vào năm 2026 và sẽ gắn điều kiện các khoản thanh toán trong tương lai với tiến độ thực hiện các mốc cải cách đã được Chính quyền Palestine cam kết. Cuộc chiến trên Dải Gaza từ ngày 7/10/2023 không chỉ tàn phá dải đất này mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Nền kinh tế Palestine phần lớn được quản lý theo Nghị định thư Paris năm 1994 giữa Israel và Palestine, theo đó Israel kiểm soát biên giới các vùng lãnh thổ và cùng với đó là quyền thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho Chính quyền Palestine.
Israel đã siết chặt kiểm soát nguồn thu này kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra, theo đó giữ lại phần lớn thuế hải quan.
Theo TTXVN/Vietnam+