* Trí tuệ Nhân tạo: Các trường đại học Trung Quốc tăng cường đào tạo về AI
Ngày 18/6, Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi châu lục này khai thác các cơ hội do Trí tuệ Nhân tạo (AI) mang lại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trao quyền cho lực lượng lao động dồi dào.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong Sách Trắng có tựa đề “AI và Tương lai việc làm ở châu Phi” được phát hành cùng ngày, trong đó cơ quan trên khẳng định AI tạo ra công cụ mạnh để định hình tương lai việc làm ở châu Phi.
Theo cơ quan này, bằng cách chủ động giải quyết các thách thức và khai thác các cơ hội, châu Phi có thể tận dụng AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trao quyền cho lực lượng lao động trẻ và trở thành châu lục đi đầu trong phát triển AI có trách nhiệm với xã hội.
Dân số trẻ và hệ sinh thái công nghệ sôi động của châu Phi mang đến những cơ hội quan trọng để đưa lục địa này trở thành châu lục dẫn đầu về đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.
Cơ quan Phát triển AU nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực, bao gồm cả các sáng kiến về giáo dục, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo sự phát triển AI mang tính toàn diện và phù hợp với các nhu cầu cũng như thách thức riêng của lục địa này.
Lưu ý rằng tác động của AI đối với tương lai mới nổi sẽ là hệ quả của nhiều yếu tố, bao gồm các quyết định về công nghệ và chính sách, cơ quan trên cho rằng để có được một tương lai tốt đẹp hơn cần các chính sách và quy định chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của AI, trong khi vẫn duy trì được việc kiểm soát những tác động tiêu cực.
Sách Trắng, cùng với những nội dung khác, khuyến nghị rằng châu Phi cần có cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và lực lượng lao động lành nghề để tối đa hóa lợi ích của AI; kêu gọi sự cần thiết phải đưa ra các chính sách AI cấp quốc gia và khu vực tập trung vào giáo dục hòa nhập, bảo vệ người lao động và sự tham gia của các bên liên quan.
Cơ quan Phát triển AU tiếp tục kêu gọi lấy con người làm trung tâm, nêu rõ AI nên bổ sung cho các kỹ năng của con người chứ không phải thay thế.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu đào tạo và các công cụ AI nên được phát triển phù hợp với bối cảnh của châu Phi và sự hợp tác giữa các bên liên quan là chìa khóa để phát triển AI có trách nhiệm, tôn trọng kiến thức cũng như truyền thống địa phương.
Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghệ và Khoa học Zambia Felix Mutati khẳng định việc áp dụng AI đã giúp nước này tăng doanh thu ngân sách lên 60% trong hai năm qua.
Theo ông Mutati, AI đã cung cấp cho Cơ quan Thu thuế Zambia (ZRA) nhiều công cụ hơn để tăng cường năng lực thu ngân sách và cải thiện việc tuân thủ thuế. Ông cũng tin tưởng AI có khả năng giúp Zambia dự đoán các điều kiện thời tiết bất lợi để lập kế hoạch ứng phó với những thách thức như lũ lụt hoặc hạn hán.
* Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm mô hình và con đường mới để phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI), đặc biệt là hiện nay nhiều trường đại học đang tăng cường đào tạo nhân tài Trí tuệ Nhân tạo.
Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân vừa thành lập Học viện Trí tuệ Nhân tạo, đồng thời công bố ra mắt “Lớp dẫn đầu về công nghệ tiên tiến AI +”, theo đó bắt đầu từ năm nay sẽ tuyển sinh sinh viên trên toàn quốc, nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa công tác đào tạo tài năng trí tuệ nhân tạo “AI +”.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân Thẩm Nghị (Shen Yi), cho biết “Lớp dẫn đầu về công nghệ tiên tiến AI +” sẽ áp dụng các phương pháp đào tạo mới như tích hợp giữa các môn học với nhau và “khóa học + dự án” để thúc đẩy sự thâm nhập và tích hợp của trí tuệ nhân tạo với các môn học như vật liệu mới, năng lượng mới, thiết bị mới…, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp đi đầu trong ngành để tăng cường sự tích hợp giữa công nghiệp và giáo dục, qua đó tối ưu hóa hệ sinh thái đào tạo nhân tài “đại học - doanh nghiệp - chính phủ”.
Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học sớm nhất ở Trung Quốc tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tại trường đại học này đã hình thành một hệ thống kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, điều khiển thông minh, robot...
Ngoài Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân, các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải..., mới đây cũng đã thành lập Học viện Trí tuệ nhân tạo.
Ngay từ năm 2017, Trung Quốc đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030, lý thuyết, công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ đạt trình độ hàng đầu thế giới và trở thành trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo lớn của thế giới.
Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố, cho thấy năm 2022 quy mô ngành trí tuệ nhân tạo cốt lõi của Trung Quốc đã đạt 508 tỉ nhân dân tệ (khoảng 70 tỉ USD), tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; năm 2023 con số này đạt 578,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 79,7 tỉ USD).
Một số chuyên gia cho biết, những năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo tiếp tục có những bước đột phá, ngành trí tuệ nhân tạo đang có xu hướng phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, so với trình độ hàng đầu thế giới, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo Trung Quốc vẫn có khoảng cách nhất định, đặc biệt là trong các lĩnh vực sức mạnh tính toán, thuật toán và dữ liệu… vẫn cần có sự đột phá.
T.LÊ( tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)