Ngày 9/4, LHQ cho biết Israel đang chặn xe chở viện trợ lương thực nhiều hơn so với xe chở các loại viện trợ khác cho Gaza, bất chấp nạn đói đang rình rập ở đây.
Người phát ngôn cơ quan nhân đạo LHQ, ông Jens Laerke dẫn số liệu thống kê từ tháng 3 cho thấy việc vận chuyển thực phẩm gặp khó khăn về thông quan hơn nhiều so với các loại viện trợ khác vào Gaza.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, ông Laerke cho biết: “Các đoàn xe thực phẩm lẽ ra phải được quyền di chuyển đặc biệt về phía Bắc Gaza, nơi 70% người dân phải đối mặt với nạn đói, nhưng khả năng bị từ chối cao gấp 3 lần so với bất kỳ đoàn xe nhân đạo nào chở các loại hàng hóa khác”.
Theo người phát ngôn Laerke, “một nửa số đoàn xe mà chúng tôi cố gắng gửi lương thực tới phía Bắc (vào tháng 3) đã bị Israel từ chối".
Ông Laerke nhấn mạnh rằng "nghĩa vụ của các bên xung đột là tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo việc tiếp cận nhân đạo không chỉ dừng lại ở biên giới".
Israel đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng về việc cho phép thêm viện trợ vào Gaza, nơi đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo 6 tháng sau khi bùng phát xung đột. Tuy nhiên, Israel cáo buộc rằng vấn đề chính là việc phân phối viện trợ của LHQ ở Gaza.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, một nguồn tin chính phủ Israel cho biết nước này đang mua 40.000 lều để làm nơi trú ẩn cho gần nửa triệu người dân Gaza trước khi mở cuộc tấn công trên bộ vào nơi mà họ tuyên bố là “pháo đài cuối cùng” của Hamas ở Rafah, một thành phố ở biên giới với Ai Cập.
Theo đề xuất được công bố trên trang web của Bộ Quốc phòng Israel, nước này đã mời thầu các khu lều, mỗi lều có sức chứa 12 người, tương đương khoảng 480.000 người. Quân đội Israel ước tính Hamas có 4 tiểu đoàn ở Rafah, nơi có hơn 1,5 triệu người tị nạn.
Trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah đã được lên kế hoạch, bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế.
Theo tờ Telegraph, ngày 9/4, phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Anh David Cameron khẳng định Chính phủ Anh sẽ không đình chỉ việc xuất khẩu vũ khí sang Israel sau vụ không kích của quân đội nước này vào Gaza tuần trước khiến 7 nhân viên cứu trợ quốc tế thiệt mạng.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, ông Cameron khẳng định quan điểm của Anh về giấy phép xuất khẩu vũ khí là “không thay đổi”, nhưng Anh “quan ngại sâu sắc” về khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel biến các cam kết về viện trợ “thành hiện thực”.
Ngoại trưởng Anh cho biết chỉ trong ngày 8/4, đã có khoảng 400 xe tải chở hàng cứu trợ được đi vào Gaza, con số cao nhất kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas.
Ông cũng kêu gọi mở lại nguồn cung cấp nước cho Gaza, mở cảng Ashdod và một điểm giao cắt phía Bắc để hàng viện trợ được chuyển đến khắp Gaza. Chính phủ Anh đang chịu áp lực ngày càng lớn từ chính giới và nội bộ của đảng Bảo thủ cầm quyền về việc đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng ở Gaza và sau cái chết của 3 công dân Anh trong cuộc tấn công vào tổ chức cứu trợ World Central Kitchen.
Theo quy định về xuất khẩu vũ khí, Anh sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu có nguy cơ rõ ràng rằng các mặt hàng này có thể được sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.
Theo Bộ Y tế Anh, sau 6 tháng xung đột giữa Israel và Hamaz, đã có ít nhất 33.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, trong số đó hơn 1/3 là trẻ em. Anh hiện cung cấp khoảng 0,02% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Israel, một con số rất nhỏ so với số vũ khí mà quốc gia Trung Đông này nhập khẩu từ Mỹ.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)