Thứ Tư, 27/11/2024 16:35 CH
LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn lập tức tại Gaza
Thứ Bảy, 28/10/2023 11:33 SA

Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của Đại hội đồng LHQ thảo luận về cuộc xung đột Hamas - Israel ngày 26/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 27/10 theo giờ Mỹ, rạng sáng 28/10 theo giờ Việt Nam, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo.

 

Theo phóng viên TTXVN tại New York, nghị quyết do Jordan bảo trợ đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và bền vững vì mục đích nhân đạo” giữa lực lượng vũ trang Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.

 

Nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mọi con tin, đồng thời đảm bảo việc cung cấp các nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới người dân đang bị mắc kẹt trong khu vực trong bối cảnh có thông tin Israel đã mở rộng các hoạt động trên bộ và tăng cường ném bom Dải Gaza.

 

Đây là nghị quyết đầu tiên được LHQ chính thức thông qua kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát giữa Israel và Hamas hôm 7/10 tới nay. Dù không mang tính ràng buộc pháp lý song nghị quyết là bước đi mang tính biểu tượng, thể hiện nỗ lực của LHQ và các nước thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng cũng như lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay.

 

Phát biểu sau khi nghị quyết được Đại hội đồng thông qua, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Rivière cho biết nước này ủng hộ nghị quyết vì “không điều gì có thể biện minh cho hành động sát hại dân thường". Ông Rivière bày tỏ hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ sớm có hành động tương tự.

 

Theo Tân Hoa xã, ngày 27/10, Israel đã thông báo kế hoạch nối lại các dự án tái thiết trên khắp đất nước trong bối cảnh xung đột với Hamas vẫn đang diễn ra. Cơ quan Nhập cư và Dân số Israel cho biết, kế hoạch này do các Bộ Lao động, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng khởi xướng nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của ngành xây dựng, vốn bị đình trệ hoàn toàn sau khi xung đột với Hamas nổ ra ngày 7/10.

 

Theo Hiệp hội Xây dựng Israel, phần lớn các dự án xây dựng tại Israel đã phải dừng lại do nguy cơ chiến tranh cũng như việc 80.000 lao động Palestine từ Bờ Tây sang Israel làm việc trước đây nhưng nay đã bị cấm không được ở lại Israel sau khi xung đột bùng phát.

 

Cảnh đổ nát sau các vụ oanh tạc của Israel xuống thị trấn Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Kế hoạch tái thiết mới được công bố bao gồm việc tăng số công nhân xây dựng nước ngoài được phép sang làm việc tại Israel từ 42.000 lên 65.000 và gia hạn thị thực cho những người đã làm việc tại Israel.

 

Trong khi đó, theo AFP, quân đội Israel thông báo sẽ mở rộng “các chiến dịch trên bộ” ở Gaza vào tối 27/10 (giờ địa phương) sau khi tăng cường đáng kể các cuộc không kích vào dải đất ven biển này.

 

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari nói: “Sau hàng loạt cuộc tấn công những ngày qua, lực lượng bộ binh sẽ mở rộng chiến dịch vào tối nay”. Thông báo trên được đưa ra sau 2 đêm liên tiếp xe tăng Israel tiến vào Gaza.

 

Bên cạnh đó, quân đội Israel nhấn mạnh rằng họ đã tăng cường các cuộc tấn công vào Gaza “một cách rất đáng kể”. Phóng viên AFP đã ghi lại cảnh bắn phá dữ dội vào khu vực phía Bắc của vùng đất này.

 

Trước đó, ngày 27/10, lực lượng Hamas cho biết đã nã nhiều loạt rocket vào Israel sau các vụ ném bom ác liệt của Israel vào Dải Gaza.

 

Trong diễn biến khác, ngày 27/10, nhóm điều phối dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận vấn đề đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ.

 

Theo một quan chức EU, cuộc họp được tổ chức theo đề xuất của Ủy viên EU phụ trách vấn đề năng lượng Kadri Simson nhằm đánh giá rủi ro về nguồn cung dầu mỏ trong trường hợp xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza lan rộng ra khu vực.

 

Tại cuộc họp, các quan chức EU chung nhận định rằng các rủi ro về nguồn cung hiện ít hơn so với cách đây 50 năm khi xảy ra cuộc chiến Yom Kippur mà hậu quả là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các quốc gia phương Tây ủng hộ Israel, gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và được đánh giá là cú sốc dầu mỏ năm 1973.

 

Quan chức trên nhấn mạnh: "Một cuộc khủng hoảng nếu xảy ra sẽ có thể lập tức tác động lên giá dầu nhưng gây ra ít rủi ro đối với nguồn cung, mặc dù thị trường đang bị siết chặt do quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ (OPEC và các đối tác)".

 

Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng tuyến vận tải Trung Đông vẫn đóng vai trò quan trọng khi mỗi ngày có 20 triệu thùng dầu cung cấp cho châu Âu đi qua Eo biển Hormuz.

 

Các quốc gia phương Tây lo ngại xung đột Hamas - Israel leo thang có thể dẫn đến việc phong tỏa Eo biển Hormuz hoặc gây mất an ninh trên tuyến vận tải này. Dự trữ dầu của EU hiện đã đáp ứng tiêu chí đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, nhưng chủ yếu là dầu thô.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek