Ngày 17/9, tại phiên họp mở rộng lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã công nhận thêm nhiều địa điểm nổi tiếng là Di sản Thế giới, trong đó có Cảnh quan Văn hóa Gedeo ở Ethiopia, các trạm dừng chân cho khách lữ hành tại Iran, Di chỉ Khảo cổ Tell es-Sultan của Palestine.
Phát biểu trong phiên họp tại Riyadh (Ả-rập Xê-út), Bộ trưởng Du lịch Ethiopia Nasise Chale cho biết với việc Cảnh quan Văn hóa Gedeo được đưa vào danh sách, quốc gia Đông Phi này đã có 10 địa điểm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên. Cảnh quan Văn hóa Gedeo cũng là Di sản Thế giới thứ 100 mà UNESCO công nhận tại châu Phi.
Theo bà Chale, quần thể di sản này chủ yếu là rừng đã được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Cảnh quan Văn hóa Gedeo nổi tiếng với phương pháp canh tác đa tầng (trồng nhiều loại cây trên cùng một khu vực) đã được người dân tại vùng Gedeo thực hiện trong nhiều thế kỷ.
Người dân Gedeo cũng là những tấm gương mẫu mực về kiến thức bản địa, trong việc bảo tồn hệ sinh thái và độ phì nhiêu của đất. Ngoài ra, tại đây cũng có hơn 6.000 tấm bia cự thạch với những hình ảnh hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu, du khách nước ngoài và địa phương.
Cũng tại phiên họp trên, UNESCO đã đưa 56 trạm dừng chân cho khách lữ hành dọc theo các tuyến đường thương mại cổ xưa của Iran vào Danh sách Di sản Thế giới, đánh giá cao việc những trạm nghỉ này cung cấp "nơi trú, thực phẩm và nước uống cho các đoàn lữ hành, người hành hương và những khách du lịch khác".
Iran đã xây dựng hơn 200 trạm dừng nghỉ cho khách lữ hành trên các tuyến thương mại lịch sử đi qua đất nước nối châu Á và châu Âu này, trong đó bao gồm cả Con đường Tơ lụa.
Tuy nhiên, UNESCO chỉ công nhận 56 trạm trong số này, trong đó bao gồm trạm Qasr-e Bahram gần thành phố Semnan, trạm Deyr-e Gachin gần Qom và trạm Anjireh Sangi gần Yazd.
Giải thích về điều này, UNESCO cho biết: “Đây là những địa điểm có tầm ảnh hưởng và giá trị tiêu biểu nhất trong số các trạm dừng chân cho khách lữ hành tại Iran, thể hiện những phong cách kiến trúc đặc sắc, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, đặc biệt về vật liệu xây dựng, trải dài hàng nghìn km và được xây dựng trong nhiều thế kỷ”.
Iran hiện có 27 di tích lịch sử được UNESCO công nhận, trong đó có thành phố cổ Persepolis, thủ phủ của Đế chế Achaemenid, các tu viện Armenia ở phía Tây Bắc thành phố Yazd và chính thành phố lịch sử Yazd.
Danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cũng điền tên Di chỉ Khảo cổ Tell es-Sultan của người Palestine - nơi chứa đựng nhiều dấu tích hoạt động của con người từ thời tiền sử.
Tell es-Sultan nằm ở Thung lũng Jordan, gần thành phố Jericho ở Bờ Tây - một địa điểm khảo cổ quan trọng khi nghiên cứu về thời kỳ đồ đá. Theo hãng thông tấn Wafa của Palestine, Tell al-Sultan được coi là khu dân cư có người ở liên tục lâu nhất thời tiền sử.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Palestine nhấn mạnh: "Quyết định quan trọng của UNESCO đã khẳng định giá trị phổ quát độc đáo của địa điểm này và của Palestine nói chung, đồng thời tiết lộ nguồn gốc lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc và nhân chủng học của người Palestine”.
UNESCO mô tả: "Một khu định cư lâu dài đã xuất hiện tại đây vào thiên niên kỷ thứ 9 và tồn tại đến thiên niên kỷ thứ 8 trước Công nguyên, nhờ đất đai màu mỡ và khả năng tiếp cận nguồn nước dễ dàng”.
Theo UNESCO, những hóa thạch hộp sọ và những bức tượng được tìm thấy tại khu vực này là minh chứng cho các hoạt động tín ngưỡng của con người thời đồ đá sinh sống ở đây, trong khi tài liệu khảo cổ thời kỳ đồ đồng cũng sớm cho thấy dấu hiệu của quy hoạch đô thị.
Tell al-Sultan là địa điểm thứ 4 của người Palestine được liệt kê trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, cùng với Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem, thành cổ Hebron và bậc thang cổ đại ở Battir.
Ngoài những địa điểm trên, danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cũng đã được nối dài với quần thể 7 cụm lăng mộ Gaya Tumuli ở Hàn Quốc và rừng chè cổ ở Phổ Nhĩ, Tây Nam Trung Quốc.
Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO họp mỗi năm một lần, với sự có mặt của đại diện 21 quốc gia thành viên tham gia Công ước Di sản Thế giới, do Đại Hội đồng LHQ bầu ra theo nhiệm kỳ 4 năm.
Theo UNESCO, các địa điểm phải có "giá trị nổi bật toàn cầu" mới được đưa vào danh sách Di sản Thế giới.
Ủy ban Di sản Thế giới cũng thường xuyên sửa đổi các tiêu chí đánh giá "nhằm phản ánh sự phát triển của khái niệm Di sản Thế giới".
Cho đến nay, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận khoảng 1.200 địa điểm ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ là Di sản Thế giới.
Theo TTXVN/Vietnam+