Ngày 12/6, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.
Hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của công ty TEPCO bao gồm các cơ sở tích trữ, điểm giám sát môi trường và đường dẫn từ khu chứa nước thải nhiễm xạ ra biển dài khoảng 1km, cách mặt biển 12m và hướng về phía Đông Thái Bình Dương. TEPCO đã bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống này từ năm 2022 và đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Trong kế hoạch vận hành thử nghiệm lần này, TEPCO sử dụng nước sạch để kiểm tra hoạt động của các hệ thống bơm và các tính năng xử lý trong trường hợp bất thường xảy ra. Dự kiến, thời gian hoàn thành thử nghiệm vào nửa cuối tháng 6 này, trong đó bao gồm cả hoạt động kiểm tra của Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản chủ trương bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo đánh giá tổng hợp về kiểm chứng tính năng an toàn trong kế hoạch xả thải của TEPCO.
Bên cạnh đó, để có thể thực hiện thuận lợi kế hoạch xả thải, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phải tiếp tục vận động để có được sử ủng hộ của những người có liên quan như người dân địa phương, đặc biệt là những ngư dân trong khu vực được cho là chịu tác động từ kế hoạch này.
Ngày 11/3/2011, trận động đất độ lớn lên tới 9,0 kèm theo các cơn sóng thần đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra các sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima.
Kể từ đó đến nay, Chính phủ Nhật Bản và TEPCO đã có nhiều nỗ lực và đạt được không ít tiến bộ trong việc khắc phục hậu quả của sự cố hạt nhân này.
Ngay sau khi thảm họa kép xảy ra, hệ thống điện cung cấp cho Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đã bị cắt đứt, trong khi nhiều máy phát điện dự phòng cũng bị hư hỏng nặng.
Điều này khiến cho hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân ở một số lò phản ứng bị ngừng hoạt động, dẫn tới việc lõi của các lò phản ứng số 1, 2 và 3 bị tan chảy và dẫn đến một số vụ nổ khí hydro tại các lò phản ứng số 1, 3 và 4. Các sự cố liên tiếp này đã dẫn tới sự rò rỉ và phát tán các chất phóng xạ ra bên ngoài.
Kết quả là Chính phủ Nhật Bản phải thiết lập vùng cấm tiếp cận trong bán kính 20km quanh nhà máy và sơ tán toàn bộ dân cư trong khu vực, đồng thời khuyến nghị người dân ở các khu vực cách nhà máy từ 20-30km phải sơ tán.
Sau khi thành công trong việc ngừng hoạt động nguội các lò phản ứng gặp sự cố, tháng 12/2011, Chính phủ Nhật Bản và TEPCO đã công bố lộ trình khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima với mục tiêu hoàn tất việc tháo dỡ 4 lò phản ứng trong thời gian từ 30-40 năm.
* Trước kế hoạch xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, một số người dân tại Hàn Quốc đã mua muối và hải sản với số lượng lớn để dự trữ cho gia đình. Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng đang dự trữ vì sợ thiếu nguồn cung.
Theo hãng tin Reuters, các cơ quan quản lý thủy sản của Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực giám sát các trang trại muối tự nhiên trước bất kỳ sự gia tăng chất phóng xạ nào và duy trì lệnh cấm hải sản từ vùng biển gần Fukushima.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không ngăn được một số người mua tích trữ nhiều hơn mức họ cần khi lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe tiềm nguồn từ kế hoạch xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Mặc dù trong một vài tháng trở lại đây, Seoul và Tokyo đã thực hiện các bước đi để hàn gắn mối quan hệ vốn bị hủy hoại bởi các tranh chấp lịch sử song kế hoạch của Nhật Bản về việc xả hơn một triệu tấn nước bị ô nhiễm từ nhà máy điện Fukushima vẫn còn gây tranh cãi đối với Hàn Quốc.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)