Kế hoạch rút quân Nga khỏi Gruzia gặp trở ngại

Kế hoạch rút quân Nga khỏi Gruzia gặp trở ngại

Căng thẳng lại có nguy cơ bùng phát tại khu vực xung đột Nam Ossetia sau khi xảy ra một loạt vụ nổ ở thị trấn Gori của Gruzia, đe dọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Gruzia.

* Pháp kêu gọi HĐBA LHQ nhanh chóng thông qua nghị quyết mới về Nam Ossetia

* Lãnh đạo Nam Ossetia và Abkhadia ký kế hoạch hòa bình sửa đổi

Căng thẳng lại có nguy cơ bùng phát tại khu vực xung đột Nam Ossetia sau khi xảy ra một loạt vụ nổ ở thị trấn Gori của Gruzia, đe dọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Gruzia.

Bdcs-080815.jpg
Bản đồ chiến sự trong cuộc xung đột Nga - Gruzia. Đồ họa: BBC.

Sáng 14/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Gruzia Shota Utiashvili cho biết các xe tăng và binh lính Nga đã bắt đầu rút khỏi thị trấn Gori, trong khi cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm Gruzia đang nắm lại quyền kiểm soát thị trấn chiến lược này. Dự kiến, kế hoạch rút quân sẽ hoàn tất trong 2 ngày. Ông Utiashvili cũng cho biết quân Nga đã rút khỏi thành phố cảng Poti nằm bên bờ Biển Đen, nơi có cảng chuyển tải dầu và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Gruzia.


Bộ Ngoại giao Gruzia sau đó lại tuyên bố các lực lượng Nga đã quay trở lại cảng Poti và tăng quân ở thị trấn Gori, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước. Tuy nhiên, Phó tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Anatoly Nogovitsyn, đã bác bỏ tin nói rằng quân đội Nga đã tiến vào thành phố cảng Poti.

Theo hãng AP, trưa 14/8, khoảng 15 xe bọc thép chở đầy binh lính Gruzia đã tiến về phía một trạm kiểm soát của Nga bên ngoài thị trấn. Binh lính Gruzia chĩa súng đe dọa binh lính Nga tại đây, buộc phía Nga vội điều xe tăng quay trở lại trạm kiểm soát. Ông Utiashvili cho biết các lực lượng Gruzia tạm ngừng trở về Gori nhằm tránh xảy ra đụng độ với binh lính Nga. Trong khi đó, người ta nghe thấy một loạt tiếng nổ giống tiếng của đạn súng cối và khói bốc lên xung quanh thành phố Gori. Phía Gruzia còn cáo buộc lực lượng Nga đã "tàn phá" và gài mìn khắp thị trấn Gori.


Cùng ngày, trả lời phỏng vấn BBC, Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov khẳng định Nga hiện vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Gruzia, song sẽ không đàm phán trực tiếp với Tổng thống nước này Mikheil Saakashvili.


Cũng trong ngày 14/8, Pháp, lại với tư cách là thành viên trong nhóm hòa giải quốc tế, đã kêu gọi HĐBA LHQ nhanh chóng thông qua một dự thảo nghị quyết mới về cuộc xung đột quân sự đang diễn ra tại khu vực Kavkaz.


Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, Frederic Desagneaux, việc HĐBA LHQ nhanh chóng thông qua dự thảo nghị quyết kèm theo kế hoạch hòa bình được Nga và Gruzia chấp thuận sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa hai bên. Đại sứ Bỉ tại LHQ Jan Grauls, hiện là Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ, cho biết hiện Pháp đang có các cuộc thương lượng song phương với các nước thành viên HĐBA LHQ nhằm nhanh chóng đạt được sự nhất trí với dự thảo nghị quyết vừa đưa ra.


Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đến Toulon, miền Nam nước Pháp để thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy về cuộc xung đột Nga - Gruzia.
Theo kế hoạch, ông Sarkozy sẽ tiếp bà Rice tại dinh thự của tổng thống ở khu vực Riviera . Tham dự cuộc gặp còn có Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, trước đó đã có mặt tại Moscow và Tbilisi để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Gruzia.


Giữa lúc mọi nỗ lực ngoại giao con thoi vẫn đang diễn ra, Gruzia và Nga lại đưa cuộc xung đột giữa hai bên liên quan đến Nam Ossetia ra trước Hội nghị của LHQ về giải trừ quân bị tại Geneva (Thụy Sĩ). Hai bên cáo buộc nhau vi phạm luật quốc tế và qui định về nhân đạo.
Tại cuộc họp báo sau Hội nghị, đại diện thường trực của Gruzia tại LHQ Giorgi Gorgiladzee cho rằng Nga đang cản trở các hoạt động cứu trợ tại khu vực xung đột. Đại diện của Nga Valery Loschinin thì miêu tả hành động quân sự của Gruzia tại Nam Ossetia là "thanh trừng sắc tộc" và vi phạm luật quốc tế.


Cùng ngày, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây gửi ngay lực lượng gìn giữ hòa bình đến Gruzia. Trong một bài báo đăng trên tờ "Bưu điện Washington ", ông Saakashvili tuyên bố: "Chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây mới có thể chấm dứt chiến tranh.


Cũng trong ngày 14/8, Quốc hội Gruzia đã bỏ phiếu thông qua quyết định đưa nước này ra khỏi khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Quốc hội Gruzia cũng cáo buộc Moscow "khơi mào cho cuộc chiến tranh tại khu vực ly khai Nam Ossetia".

Tại cuộc gặp diễn ra cùng ngày với các nhà lãnh đạo Nam Ossetia và Abkhadia, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cho rằng thỏa thuận không sử dụng vũ lực giữa Gruzia và Nam Ossetia cần đặt dưới sự bảo đảm của Nga, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu cùng các "nhà bảo đảm" khác. Theo Tổng thống Medvedev, Nga sẽ ủng hộ mọi quyết định được người dân hai khu vực Nam Ossetia và Abkhadia thông qua, liên quan quy chế tương lai của hai vùng lãnh thổ đang đòi ly khai này, nếu nó phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, các công ước quốc tế và Định ước Helsinki về an ninh và hợp tác châu Âu.

Trong cuộc gặp này, lãnh đạo của hai khu vực trên đã ký kế hoạch hòa bình sửa đổi gồm 6 điểm, đã được Nga và Gruzia nhất trí trước đó.

Việt Nam ủng hộ những nỗ lực tìm kiếm biện pháp hòa bình giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Nam Ossetia và Abkhazia

Ngày 14/8, tại buổi họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về đánh giá của Việt Nam về các hành động của LB Nga trong việc khôi  phục lại hòa bình tại Nam Ossetia và về những diễn biến mới liên quan tình hình ở Nam Ossetia hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nêu rõ:

Việt Nam lấy làm tiếc về xung đột vũ trang xảy ra mới đây tại Nam Ossetia gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng cho dân thường và binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga.

Việt Nam hoan nghênh tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống LB Nga D. Medvedev và ủng hộ những nỗ lực của Nga cũng như của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm biện pháp hòa bình giải quyết các bất đồng, tranh chấp, trong đó có việc ngăn ngừa không để lặp lại những xung đột như vừa qua tại khu vực này. Chúng tôi hoan nghênh những nguyên tắc giải quyết xung đột tại Nam Ossetia và Abkhazia đạt được trong cuộc gặp ngày 12/8 giữa Tổng thống LB Nga Medvedev và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

KHÁNH UYÊN (tổng hợp)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn