Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/6 thông báo tổ chức này và giới chức Argentina đã đạt được một thỏa thuận cấp chuyên viên về một cơ cấu kinh tế vĩ mô cập nhật, qua đó cho phép quốc gia Nam Mỹ này tiếp cận khoản giải ngân 4,03 tỉ USD của IMF.
Trong một tuyên bố, Phó giám đốc phụ trách Tây Bán cầu của IMF, Julie Kozack nêu rõ: "Ban lãnh đạo IMF sẽ thông qua thỏa thuận này sau khi tiến hành thảo luận trong những tuần tới".
Bà Kozack nhấn mạnh sau khi thỏa thuận được thông qua, IMF sẽ giải ngân khoảng 4,03 tỉ USD cho Argentina.
Theo bà Kozack, thỏa thuận trên đạt được sau khi Argentina đã đáp ứng toàn bộ các mục tiêu định lượng trong quý 1/2022 và đạt được tiến bộ trong chương trình nghị sự về "cơ cấu và cải cách thúc đẩy tăng trưởng" theo các cam kết của nước này với IMF.
IMF cho biết thể chế tài chính này đã nhất trí với chính phủ Argentina rằng các mục tiêu hàng năm vẫn không thay đổi, nhất là những mục tiêu liên quan tới thâm hụt ngân sách, dự trữ quốc tế...
Theo IMF, những mục tiêu này đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vào những thời điểm bất ổn - ám chỉ tới tác động bên ngoài đối với nền kinh tế Argentina, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Ukranie.
Năm 2018, Argentina rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng dưới thời của Tổng thống Mauricio Macri khiến chính phủ lúc đó phải viện tới sự hỗ trợ của IMF.
Ngay sau đó, tổ chức tài chính đa phương này đã chấp thuận cho phía Argentina khoản vay tín dụng lên tới 57 tỉ USD, mức vay cao nhất trong lịch sử IMF.
Chính phủ của ông Macri đã được IMF giải ngân gần 45 tỉ USD cho tới khi thất cử 1 năm sau đó.
Ngay sau khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Fernandez đã từ chối nhận phần còn lại của khoản vay và bắt đầu đàm phán về việc tái cơ cấu khoản nợ vì cho rằng Argentina không thể thực hiện được nghĩa vụ trong thời gian theo thỏa thuận cũ.
Theo thỏa thuận mới được ký kết với IMF hồi tháng 3, thời hạn cho vay mới là 4,5 năm và thời gian thanh toán nợ là 10 năm, có nghĩa Argentina sẽ phải thanh toán nợ từ năm 2026 đến năm 2034.
Ngoài ra, Argentina cũng sẽ phải tuân thủ một số mục tiêu về tăng trưởng, giảm lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại tệ và thu hẹp thâm hụt ngân sách để đưa về mức cân bằng vào năm 2025.
Theo TTXVN/Vietnam+