Chiến tranh ở Nam Ossetia có nguy cơ lan rộng

Chiến tranh ở Nam Ossetia có nguy cơ lan rộng

Nguy cơ về một cuộc chiến lan rộng, bắt nguồn từ xung đột Nam Ossetia, đang trở nên hữu hình hơn khi lực lượng ly khai ở một khu vực ly khai khác của Gruzia là Abkhazia cũng tấn công quân đội Gruzia.

* Tổng thống Gruzia đề nghị ngừng bắn ngay lập tức

* Hơn 30.000 người chạy khỏi Nam Ossetia lánh nạn

Nguy cơ về một cuộc chiến lan rộng, bắt nguồn từ xung đột Nam Ossetia, đang trở nên hữu hình hơn khi lực lượng ly khai ở một khu vực ly khai khác của Gruzia là Abkhazia cũng tấn công quân đội Gruzia.

Trước đó, Nga và Gruzia đã tiến đến một cuộc chiến rộng hơn khi xe tăng Nga tiến vào khu vực gây tranh cãi Nam Ossetia và máy bay chiến đấu của Nga ném bom một thành phố của Grudia.

Hiện, các nỗ lực hoà bình đã được cộng đồng quốc tế triển khai. Một phái đoàn châu Âu và Mỹ đang trên đường tới Grudia khi mà cuộc xung đột giữa nước này và Nga về tỉnh ly khai Nam Ossetia đang trầm trọng. Các phái viên hy vọng có thể dàn xếp một thoả thuận ngừng bắn sau 3 ngày giao tranh giữa hai phía khiến hàng trăm người chết hoặc bị thương, hàng nghìn người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Nga-080810.jpg
Xe tăng Nga tiến về Nam Ossetia - Ảnh: AP

Hiện, do thiếu kiểm chứng độc lập, có những thông tin khác nhau về con số thương vong của Nga và Grudia. Tuy nhiên, số người bị chết hoặc bị thương dường như đã tăng cao vào ngày 9/8. Dựa trên ước tính của Nga và Nam Ossetia, con số tử vong ở phía Nam Ossetia ít nhất là 1.400 người. Số thương vong ở phía Gruzia từ 82 đã tăng lên 130 người chết, trong đó có 37 dân thường.

Trong tối qua (9/8), Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã tới khu vực nằm sát biên giới với Nam Ossetia . Phát biểu trước những người tị nạn tại Vladikavkaz - thủ phủ của vùng Bắc Ossetia thuộc Nga, nhà lãnh đạo này nói: "Từ góc độ pháp lý, hành động của Nga là chính đáng và hợp pháp. Hơn nữa, đó là việc làm cần thiết". Văn phòng của Tổng thống Nga Medvedev tối 9/8 cũng cho biết, Nga chưa hề nhận được đề nghị ngừng bắn nào từ phía Gruzia.

Hiện, Nga đang đặt trách nhiệm chấm dứt giao tranh lên vai Mỹ, nước giúp đỡ Gruzia luyện quân. Tuy nhiên, về phần mình Washington lại đổ trách nhiệm cho Moscow .

* Ngày 9/8, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực xung đột Nam Ossetia. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tổng thống Gruzia quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật trong cả nước. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Saakashvili nói: "Tôi đề nghị ngừng bắn ngay lập tức, rút lui các lực lượng và phi quân sự hóa mọi khu vực đang xảy ra giao tranh. Gruzia sẵn sàng đi những bước đi đầu tiên chỉ cần cộng đồng quốc tế phát huy vai trò một cách nghiêm túc". Tuy nhiên, các nguồn tin từ Nam Ossetia cho biết bộ binh Gruzia đã tiến vào thủ phủ Tskhinvali của nước cộng hòa tự xưng này và đụng độ với binh lính Nam Ossetia. Một vài xe tăng của Gruzia cũng đột phá qua tuyến phòng thủ và tiến vào Tskhinvali. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Gruzia Alexander Lomaia tuyên bố Tbilisi không loại trừ khả năng đề nghị phương Tây viện trợ quân sự trực tiếp. Theo ông Lomaia, Gruzia đã sẵn sàng cho một "cuộc phòng thủ", đã dự trữ lương thực và lên kế hoạch cung ứng điện.

Cùng ngày, theo đề nghị của phía Mỹ, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã điện đàm với Tổng thống Mỹ George W. Bush để thảo luận vấn đề liên quan tình hình xung đột leo thang ở Nam Ossetia. Tại cuộc điện đàm, tổng thống Nga khẳng định giải pháp duy nhất cho tình hình căng thẳng hiện nay là Gruzia rút quân khỏi khu vực xung đột, quay lại thương lượng hòa bình, trước hết là ký thỏa thuận chấm dứt sử dụng vũ lực tại khu vực này. Tổng thống Medvedev khẳng định Nga sẽ hành động nhằm nhanh chóng chấm dứt tình trạng bạo lực ở Nam Ossetia, bảo vệ dân thường, trong đó phần lớn là người mang quốc tịch Nga, và khôi phục hòa bình trong khu vực. Nga hy vọng Mỹ, các nước phương Tây và cộng đồng quốc tế cũng hành động theo hư ớng này. Trả lời phỏng vấn hãng BBC ngày 9/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định Nga không muốn chiến tranh tổng lực với Gruzia mà đơn giản chỉ đang cố gắng đưa tình hình trở lại thời điểm trước khi xảy ra xung đột.

Trong một số diễn biến liên quan, ngày 9/8, Ba Lan đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc xung đột ngày càng gia tăng ở Nam Ossetia.

* Tin từ văn phòng chính phủ Nga cho biết chỉ trong hơn một ngày qua, đã có hơn 30.000 người phải chạy khỏi lãnh thổ Nam Ossetia, nơi chiến sự diễn ra ác liệt, sang Nga lánh nạn.

Hãng tin Reuters ngày 9/8 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết số nạn nhân của cuộc xung đột tại khu vực ly khai Nam Ossetia thuộc Gruzia đã lên đến 1.500 người và vẫn đang gia tăng, do tình hình ở khu vực đang tiếp tục xấu đi.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị cho chính phủ Nga và các bộ, ngành liên quan thực thi tất cả các biện pháp khẩn cấp cần thiết để trợ giúp nhân đạo cho thường dân Nam Ossetia và binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.

Tư lệnh Lục quân Nga-Đại tướng Vladimir Bondyrev tuyên bố quân đội Nga đã đẩy lùi hoàn toàn các đơn vị quân đội Gruzia ra khỏi thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia, song tình hình ở khu vực xung đột vẫn "cực kỳ căng thẳng."

Theo tướng Bondyrev, trong một ngày đêm qua, các đơn vị của tập đoàn quân số 58  của Nga cùng các đơn vị đặc nhiệm đã tới khu vực chiến sự và đang tiến hành chiến dịch nhằm thiết lập lại hòa bình ở khu vực xung đột và bảo vệ dân thường. Việc sơ tán binh sĩ gìn giữ hòa bình bị thương và dân thường tới các bệnh viện và cơ sở y tế dân sự trên lãnh thổ Nga đang được tiến hành khẩn trương.

Trong bối cảnh tình hình xung đột tại khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili tuyên bố đã quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật trong cả nước. Tại phiên họp của Hội đồng an ninh Gruzia cùng ngày, ông Saakashvili cho biết ông sẽ ký sắc lệnh tương ứng do việc "Nga gây hấn chống Gruzia".

Ngày 9/8, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana tuyên bố EU sẽ nỗ lực hết sức để lập lại hòa bình ở Nam Ossetia. Ông cho biết EU thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc qua điện thoại với các Ngoại trưởng Nga và Gruzia và kêu gọi các bên nỗ lực để chấm dứt chiến sự.

Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Dana Perino cho biết Tổng thống Mỹ George W. Bush đã thảo luận với các cố vấn cấp cao ở Washington về cuộc khủng hoảng ở Nam Ossetia nhưng không cho biết chi tiết về nội dung các cuộc thảo luận.

Tối qua (9/8), theo kế hoạch, một phái đoàn hỗn hợp gồm các phái viên của EU, Mỹ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đến Grudia. Động thái này diễn ra sau phiên họp khẩn cấp thứ 3 của Hội đồng Bảo an LHQ kết thúc mà không đi tới thống nhất về lời lẽ trong bản tuyên bố kêu gọi ngừng bắn.

Việt Nam kêu gọi nối lại đàm phán về Nam Ossetia

Ngày 9/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột vũ trang tại Nam Ossetia thuộc Gruzia và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nối lại đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về cuộc xung đột, ông Lê Dũng nói: "Việt Nam hết sức lo ngại về xung đột vũ trang ở Nam Ossetia làm thiệt mạng nhiều dân thường và binh sỹ gìn giữ hòa bình tại đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện các hiệp định đã được ký kết và sớm nối lại đàm phán hòa bình trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan".

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, diễn ra rạng sáng 8/8 tại New York (Mỹ), Đại diện Việt Nam tại Hội đồng, Đại sứ Lê Lương Minh, cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng tăng lên trong khu vực và cho rằng việc sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết vấn đề xung đột mà chỉ phá vỡ hy vọng tìm kiếm giải pháp cho tình hình.

Đại diện Việt Nam kêu gọi cả Gruzia và Nam Ossetia kiềm chế, chấm dứt ngay các hoạt động quân sự, nghiêm chính tuân thủ thỏa thuận về việc không tiếp tục các hành động gây hấn, và nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp nhằm tìm một giải pháp toàn diện và lâu dài cho tình hình trong khu vực, ngăn ngừa khả năng xung đột trở lại.

Do tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi, trong cuộc họp công khai về tình hình xung đột tại Nam Ossetia của Hội đồng Bảo an chiều cùng ngày, Đại sứ Lê Lương Minh một lần nữa kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực, và nhanh chóng nối lại các cuộc đồi thoại nhằm chấm dứt chiến sự.

Đại sứ Lê Lương Minh tuyên bố: "Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực quốc tế nhằm giúp giải quyết tình hình, nối lại các cuộc thương lượng hòa bình và tạo điều kiện cho quá trình phục hồi ổn định trong khu vực".

Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên khác trong Hội đồng Bảo an nhằm bảo đảm rằng Hội đồng sẽ có phản ứng kịp thời trước diến biến nghiêm trọng của tình hình ở khu vực xung đột tại Nam Ossetia nhằm giảm căng thẳng và đưa các bên trở lại bàn đàm phán.

(TTXVN)

H.NGUYỄN (tổng hợp)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn