Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, ngày 10/11, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric cho biết 72 lái xe người bản địa làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở miền Bắc Ethiopia đã bị bắt giữ.
Liên Hợp Quốc đang liên lạc với Chính phủ Ethiopia để tìm hiểu lý do của vụ việc.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc nêu rõ các lái xe làm việc cho WFP bị bắt giữ ở thủ phủ của tỉnh Afar, trên con đường huyết mạch duy nhất đi đến vùng Tigray của Ethiopia.
Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Ethiopia đảm bảo an toàn và các quyền hợp pháp của những người bị bắt giữ.
Trước đó, ngày 9/11, ông Dujarric cho biết Liên hợp quốc đang làm việc với Chính phủ Ethiopia về việc trả tự do cho 16 nhân viên người Ethiopia hoạt động nhân đạo đang bị bắt giam ở thủ đô Addis Ababa.
Theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc, ban đầu có 22 nhân viên bị bắt giữ, nhưng 6 người trong số này đã được trả tự do. Ethiopia chưa đưa ra bất cứ lời giải thích nào về các vụ bắt giữ trên.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, truyền thông khu vực dẫn lời ông Stephane Dujarric khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hoạt động ở Ethiopia để thực hiện các cam kết và làm việc với Chính phủ Ethiopia cũng như các đối tác địa phương và quốc tế nhằm hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người có nhu cầu trên khắp quốc gia Đông Phi này.
Xung đột ở Ethiopia đã kéo dài hơn một năm, khởi đầu từ vùng Tigray và hiện đã lan rộng ra nhiều khu vực ở nước này.
Xung đột bùng phát từ tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ liên bang và các lực lượng trung thành với Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đang kiểm soát vùng này.
Nhóm sắc tộc thiểu số Tigray chiếm khoảng 6% dân số ở miền Bắc Ethiopia. Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc xung đột có thể đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.
Ngày 2/11 vừa qua, Ethiopia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 6 tháng do lo ngại khả năng các tay súng thuộc TPLF và Quân Giải phóng Oromo tiến về thủ đô Addis Ababa.
Hiện, đặc phái viên của nhiều nước, trong đó có cựu Tổng thống Nigeria Obasanjo và Đặc phái viên Mỹ về vùng Sừng châu Phi Jeffrey Feltman, đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Ethiopia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10/11 bày tỏ hy vọng những nỗ lực ngoại giao do cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo dẫn đầu có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở Ethiopia.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ông Bliken hy vọng các cuộc đàm phán sẽ giúp ngăn chặn bạo lực và sử dụng một lệnh ngừng bắn để tiến hành hỗ trợ nhân đạo, sau đó đàm phán một giải pháp chính trị lâu dài hơn.
Cùng ngày 10/11, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết Moscow kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Ethiopia ngừng bắn và tiến hành hòa giải chính trị.
Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, bà Zakharova nhấn mạnh Nga lo ngại về các cuộc đụng độ tiếp diễn giữa quân đội Ethiopia và lực lượng TPLF cũng như những thiệt hại dân sự ngày càng gia tăng do cuộc xung đột này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ethiopia, tất cả các bên liên quan cuộc xung đột phải có quyết tâm chính trị và đảm bảo một lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho một thỏa thuận chính trị và khôi phục hòa bình trong nước.
Theo TTXVN/Vietnam+