Chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Israel tới Hebron trước bầu cử

Chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Israel tới Hebron trước bầu cử

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/9 đã có chuyến thăm gây tranh cãi tới TP Hebron ở Bờ Tây để tưởng nhớ những người Do Thái bị giết hại tại đây vào năm 1929.

* Palestine lên án động thái mới của Mỹ liên quan đến Jerusalem

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/9 đã có chuyến thăm gây tranh cãi tới TP Hebron ở Bờ Tây để tưởng nhớ những người Do Thái bị giết hại tại đây vào năm 1929.

Ông Netanyahu tới dự lễ tưởng niệm 90 năm ngày 67 người Do Thái bị giết hại bởi những người nổi dậy Palestine tại Hebron. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của ông Netanyahu tới Hebron kể từ năm 1998 và diễn ra trước cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 17/9 tới khi ông Netanyahu muốn thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc phe cánh hữu dân tộc.

Hiện nay, khoảng 800 người định cư Do Thái sống dưới sự bảo vệ an ninh của quân đội Israel tại thành phố này, nơi có khoảng 200.000 người Palestine. An ninh tại khu vực tổ chức lễ tưởng niệm được siết chặt với sự hiện diện của các binh sĩ, chuyên gia về chất nổ và chó nghiệp vụ.

Chính quyền Palestine lên án chuyến thăm của ông Netanyahu là hành động khiêu khích và mang động cơ chính trị. Bộ Ngoại giao Palestine thông báo đây hoàn toàn là một chuyến thăm mang tính thực dân, phát xít mà ông Netanyahu thực hiện vào thời điểm tranh cử trong nỗ lực nhằm giành sự ủng hộ của cử tri cánh hữu và cánh hữu cực đoan.

Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng tham gia lễ tưởng niệm trên và kêu gọi người Israel và Palestine học cách chung sống hòa bình. Ông Rivlin cho biết Hebron không phải là rào cản cho hòa bình và đây là thử thách cho khả năng chung sống hòa hợp giữa người Do Thái và Ả-rập.

Các nhà hoạt động Palestine thuộc phong trào Thanh niên phản đối khu định cư đã treo một lá cờ Palestine lớn tại khu vực tổ chức tưởng niệm. Theo các nhân chứng, nhiều thanh niên Palestine ném đá và pháo vào binh sĩ tại trung tâm thành phố Hebron, trong khi các binh sĩ này bắn trả bằng đạn cao su.

Hebron là địa điểm thường xảy ra xung đột giữa Israel và Palestine. Năm 1994, một người định cư Do Thái đã giết hại 29 người Hồi giáo đang cầu nguyện ở đây bằng súng trường trước khi bị đánh chết bởi những người sống sót. Các khu định cư Do Thái bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp và là rào cản chính cho hòa bình khi chúng được xây dựng trên vùng đất mà người Palestine coi là một phần nhà nước tương lai của họ.

Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Palestine ngày 4/9 kịch liệt phản đối ý định của chính quyền Mỹ về việc đăng ký cho công dân Mỹ sinh ra tại Jerusalem là người Israel trên hộ chiếu và chứng minh thư.

Trước đó, truyền thông Israel ngày 3/9 cho biết chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc cho phép công dân Mỹ sinh tại Jerusalem được ghi trên hộ chiếu của mình dòng chữ "Jerusalem, Israel”. Bộ trên coi động thái trên là bằng chứng cho thấy "chính quyền Tổng thống Donald Trump chống lại nhân dân Palestine và hủy hoại mọi cơ hội đạt hòa bình trên cơ sở một giải pháp hai nhà nước”.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Palestine khẳng định "chỉ cần nghĩ theo hướng đó đã là vi phạm luật pháp quốc tế và các quyết định mang tính pháp lý quốc tế”.

Tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem tháng 5 vừa qua. Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai, trong khi Israel muốn toàn bộ thành phố linh thiêng này là thủ đô vĩnh viễn của mình.

Israel đã sáp nhập Đông Jerusalem sau cuộc chiến tranh năm 1967, trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Theo TTXVN/Vietnam+

Từ khóa:

Ý kiến của bạn