Ngày 8/3, tờ Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã lần đầu tiên đề cập tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vừa qua kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào.
Trong bài viết, báo trên nêu rõ "dư luận trong nước và nước ngoài - vốn hy vọng vào thành công và các kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lần hai tại Hà Nội - đang cảm thấy tiếc nuối," cho rằng việc hội nghị không đạt thỏa thuận là do phía Mỹ.
Cùng ngày, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đã lần đầu tiên đề cập đến kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra trong các ngày 27-28/2 tại Việt Nam vừa qua.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc hội nghị, truyền thông Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng và Washington đã nhất trí tiếp tục có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" về vấn đề phi hạt nhân hóa. Tờ Rodong Sinmun đăng trên trang nhất hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng đồng thời bày tỏ sẽ rất thất vọng nếu Triều Tiên có ý định khôi phục các vụ thử vũ khí. Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 8/3, Tổng thống Trump nêu rõ: "Mối quan hệ của chúng tôi.... tôi nghĩ vẫn tốt đẹp". Ông cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên theo hướng tiêu cực nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên có những động thái không phù hợp với sự hiểu biết của hai bên.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ trở lại vạch xuất phát sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không đạt được tuyên bố chung. Cùng với đó là những thông tin cho rằng Triều Tiên đang khôi phục hoạt động tại bãi thử động cơ tên lửa Dongchang-ri, còn gọi là Trạm phóng vệ tinh Sohae mà nước này bắt đầu tháo dỡ năm 2018, cũng như về sự xuất hiện trở lại các hoạt động tại một nhà máy sản xuất thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Triều Tiên có khả năng vươn tới Mỹ.
Nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này cố gắng thúc đẩy để xóa bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Một quan chức bộ trên đã nhấn mạnh mục tiêu trong vòng hai năm tới đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng, bao gồm loại bỏ tất cả đầu đạn hạt nhân, vật liệu phân hạch và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như việc đình chỉ vĩnh viễn các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt khác.
Trong diễn biến liên quan, Sputniknews đưa tin nghị sĩ Oleg Morozov, một thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ngày 8/3 nhận định Triều Tiên khó có thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước năm 2021 khi cần có những đảm bảo của quốc tế để hoàn thành tiến trình này.
Nghị sĩ Morozov nêu rõ: "Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các đảm bảo được trao cho Triều Tiên. Những đảm bảo từ Mỹ sẽ không đủ. Cần có những đảm bảo từ quốc tế, và chỉ như vậy mới có thể đảm bảo việc từ bỏ vũ khí hạt nhân..., không thể có niềm tin vào một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề và việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.
Trong diễn biến khác, ngày 8/3, giới chuyên gia nhận định quyết định của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thay thế phụ tá hàng đầu của ông về Triều Tiên dường như cho thấy sự chú trọng ngày càng cao của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đối với quan hệ liên Triều. Việc thay thế này diễn ra khi ông đang nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới tích cực hơn với niềm tin rằng điều đó có thể giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc đã bổ nhiệm ông Kim Yeon-chul, 55 tuổi, Giám đốc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, vào cương vị tân Bộ trưởng Thống nhất. Ông Kim Yeon-chul được đánh giá là người "có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về hợp tác kinh tế liên Triều và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, là một trong rất ít chuyên gia về quan hệ liên Triều giàu kinh nghiệm cả trong lĩnh vực học thuật và thực tế”.
Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nhận định: "Được trang bị một nền tảng lý thuyết vững chắc cùng với kinh nghiệm thực tế, ông Kim Yeon-chul dường như rất phù hợp với vị trí mới xét trên sự hiểu biết của ông đối với học thuyết của Tổng thống Moon về quan hệ liên Triều và tầm nhìn thống nhất cũng như khả năng hiện thực hóa nền kinh tế hòa bình”.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức trong việc đẩy mạnh hợp tác liên Triều khi Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng ông Kim Yeon-chul sẽ cần có cách tiếp cận "sáng tạo" trong vấn đề này mà không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của mối quan hệ Mỹ - Triều.
Chuyên gia Cheong Seong-chang cho rằng là một giáo sư, ông Kim Yeon-chul có thể phù hợp hơn người tiền nhiệm trong việc diễn giải những mục tiêu mà Tổng thống Moon Jae-in theo đuổi cũng như gây dựng niềm tin của các chuyên gia và cộng đồng quốc tế.
Ông Kim Yeon-chul được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ việc tích cực tiếp xúc với Triều Tiên. Trước đó, ông từng nói rằng 2019 sẽ là năm "thực thi đầy đủ" các cam kết trong mối quan liên Triều sau "bước ngoặt" mà hai nước đã ghi nhận hồi năm ngoái.
Ông tin rằng các biện pháp trừng phạt là vô ích trong việc buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt như một giải pháp nhằm xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa Triều Tiên và Mỹ.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc là cơ quan chính phủ thành lập năm 1969 nhằm thúc đẩy sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Cơ quan này có nhiệm vụ thúc đẩy các cuộc đối thoại liên Triều, khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hợp tác thực chất liên Triều thông qua hợp tác kinh tế cùng có lợi và giao lưu văn hóa xã hội.
T.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)