* Triều Tiên chỉ trích các cuộc thảo luận quốc phòng 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn
Ngày 3/4, một quan chức phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này đang cố đạt được tuyên bố phi hạt nhân từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra vào cuối tháng này.
Theo quan chức trên, việc nỗ lực đạt được một tuyên bố như vậy là "một vấn đề dĩ nhiên" bởi lẽ phi hạt nhân hóa là một trong ba nội dung chủ chốt trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cùng với vấn đề mang lại nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một tờ báo đưa tin Hàn Quốc đang nỗ lực ra một tuyên bố về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 27/4 tới tại làng đình chiến Panmunjom.
Trong khi đó, hãng tin Ariang của Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị một hiệp ước hòa bình để thay thế cho Thỏa thuận đình chiến năm 1953 giữa hai miền Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vai trò cần thiết của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên - một động thái cho thấy Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng trong giải quyết các vấn đề xung quanh bán đảo Triều Tiên sau các động thái ngoại giao dồn dập giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian qua. Tổng thống Donald Trump đã không đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với đề nghị của nhà lãnh đạo Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Kyodo News cho rằng đề nghị về hiệp ước hòa bình của Bắc Kinh nhằm tiến hành cơ chế đàm phán bốn bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc để thay thế cho cơ chế sáu bên, thêm Nhật Bản và Nga, đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Những cuộc đàm phán bốn bên về tiến trình hòa bình bán đảo Triều Tiên đã được tổ chức từ năm 1996-1999. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã đi đến thất bại do phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự ra khỏi Hàn Quốc.
Ngày 3/4, các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng nước này Taro Kono đang lên kế hoạch cho chuyến thăm đầu tiên của ông đến Hàn Quốc vào tuần tới, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Theo kế hoạch, ông Kono sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để đề nghị nhà lãnh đạo này đề cập đến vấn đề Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản hồi những năm 70-80 trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27/4 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Do thiếu một kênh liên lạc trực tiếp với ông Kim Jong-un, Nhật Bản dường như sẽ thông qua Tổng thống Hàn Quốc để theo đuổi một giải pháp cho vấn đề nói trên. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kono sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha để tìm kiếm sự hợp tác trong việc cải thiện quan hệ song phương, vốn đã bị rạn nứt sau những tranh cãi về vấn đề “phụ nữ mua vui”.
Trước đó, Triều Tiên ngày 2/4 đã chỉ trích các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng mới đây giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, khẳng định rằng sự hợp tác như vậy với các lực lượng bên ngoài sẽ dẫn đến đối đầu và chiến tranh. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng một bài bình luận với nhan đề “Giờ là lúc từ chối hợp tác với các lực lượng nước ngoài”, có đoạn viết: "Cuộc gặp lần thứ 10 theo đuổi mục tiêu thực hiện kịch bản của Mỹ là quốc tế hóa chiến dịch phong tỏa bằng hải quân chống lại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”. KCNA nhắc đến các cuộc gặp của giới chức quốc phòng 3 bên ở thủ đô Washington, Mỹ hôm 21/3 vừa qua.
Trong cuộc gặp, các quan chức của 3 nước nói trên đã nhất trí duy trì sự hợp tác chặt chẽ chống lại hoạt động hàng hải của Triều Tiên bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bất chấp bầu không khí hòa bình đang hình thành trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong ngày 2/4, Kyodo đưa tin, Viện nghiên cứu Mỹ - Triều tại Đại học John Hopkins (Mỹ), chuyên giám sát hoạt động của Triều Tiên, đã bày tỏ hoài nghi trước bình luận gần đây của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono rằng có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Trên trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 độ Bắc, Viện nghiên cứu Mỹ - Triều cho hay: “Hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 23/3 cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác: đó là hoạt động tại bãi thử đã giảm đáng kể so với các tháng trước đó”. Viện này cũng cho biết hoạt động đào đường hầm ở Cổng Tây, khu vực không liên quan tới bất kỳ vụ thử nào trước đây của Triều Tiên, đã hoạt động vào đầu năm nay, song hoạt động này “cùng với sự di chuyển nhân sự và xe cộ khác xung quanh bãi thử đã chậm lại đáng kể”.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)