Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng về chiến lược quân sự

Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng về chiến lược quân sự

Ngày 26/5, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự của nước này, trong đó nhấn mạnh đường lối "phòng thủ chủ động", đồng thời cam kết hợp tác an ninh quốc tế chặt chẽ hơn.

* Báo Trung Quốc đe dọa "chiến tranh" nếu Mỹ can thiệp vào biển Đông

Ngày 26/5, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự của nước này, trong đó nhấn mạnh đường lối "phòng thủ chủ động", đồng thời cam kết hợp tác an ninh quốc tế chặt chẽ hơn. 

Sách Trắng mang tên "Chiến lược Quân sự Trung Quốc", do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ấn hành, có tổng cộng 9.000 từ, nội dung chủ yếu đề cập đến việc xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm phòng thủ tích cực và tăng cường hợp tác an ninh quân sự quốc tế.

Cũng theo Sách Trắng, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong các lĩnh vực liên quan mật thiết tới lợi ích của nước này. Cụ thể, bốn "lĩnh vực an ninh trọng yếu" là an ninh trên biển, không gian vũ trụ, không gian mạng và năng lực hạt nhân. Hải quân Trung Quốc sẽ chuyển dần trọng tâm từ chiến lược đơn nhất "bảo vệ vùng biển gần bờ" sang kết hợp chiến lược này với việc "bảo vệ vùng biển ngoài khơi".

Sách Trắng cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực an ninh mạng nhằm đối phó với "các hiểm họa an ninh" nhằm vào cơ sở hạ tầng trên không gian mạng. Bắc Kinh cũng phản đối cuộc chạy đua vũ trang trên không gian vũ trụ, đồng thời cam kết đảm bảo an toàn cho các cơ sở vũ trụ của nước này. Sách Trắng nêu rõ Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia chạy đua vũ trang hạt nhân với bất kỳ nước nào, đồng thời cam kết đóng góp nhiều hơn cho hòa bình thế giới.

Về tình hình biển Đông, nội dung Sách Trắng này cố tình bảo vệ hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo trái phép của nước này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời cũng đề cập đến "một số quốc gia bên ngoài tìm cách can thiệp vào vấn đề này, trong đó có hoạt động trinh sát bằng máy bay quân sự". Sách Trắng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện cơ cấu cảnh báo nước ngoài về "hoạt động quân sự được lên kế hoạch từ trước" và quy tắc ứng xử trong các tình huống chạm trán trên biển và trên không. Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng cảnh báo bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng "bất ổn và khó đoán", gây "ảnh hưởng tiêu cực" đối với an ninh và ổn định dọc theo khu vực ngoại vi của Trung Quốc. 

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc còn gọi chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng gần đây là "vấn đề đáng lo ngại". Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng biển Đông gia tăng, khi Bắc Kinh đẩy mạnh cải tạo đất ở 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp phản đối của các nước. Trung Quốc cũng xua đuổi máy bay Mỹ và Philippines bay trên các đá mà nước này đang cải tạo, làm dấy lên quan ngại nước này có thể lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, theo Independent, truyền thông Trung Quốc ngày 26/5 đã cảnh báo Mỹ "đừng dính vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc" ở trên biển, nếu không "chiến tranh sẽ là điều không thể tránh khỏi".

Tuần trước, Hải quân Trung Quốc đã phát đi 8 cảnh báo tới cho tổ lái chiếc P8-A Poseidon, mẫu máy bay do thám hiện đại bậc nhất của Mỹ, sau khi nó bị phát hiện bay trên một số hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở biển Đông. Và nay, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về việc chiến tranh sẽ là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang. 

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt của Trung Quốc đã khiến các láng giềng quan ngại sâu sắc. Nó diễn ra trong bối cảnh Philippines kêu gọi Mỹ phải có "những cam kết mạnh mẽ hơn" trong việc bảo vệ và hỗ trợ đất nước này trước sức ép từ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng ông sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong ngày thứ 4 ở Hawaii để yêu cầu có cam kết mạnh mẽ hơn. "Tôi sẽ chất vấn về mức độ hỗ trợ mà họ (Mỹ) dành cho chúng tôi, họ có thể làm được gì để giúp đỡ chúng tôi, vì hiện chúng tôi cảm thấy mình đang bị chèn ép", ông nói. "Chúng tôi quan ngại về những gì đang diễn ra ở biển Đông. Sự tự do đi lại trên biển, trên không đã bị phá vỡ, tới mức ngay cả máy bay Mỹ hoạt động trên không phận quốc tế cũng gặp thách thức (tới từ Trung Quốc)", ông cho biết.

L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn