WHO cảnh báo Đông Á đối mặt với nguy cơ dịch bệnh Ebola

WHO cảnh báo Đông Á đối mặt với nguy cơ dịch bệnh Ebola

Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng với nhiều trung tâm thương mại và du lịch sầm uất và những đội quân lao động di cư, Đông Á hiện đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch bệnh Ebola.

Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng với nhiều trung tâm thương mại và du lịch sầm uất và những đội quân lao động di cư, Đông Á hiện đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, khu vực này đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng đối phó hơn các khu vực khác nếu có trường hợp nhiễm bệnh được chẩn đoán.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Manila của Philippines, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Shin Young-soo cho biết Đông Á là một "điểm nóng" về các bệnh mới nổi lên trong thời gian qua và đã phải xử lý dịch SARS và cúm gia cầm. Vì vậy, khu vực này chuẩn bị sẵn sàng hơn các khu vực khác để ứng phó với dịch bệnh do có kinh nghiệm và biết được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức cho công chúng về các dịch bệnh, cũng như sự giám sát chặt chẽ và minh bạch. Theo ông, với các trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu như Singapore và Hongkong và việc nhiều lao động Philippines làm việc ở khắp thế giới sẽ làm cho virus Ebola có khả năng lây lan sang Đông Á. Tuy nhiên, khu vực này vẫn ở trong tình trạng tốt hơn các khu vực khác. Các nước thành viên trong khu vực đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng vững chắc để đối phó với dịch bệnh Ebola và từng nước có trung tâm điều hành khẩn cấp kết nối với văn phòng khu vực tại Manila và trụ sở của WHO ở Geneva. Ông Shin cũng cho biết, sự bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt đầu ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2002 đã làm khoảng 8.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, trong đó gần 800 người đã tử vong.

Trong khi đó, giới chức y tế liên bang Mỹ ngày 12/10 xác nhận một nhân viên y tế từng chữa trị cho bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ nhiễm virus Ebola, người đã bị chết hồi tuần trước, cũng đã bị nhiễm loại virus chết người này. Đây là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ.

Thông báo của Giám đốc các Trung tâm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC), bác sĩ Thomas Frieden cho biết một nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở TP Dallas, bang Texas, người từng điều trị cho ông Thomas Duncan, quốc tịch Liberia, bị nhiễm virus Ebola, qua đời ngày 8/10 vừa qua, cũng vừa bị chẩn đoán có kết quả dương tính với loại virus chết người đã hoành hành khu vực Tây Phi hơn 3 tháng qua. Ông Davis Lakey, quan chức Cơ quan dịch vụ y tế bang Texas, cho biết đối tượng thứ hai ở Mỹ bị nhiễm Ebola này đã được đưa vào khu cách ly để chữa trị. Nhân viên y tế chưa được nêu danh tính này đã có triệu chứng bị sốt nhẹ từ ngày 10/10.

Trong diễn biến khác, hàng nghìn nhân viên chăm sóc y tế Liberia đã lên kế hoạch đình công không giới hạn bắt đầu từ đêm 13/10. Sự việc đe dọa hủy hoại các nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola và đẩy hàng trăm bệnh nhân rơi vào cảnh không được điều trị. Các nhân viên y tế nói trên dọa sẽ đình công tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y trên toàn quốc cho tới khi nào chính phủ đáp ứng đề nghị tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cũng như trang bị đầy đủ bảo hộ y tế cho những người chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola.

Theo Thứ trưởng Y tế Liberia Matthew Flomo, chính phủ không biết về kế hoạch đình công của các nhân viên y tế. Ông cũng cho biết chính phủ đã đạt một thỏa thuận tăng lương cho nhân viên y tế từ ngày 13/10, giống như đã từng áp dụng hồi tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, Chủ tịch NHWAL bác bỏ việc đạt thỏa thuận này, đồng thời tố cáo chính quyền đang gây chia rẽ các nhân viên y tế.

Liberia là nước có tỉ lệ nhiễm và tử vong vì virus Ebola cao nhất trong số những nước có dịch. Trong số 4.000 ca tử vong vì virus nguy hiểm này, có tới 2.316 người Liberia. Trong khi đó, các hệ thống y tế ở Liberia cũng như ở Sierra Leone và Guinea (nơi bùng phát dịch hồi tháng Ba) đều đã quá tải vì dịch bệnh này.

Hiện nay, virus đã lan tới Senegal, Nigeria, Tây Ban Nha và Mỹ. Lo ngại Ebola có thể lây lan ra toàn cầu, các tổ chức quốc tế và cộng đồng thế giới đã nỗ lực giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng bằng cách cung cấp nhân viên và trang thiết bị y tế cũng như hỗ trợ về tài chính lên tới 1 tỉ USD.

Mặc dù vậy, các nhân viên y tế tại Liberia than phiền là họ vẫn phải làm việc trong tình trạng không có thiết bị bảo hộ cơ bản và không nhận được thù lao xứng đáng khiến 201 người trong số họ đã bị nhiễm bệnh và 95 người thiệt mạng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn