Thứ Sáu, 11/10/2024 05:32 SA
EU ra Tuyên bố Berlin, thề tìm kiếm một hiệp ước mới
Thứ Hai, 26/03/2007 07:10 SA

Các lãnh đạo EU đã thông qua Tuyên bố Berlin hôm 25/3, định năm 2009 là hạn chót để chuẩn bị một hiệp ước mới thay thế dự thảo hiến pháp bị bác bỏ của khối này. 

 070326-merkel.jpg
Thủ tướng Đức trước lễ ký Tuyên bố Berlin

Tuyên bố Berlin, nhân dịp EU 50 tuổi, được ký bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Hans-Gert Poettering, trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo EU.

Từ ’’hiến pháp’’ không được đề cập tới trong tuyên bố dài hai trang này theo yêu cầu của nhiều nước thành viên, đặc biệt là Anh, Cộng hòa Séc và Ba Lan. Dự thảo hiến pháp đã bị bác bỏ trong các cuộc trưng cầu dân ý trong năm 2005 tại Hà Lan và Pháp.

Trong tuyên bố được ký tại Viện Bảo tàng lịch sử Đức, các quốc gia thành viên nói rằng họ ’’đoàn kết trong mục tiêu đưa EU lên một nền tảng chung, đổi mới, trước các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2009’’. Tuyên bố ca ngợi những thành tựu như hòa bình và ổn định tại châu Âu, việc đưa vào sử dụng đồng tiền chung euro và đi lại tự do giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, tuyên bố đã nêu ra những thách thức mới như chống khủng bố và phân biệt chủng tộc, chống sự ấm lên toàn cầu.

Tuyên bố này là một trong những sự kiện đánh dấu 50 năm kể từ ngày ký Hiệp ước Rome, 25/3/1957, - hiệp ước lập nên tiền thân của EU ngày nay, đó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức khắp châu Âu với các buổi hòa nhạc và pháo hoa.

Trong bài diễn văn trước lễ ký kết, bà Merkel nói rằng châu Âu không thể coi các lý tưởng ấp ủ của châu lục này - hòa bình và tự do, dân chủ và pháp quyền - là ngẫu nhiên, kêu gọi khối này giải quyết cuộc khủng hoảng về thể chế. ’’EU phải đảm bảo rằng với 27 thành viên hoặc nhiều hơn nữa, các thể chế của EU vẫn phải hoạt động hiệu quả, dân chủ và theo cách thức dễ hiểu đối với các công dân’’, bà nói.

Còn ông Barroso đã kêu gọi các lãnh đạo EU sớm giải quyết vấn đề hiến pháp và cảnh báo châu Âu có nguy cơ tụt lại đằng sau phần còn lại của thế giới nếu không hành động. 

Bà Merkel nói rằng bà tin tưởng 27 chính phủ thành viên EU có thể vượt qua các bất đồng sâu sắc của họ về tương lai của EU trước năm 2009 khi một hiệp ước EU sửa đổi sẽ được mọi nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều người coi kế hoạch này là quá tham vọng, căn cứ vào tình trạng chia rẽ hiện nay về việc sẽ giữ lại bao nhiều phần của dự thảo hiến pháp đã bị bác bỏ ở Pháp và Hà Lan.

Đức và Italia muốn giữ lại nhiều điều khoản của dự thảo ban đầu trong khi Hà Lan nhất quyết cho rằng hiệp ước mới phải rất khác biệt

Ba Lan và Anh lo ngại việc chuyển quyền lực từ các thủ đô quốc gia tới trụ sở của EU và Séc phản đối đặt thời hạn cho việc ký kết hiệp ước mới. Cũng có những lo ngại về các tham vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, Albania và Ukraine, những nước mà nhiều thành viên EU coi là mối đe dọa đối với hệ thống tiền lương và phúc lợi.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek