Thứ Hai, 23/09/2024 06:22 SA
Tập luyện khí công biểu diễn - được và mất
Chủ Nhật, 12/02/2017 09:39 SA

Các bài tập khí công đều bắt đầu từ việc tập thở bụng - Ảnh: HÀ MY

Trong giới võ thuật nói chung và đặc biệt là giới trẻ đam mê võ thuật, đề tài khí công lúc nào cũng lôi cuốn. Muốn tập luyện khí công mang lại hiệu quả, không “tẩu hỏa nhập ma”, người tập cần phải xác định mục đích luyện tập, có thầy dẫn dắt đúng kỹ thuật.

 

Được và mất

 

Định nghĩa một cách khái quát, “khí” là hơi thở, “công” là công phu. Vậy “khí công” tức là công phu luyện tập hơi thở. Để luyện tập đến mức độ kiểm soát và điều khiển được khí là chuyện không hề đơn giản. Trong võ thuật, cụm từ “khí công” thường được gọi chung cho các môn do luyện khí mà thành như: Nội công, Nhu công, Nhuyễn công, Ngạnh công hay Thái cực quyền… Thường thì một người tập luyện môn khí công, trước hết phải có người hướng dẫn cụ thể và đúng cách, sau đó cần phải có thời gian dài luyện tập thường xuyên trong điều kiện hết sức khắc nghiệt.

 

Xem một màn biểu diễn về khí công hay một màn biểu diễn về nội công như ngọn giáo nhọn hoắc đâm vào yết hầu không thủng, hay nằm trên bàn chông chơm chởm và được đặt một phiến đá lên trên, người khác dùng búa tạ nện xuống mà không hề hấn gì…, bất kỳ ai cũng bị cuốn hút. Nhưng ít ai biết được, ngoài các kỹ xảo được vận dụng, thì người biểu diễn phải mất một thời gian khá lâu, thậm chí lên đến hàng chục năm ròng rã để luyện tập khí công. Tuy nhiên, việc này chỉ nhằm mục đích tạo cho bản thân một khả năng đặc biệt hơn người và chỉ dành để… biểu diễn mà thôi! Trên thực tế, các “chuyên gia nội công” này, nếu chẳng may bị một tai nạn “bất thình lình”, thì cũng đi đến một kết cục như bao người bình thường khác. Cho nên, trước khi đánh đổi hàng chục năm trời, lao vào tập luyện khí công để có năng lực hơn người, người tập nên suy nghĩ đến việc tập trung thời gian vào công việc khác, trong đó có cả việc hái ra tiền, hoặc cống hiến thời gian cho xã hội.

 

Võ thuật bình thường là một phương tiện vừa giúp bản thân rắn chắc, cường tráng, vừa có thể tự vệ và có thể giúp người khác trong một vài tình huống cần thiết. Sự luyện tập thì trong một thời gian chừng mực và trong điều kiện thoải mái chứ không quá khắc nghiệt. “Khí công đơn giản” là một loại hình dưỡng sinh, giúp khí huyết lưu thông, tạo sự thích nghi tích cực của cơ thể với các trạng thái biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, nhằm tăng sức đề kháng, mà không tốn nhiều thời gian, không bị ràng buộc vào sự khắt khe quá đáng. Tập khí công dưỡng sinh không khó, không phải lo mình lạc lối sẽ “tẩu hỏa nhập ma”. Vì vậy, các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn cho mình con đường luyện khí công chuyên sâu mà không có người hướng dẫn. Chúng ta không phủ nhận sự cá biệt của một số ít cá nhân đã tự mày mò luyện tập môn này mà thành, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người đã phải trả một cái giá khá đắt cho sự mạo hiểm này chỉ để muốn được trở thành người “phi thường”. Tác hại của sự “lạc lối” trong luyện khí thì muôn màu, muôn vẻ. Nhẹ thì rối loạn tuần hoàn hô hấp, nặng thì không thể kiểm soát được chính mình!

 

“Bí quyết” tập khí công để khỏe

 

Nếu chỉ muốn luyện tập để khí huyết lưu thông, tăng cường sức khỏe, người tập nên tập trung vào các phần sau đây. Trong khí công, nền tảng của nó chính là sự hít thở bụng. “Thở bụng” là sự cấu tạo rất tự nhiên của động vật, trong đó có cả con người. Trẻ sơ sinh không thở ngực như người lớn, mà hoàn toàn thở bằng bụng để tăng đề kháng cho cơ thể khi chưa kịp phát triển hoàn chỉnh. Đến một giai đoạn nào đó, sau một cú giật mình, trẻ sơ sinh chuyển qua thở ngực lúc nào không ai hay biết. Quan sát khác cho ta thấy, loài thú hầu hết đều thở bằng bụng. Vậy một kết luận cho thấy “thở bụng” tăng sự đề kháng tốt hơn cho cơ thể so với thở bằng ngực. Vì vậy bài tập của khí công dù là chuyên sâu hay không chuyên sâu cũng đều bắt đầu bằng việc tập “thở bụng”, nếu tập theo lối dưỡng dinh thì chỉ nên tập thở 2 thì thôi, tức hít vào và thở ra, và nên thở tự nhiên, không gượng ép, không cố nén. Trong một vài trường hợp như rối loạn hô hấp, xung huyết dạ dày, phân chia 2 cực (bên nóng, bên lạnh) trong cơ thể, cảm giác nóng hoặc lạnh tập trung tại một điểm nào đó trên cơ thể… có thể nghĩ đến “lạc lối nhẹ”. Trước hết các bạn cần “xả” hết cái gì đã có, giống như “súc bình” vậy. Sau đó tập thở bụng nhẹ nhàng không lưu lại một ý niệm nào về khí công cả. Đừng để thói quen “dẫn khí” đến chỗ này chỗ kia, nghĩa là làm cho trống trơn như khi các bạn chưa tập gì hết.

 

Sau khi chắc chắn là không còn ý niệm nào về việc “dẫn khí” khi đó hãy tập bước tiếp theo là dẹp bỏ tạp niệm trong đầu. Khi nào cảm thấy giữ được khoảng 15-20 phút mà trong đầu rỗng không, ta sẽ tập bước tiếp theo là cách nhìn vào trong. “Nhìn vào trong” đó là một cụm từ mang tính chuyên môn nhưng cũng rất mơ hồ, chỉ có thể mô tả rằng đó là sự cảm nhận được cái ý (tưởng tượng) của mình tới chỗ này, chỗ kia trong cơ thể.

 

Võ sư CHÂU MINH HAY

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek