Thứ Ba, 01/10/2024 22:37 CH
Võ học xưa và nay
Chủ Nhật, 24/07/2016 10:04 SA

Các VĐV thi đấu tại một giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc diễn ra ở Phú Yên - Ảnh: KHÁNH HÀ

Theo thời gian, võ thuật phát triển và có nhiều đổi mới để hợp với thời đại. Mặc dù vẫn kế thừa được tinh hoa của võ thuật xưa, nhưng võ thuật đang đối mặt với thực trạng bị thương mại hóa.

 

Võ thuật xưa

 

Đối với nhiều dân tộc trên thế giới, võ thuật là chất liệu quan trọng kiến tạo nên lịch sử; các anh hùng một thời đánh đông dẹp bắc hầu hết là các bậc võ tướng. Cho nên, vị trí của những người dạy võ thời xưa rất được trọng vọng. Tuy nhiên, việc truyền đạt võ thuật cũng không kém phần phức tạp. Vì vậy những võ sư đều đặt ra các quy định rất nghiêm khắc nhằm chế ngự, ràng buộc những học trò của mình, hoặc lấy đó để định hướng cho các môn đệ.

 

Người học võ hầu hết phải trải qua phần xem xét về khả năng tư duy, đạo đức và cả năng khiếu, đồng thời trải qua một thời gian thử thách nhất định. Sau khi thành tài, võ sĩ có thể sử dụng sở học của mình trong nhiều lĩnh vực cần đến võ thuật, trong đó có cả vai trò của một hiệp khách để “thế thiên hành đạo, trừ gian diệt ác”.

 

Thầy dạy võ ngày xưa không chỉ tinh thông võ thuật mà còn am tường y thuật, lý số, có thể xử lý các tình huống gây tổn thương, bệnh tật bằng các phương pháp ngoại khoa cổ truyền nhưng không kém phần hiệu quả. Thế nên, võ thuật đã một thời được xem như một phần quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, công sức và vai trò của người thầy dạy võ được tôn vinh và đánh giá rất cao. Người xưa có câu “giàu học võ, khó học văn” để nói lên sự quan trọng đó. Bởi vì các nho sinh nghèo dưới thời phong kiến đều có thể tự học ở bất kỳ đâu, nhưng học võ thì không. Không có trường dạy võ mà chỉ có thể mời thầy dạy võ về nhà, nếu như gia đình đó nhiều tiền bạc hoặc đến nhà thầy cơm bưng, rượu rót vừa học vừa giúp việc cho gia đình thầy, thế nhưng có khi cả năm trời chỉ được thầy dạy cho một đòn.

 

Võ thuật nay

 

Ngày nay, theo xu hướng phát triển, võ thuật chuyển dần từ tính chiến đấu cao qua tính thể thao, phục vụ sức khỏe con người. Các tổ chức võ thuật dần dần được ra đời với nhiều hình thức: câu lạc bộ, hiệp hội, trung tâm huấn luyện… Tất cả các hình thức này đều có chung một điểm, đó là dạy võ mang tính đại trà và phục vụ cho mục đích thể thao.

 

Từ tính chất đó, các đòn đánh hiểm hóc có thể gây chết người chỉ còn được truyền đạt mang tính lý thuyết chứ không được đem ra áp dụng trong các cuộc thi đấu nữa. Mặt khác, chương trình huấn luyện được tinh giảm dần cho phù hợp với mục đích, phù hợp với mọi lứa tuổi… Và điều cần quan tâm là tình trạng thương mại hóa trong một số tổ chức võ thuật đã góp phần làm mờ nhạt hình ảnh cao đẹp của tinh thần võ thuật và võ đạo. Một số người dạy võ chân chính thì lui về phía sau mai danh ẩn tích, bởi vì họ không phù hợp với quan điểm mới mẻ này. Với họ, võ thuật không đơn thuần là một môn thể thao tự chọn, rèn luyện cho thể chất con người mạnh mẽ, cường tráng, dẻo dai, mà còn tạo cho con người lòng dũng cảm, sự can đảm, tính trung thực, lấy đạo đức, lẽ phải làm phương châm trong cuộc sống.

 

Một số người dạy võ khác thì rất thức thời, nhạy cảm và biết vận dụng khả năng võ thuật của mình để làm cho đời sống vật chất phong phú hơn. Môn quy để chế ngự hoặc ràng buộc môn đệ cũng không còn khắt khe, miễn sao người tham gia học võ càng đông càng tốt. Võ thuật trở thành một phong trào thể thao có lợi cho cả đôi bên. Chính vì thế, quan hệ giữa người dạy võ và người học võ cũng không còn như xưa. Tính thương mại hóa được thể hiện khá rõ qua các giải đấu. Họ không nghĩ nhiều đến việc cọ xát để trưởng thành nữa, mà chỉ nghĩ đến danh lợi, khiến tình cảm giữa các võ sĩ, võ phái mất đi, thay vào đó là sự hiềm khích, ganh đua. Các võ sĩ thời nay khi thi đấu thường mang được rất ít nghệ thuật vào trận, đòn ra không theo được những gì đã học, đôi khi còn có những động thái đi ngược với tinh thần thượng võ. Bên cạnh đó, các cuộc biểu diễn ngoạn mục thường diễn ra song hành với các cuộc đối kháng, đôi khi lại vô tình phô bày một lỗ hổng quá lớn về kỹ thuật khiến người xem tỏ ra ngao ngán.

 

Võ sư CHÂU MINH HAY

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek