“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”
Nhớ làn khói bếp, nhớ diều trên đê
Ở quê tôi, mỗi khi khói lam chiều bay bay trên mái rạ, mùi cơm lúa mới toả ra từ căn bếp, thì cũng là lúc buổi sum họp gia đình cuối ngày sắp bắt đầu.
Ảnh: D.T.X
Khi cuộc sống còn khó khăn, nhà cửa không khang trang rộng rãi thì bếp thường được đặt ở một góc nhỏ trong nhà. Ngày đó cũng chưa có bếp điện, bếp ga, người ta nấu bằng củi, than, trấu, mùn cưa, rơm rạ khô, cành lá trong vườn, nên làm cho xó bếp bề bộn, chật chội. Khổ nhất là những ngày mưa dầm dề, củi ẩm ướt nhóm hoài vẫn không cháy. Hết rơm rạ, bã mía người ta đi tìm giấy loại, có người lấy vở cũ của con để làm mồi nhóm lửa. Củi chưa bén được lửa, người ta phải cúi gập xuống phồng mang trợn mắt thổi lấy thổi để, khói cuộn lên, bay vào mắt cay xè. Có khi nhóm được lửa thì nước mắt đã giàn giụa.
Giờ đây quê tôi không còn cảnh khói lam chiều loang trên mái rạ, bởi đa số người dân đã có nhà tole, nhà ngói, nhà mái bằng. Những gian bếp đã thoáng rộng, không còn bộn bề củi lửa. Có nhà đã sắm bếp ga, chỉ cần bật cái “cốc” là lửa phụt lên. Nhìn vòng tròn lửa khoẻ khoắn vươn lên ôm lấy đáy cá xoong nhôm sạch bong, bỗng dưng nhớ sao là nhớ một thời bếp củi mùa mưa ẩm ướt, nhóm lên được thì đôi má các mẹ các chị đã ửng hồng, mắt đã cay vì những lọn khói…
PHẠM NGỌC TRÂN