Bếp mẹ chiều đông

Bếp mẹ chiều đông

Tôi về thăm cha mẹ ở quê đương lúc trời chuyển sang đông. Lòng đứa con xa rất mừng khi thấy cha mẹ vẫn vào ra nơi hiên nhà, chái bếp. Hình ảnh gian bếp ấm áp, thân thương trong những chiều mùa đông vẫn in đậm trong

Tôi về thăm cha mẹ ở quê đương lúc trời chuyển sang đông. Lòng đứa con xa rất mừng khi thấy cha mẹ vẫn vào ra nơi hiên nhà, chái bếp. Hình ảnh gian bếp ấm áp, thân thương trong những chiều mùa đông vẫn in đậm trong tâm trí tôi. 

Bếp của mẹ nấu bằng củi nên tro bụi bám nhiều, khói ám đen tường, bồ hóng đu đầy trên mái. Không gian bếp chứa nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh như: nồi niêu, lu thạp, chày cối, thúng mủng...

Mẹ chẳng muốn bỏ cái nào, cứ giữ lại mọi thứ như một phần ký ức đời mình, nên bếp đã chật lại càng chật hơn. Riêng chỗ kê kiềng nấu là mẹ nhắc nhở phải gọn gàng sạch sẽ, kẻo ông Táo không cho bếp nhà mình đỏ lửa, thơm cơm. Cha tôi chái thêm ra một khoảng nữa phía bên hông, làm bằng tre, lợp rạ, sau thay bằng mấy tấm tôn cũ để làm nơi chứa củi, dự phòng cho mùa mưa gió.

Lúc nhỏ, tôi thường đi hái củi tre, cột thành bó, xếp chồng lên nhau ngay thẳng, để dành cho mùa mưa. Bếp là không gian thân thương của cả gia đình, nhưng mẹ là người gắn bó nhiều nhất. Quanh năm suốt tháng, cả sớm lẫn chiều, từ nấu cơm, nấu nước, nấu cháo cho heo, gà và biết bao việc lặt vặt khác đều hằn in bóng mẹ nơi gian bếp nhỏ.

Thương nhất là bếp mùa đông, gió lùa mưa tạt. Dù cố che chắn nhưng chẳng ăn thua gì với những cơn gió giật. Lúc ấy, cha thường đội nón tơi, chặt mấy cây tre gãy, chẻ nẹp thêm tấm phên liếp để gió khỏi cuốn bay. Phía trong, mẹ bắt đầu nhóm lửa, khói bay mịt mù, quyện với mùi củi ướt ngai ngái, hăng hăng, nồng nồng quen thuộc.

Nhà ở nông thôn, ít củi gỗ săn nhưng tre nhiều. Củi tre thì dễ cháy mà chẳng đượm, không có than hồng. Nấu củi tre, phải ngồi tại chỗ, liên tục canh chừng, chẳng thể bỏ đi lâu được. Tôi yêu gian bếp buổi chiều nhiều hơn, bởi chiều thong thả nghỉ ngơi, chẳng vội vàng tất bật như sáng, trưa.

Chiều đông, mẹ nhóm bếp. Lửa reo vui tí tách, lửa cháy sáng bập bùng, lửa tỏa lan hơi ấm, lửa xua đi cái lạnh buốt. Có hôm, mẹ mở nắp chiếc lu cũ kỹ bám đầy bụi, gắp ra những hòn than nhỏ để dành bấy lâu, bỏ vào bếp. Đặt trên chỗ than hừng đỏ là mấy trái bắp, củ khoai lang, khoai từ. Anh em tôi xúm xít mừng vui, hít hà mùi thơm củ quả quê nhà. Cha ngoài đồng về, thường xách theo giỏ cua, vài con cá rô, cá nhét. Mùi cá rô nướng, mùi cá nhét kho lá gừng, mùi cua rang muối, mùi mắm kho tiêu… vẫn còn thơm lừng với tôi qua bao năm tháng!

Từ chái bếp đơn sơ của mẹ, anh em tôi dần khôn lớn. Nhớ mấy năm đi học xa, dịp gần tết trở về, căn bếp nhỏ thơm mùi rim gừng, rim bí, rim dừa. Hỏi mẹ làm chi nhiều, mẹ nói để sau tết con mang một ít lên nhà trọ, vui với anh em bạn bè, coi như quà quê! Chiều cuối năm, bếp được dọn dẹp gọn gàng, nồi bánh chưng sôi ùng ục, mâm cỗ đơn sơ nhưng thành kính, cũng là lúc cả nhà thật sự được nghỉ ngơi, đón tết.

Những bộn bề lo toan, những nhọc nhằn vất vả tạm nhường chỗ cho ước vọng may mắn, đủ đầy. Bây giờ, dù đã có bếp gas nhưng mẹ vẫn thích nấu củi sau hè. Mẹ nói quen rồi, tận dụng cành tre, nhánh cây tạp cho đỡ tốn gas!

Có năm mưa lụt lớn, lòng tôi nơm nớp lo âu. Lúc chạy về, thấy bùn đất còn nhiều, lá cây chưa dọn hết, dấu nước ngập còn in, củi cũng ướt hết, nhưng cha mẹ rất vui khi thấy đứa con xa mới về. Chưa có điện, bếp gas đang lau chùi, tôi bẻ mấy nhánh tre, nấu ấm nước sôi để pha cho cha bình trà, khói bếp bay lên, cay cay khóe mắt. Nhìn bếp của mẹ sau trận lụt mà thương!

Chiều đông nay, tôi về thấy gian bếp của mẹ khói vẫn bay lên, lửa vẫn tỏa lan hơi ấm. Tôi phụ dọn dẹp những việc lặt vặt, nghe cha nói trông mong cho đừng lụt bão, chỗ này trồng hàng vạn thọ giống cao, chỗ kia trồng cải...

Mẹ hong phơi mấy cành củi ướt và nhắc nhở tôi: vợ chồng ráng thương yêu, gùi gánh để lo cho bọn trẻ. Mắt tôi cay xè, không nói được gì, cứ nghĩ lần nào cũng tranh thủ về, rồi vội vã đi. Tôi nhìn khói bay lên từ gian bếp của mẹ ở chốn quê nhà mà lòng bỗng bình yên, ấm áp lạ kỳ!

PHAN HUY THÙY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn