Nhớ gốc rạ, ụ rơm ngày ấy

Nhớ gốc rạ, ụ rơm ngày ấy

Đường về nhà băng qua một đoạn đường hai bên cánh đồng lúa mênh mông. Sau mùa gặt, đồng gồ ghề trơ lại từng gốc rạ bám đất nằm khô khốc. Nhìn vậy chứ, đó là lúc đất đang nghỉ ngơi!

Đường về nhà băng qua một đoạn đường hai bên cánh đồng lúa mênh mông. Sau mùa gặt, đồng gồ ghề trơ lại từng gốc rạ bám đất nằm khô khốc. Nhìn vậy chứ, đó là lúc đất đang nghỉ ngơi!

Nhớ ngày bé, sau mùa gặt còn một mùa gọi là mùa mót lúa. Bọn trẻ vui nhất lúc này bởi chân ruộng khô, đồng trở thành sân chơi cho chúng tha hồ chạy nhảy. Nhem nhuốc sợ mẹ la, khi về đứa nào đứa ấy cầm theo bịch lúa mót. Mẹ biết cũng chẳng nỡ… chỉ bỏ lúa vào chuồng gà và kéo rơm đun nồi nước tắm.

Ngày ấy, rơm rạ chẳng để ngoài đồng, cũng chưa có máy thu hoạch, máy tuốt lúa như bây giờ. Lúa cắt bằng liềm, buộc từng bó lớn đưa lên quang gánh gánh về rải ra sân. Tối đến, đốt đèn dầu, cả nhà hò nhau đẩy cối trục lúa. Khi lúa rụng hết xuống nền gạch mới ngừng, thường phải đến 1-2 giờ khuya. Lớp rơm dày bên trên, sáng mai dùng tay quơ nhẹ, vừa quơ vừa lắc cho những hạt lúa cuối cùng còn mắc lại rơi xuống. Rơm đã để riêng, lúa trơ lại lấy bồ cào kéo đều ra khắp sân. Lúa phơi hai ba nắng vàng giòn là đóng bao. Xong lúa, sân trống mới có chỗ phơi rơm.

Phơi rơm cũng cực như phơi lúa. Cứ khoảng 3-4 tiếng lại đội nón cầm gậy ra giữa trời nắng gắt đảo rơm. Rơm đủ nắng mới khô và đun bếp không bị khói. Mồ hôi theo đó túa ra ướt đầm lưng áo. Sợ con say nắng, mẹ giành hết việc phơi lúa, phơi rơm. Hôm nào bận, mẹ pha nước chanh để sẵn ngoài hiên và dặn liên tục - Dang nắng hai ba phút là chạy liền vào bóng râm và uống nước cho đỡ khát…

Rơm phơi khô chất lại thành đống phía sau nhà gần chái bếp, tiện việc rút rơm thổi lửa lúc thiếu củi. Ngày ấy chưa có bếp gas, bếp điện nên nấu nướng chủ yếu bằng rơm và củi, mà rơm là chính. Từ những đụn rơm ấy, mâm cơm nóng hổi được bưng lên; đàn gà có cái ổ sạch sẽ ấp trứng; mái chuồng heo không còn dột mưa thưa nắng; những con bò cũng có cái tỏm tẻm nhai lúc mưa kéo dài... 

***

Ngày ấy chưa có máy cày. Bố phải ra đồng bì bõm “Con trâu đi trước cái cày theo sau”. Đường cày thứ nhất, thứ hai, con trâu oằn mình nhích từng bước. Gốc rạ chắc nịch bám vào đất bị hất lên. Đường cày thứ ba, thứ tư nhẹ nhàng, gốc rạ bị bửa làm đôi. Đường cày thứ năm, thứ sáu thì thong dong, mùn rạ trộn vào đất tơi xốp. Có những năm ruộng khô, đất cứng như đá, bố phải cuốc bật gốc rạ, lấy gàu tát nước vào ruộng cho chân đất mềm ra mới kéo trâu xuống cày. Ruộng đồng Bắc Bộ đất thịt kết dính, gốc lúa bám chắc ít bị ngã đổ khi mưa gió nhưng lại nhọc nhằn từng đường cày, từng bước chân.

Chị tôi kể, mẹ sinh tôi vào mùa mưa bão, gió hất tung chiếc cạp lồng cơm chị mang. Để kịp cơm cho mẹ, chị đi tắt lối cánh đồng ngày thường vẫn đi. Nước ngập mênh mông chỉ còn lại những lá lúa nhô lên mặt nước. Không còn thấy đường, chị cứ bước đi theo thói quen. Chị lần theo từng gốc lúa mà bấm chân vào đó. Cứ hai gốc lúa một bước chân. Một bước, hai bước, mười bước, hai mươi bước… chị nhớ tới bước thứ 25 là tới trụ bê tông người trong làng làm lấy chỗ dựng lán trại tạm mỗi khi đi cấy lúa đêm. Chỉ cần tới được trụ đó là yên tâm sắp vô vườn nhà chú Ba, rồi đi tắt lối vườn là dẫn về nhà.

“Sinh ra từ gốc rạ…” - câu cửa miệng của các mẹ, các dì trong làng mỗi khi muốn dạy dỗ con cháu. Nhưng có lẽ cũng nhờ những gian khó ấy mà bọn trẻ ở quê ít ăn chơi, đua đòi. Đứa giỏi thì theo nghiệp đèn sách, đứa không may mắn thì lại về với đồng ruộng. Chăm chỉ chắt chiu rồi cũng nhà cao cửa rộng, con cái ngoan ngoãn.

***

Đất nghỉ ít ngày là máy cày lại nhộn nhịp trên đồng, nước theo máy bơm về ruộng. Rồi mạ non lún phún, lúa sẽ lên xanh, bắt đầu một vụ mùa mới với bao hy vọng…

BẠCH VÂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn