Bản chất cuộc sống là vô thường. Vô thường tới mức… bình thường. Tôi đã nghĩ vậy sau khi đi qua thăng trầm của hai phần ba cuộc đời. Dù đầu óc có giàu tưởng tượng cỡ nào tôi cũng đâu hình dung nổi có một ngày mình lại trở thành công dân của thị xã mà nguyên một thời áo trắng chỉ đôi lần đạp xe xuống tham gia những kỳ thi cấp huyện. Và lần nào cũng trầm trồ về thị xã thanh tân, những con đường được trồng cây thẳng tắp.
Từ khi trở thành công dân nơi này, ngày nào cũng như ngày nào, bắt đầu từ năm giờ sáng, tôi thong dong đi bộ từ nhà đến con đường trữ tình nhất. Đó là con đường ngược chiều, một bên là đồng lúa, một bên là bãi đất hoang, dải phân cách ở giữa là những trụ điện đường xinh xắn, xung quanh được trồng cọ và hoa nhài trắng. Nhưng điều làm nên chất trữ tình cho con đường là hai hàng phượng ở hai bên mép đường. Chắc là “chị em sinh đôi” nên cao đều nhau, và vẻ mảnh khảnh cũng na ná nhau. Tôi đã chăm chỉ hai năm những sớm mai đi bộ trên cung đường này để đồng hành với phượng, tôi gọi nó là con đường gợi nhớ. Vâng, không phải đến mùa hè mà bất cứ lúc nào phượng cũng có khả năng gọi về những mùa học cũ.
Nhớ hồi đó, nhà tôi gần trường tiểu học, ngày hè, những đứa trẻ chân không dép đầu không mũ, trời nắng chang chang, trốn mẹ chạy lên sân trường nghịch phượng. Sân trường thênh thang chỉ trồng phượng và hai cây xà cừ. Dưới bóng cây mát rượi, không dám trèo, lũ tôi lấy cây khều phượng. Hái được rồi thì cầm chùm phượng chạy tung tăng, vui như thể trong tay đang có món đồ quý giá.
Hồi đó còn quá nhỏ, không hiểu gì về ý nghĩa của loài hoa được ví như đuôi chim phượng nhưng thích chơi với nó một cách bản năng, như thể tới mùa hè là phải đi bạn bầu với phượng. Cũng hồi đó, tôi tò mò đưa cánh phượng vào miệng nhấp nhấp nhẹ, chỉ độc một vị hơi chua chua nhưng vẫn rủ các bạn hái hoa phượng để ăn, ăn tượng trưng thôi, một vài cánh - đủ để thể hiện niềm vui chiến thắng khi đã phát minh một món ăn ít người biết, và để yêu hơn loài hoa đỏ thắm ngày hè.
Lên cấp 2, điều đặc biệt khó quên ở ngôi trường nhỏ là hai cây phượng vững chãi. Thân cây không quá cao, nhưng cành phượng vươn xa. Lũ học trò nhảy dây, chơi cà chuông, banh chuyền vào giờ ra chơi dưới bóng phượng rợp mát. Rồi lên cấp 3 trường huyện không có phượng. Năm cuối cấp, bỗng thấy thiêu thiếu trống trải mỗi khi đưa mắt bịn rịn nhìn toàn sân trường trước mùa chia tay vĩ đại nhất của đời học trò.
Sớm nay, tôi lại thong dong trên con đường quen thuộc.
Mùa này, chỉ có những sớm mai là dịu dàng mát rượi. Tôi cố tình đi chậm và hít thở thật sâu, như muốn thu hết những trong veo của hương đồng gió nội. Dõi theo cánh chim nhỏ bay ngang đầu, tôi bất ngờ nhìn thấy một chùm phượng đong đưa. Chùm phượng đầu mùa đã bung tỏa. Cánh hoa hình cánh bướm, mỏng manh, thắm sắc. Hoa phượng đỏ tươi, đỏ thắm, đỏ ngời ngời, rừng rực, tôi mải mê nhìn và tự hỏi: phượng đỏ theo trạng thái của nắng, hay theo tâm trạng của người ngắm?
Hoa phượng là dòng ưa nắng. Trời càng nắng, phượng càng đẹp. Trưa đi làm về, lúc ngang qua con đường gợi nhớ, tôi không quên đưa mắt tìm chùm phượng lúc sáng. Dường như phượng càng cháy đỏ thiết tha vì biết có người đang say sưa ngắm mình giữa trưa chang chang nắng.
Rồi một sớm mai khác, tôi thấy những cánh phượng lớp lớp chồng lên nhau, một màu đỏ phôi phai, mỏng manh trải nhẹ trên đất. Lúc lướt ngang qua, tôi cố tình đi né chứ không nỡ đặt chân lên cánh phượng mới rơi rụng. Chị lao công mỗi sáng chăm chỉ trên con đường từ lúc trời còn chưa nhìn rõ mặt người, cần mẫn dọn sạch con đường để hàng phượng được thăng hoa.
Nhưng hôm nay trông chị có cái gì đó khác lắm. Một chút bâng khuâng thoáng qua trong mắt, tôi đã xúc động thật sự khi thấy chị khẽ khàng đưa chổi trên cung đường trữ tình, và cẩn trọng lướt qua đoạn đường có chiếc phượng êm ả đêm nằm đón sương… Hóa ra chị cũng như tôi, đang bâng khuâng cùng những hồi ức thần tiên ở sân trường cũ…
BÍCH NHÀN