Đom đóm

Đom đóm

Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần cúp điện là y như rằng bọn trẻ trong xóm mừng vui khôn tả. Vì chúng tôi chắc rằng, sẽ chẳng đứa nào bị ba má bắt học bài cho ngày đến trường hôm sau.

Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần cúp điện là y như rằng bọn trẻ trong xóm mừng vui khôn tả. Vì chúng tôi chắc rằng, sẽ chẳng đứa nào bị ba má bắt học bài cho ngày đến trường hôm sau. Khi ấy, cả bọn rủ nhau chạy theo những đốm sáng liên hồi chớp tắt giữa đường quê tĩnh mịch.

Hồi ấy, đom đóm thật nhiều, nhất là mùa hạ, đại gia đình đom đóm như rủ nhau nhảy múa trong đêm dạ hội. Thứ ánh sáng kỳ diệu hớp hồn từng đứa trẻ quê. Chúng tôi bày trò trốn tìm, đom đóm cũng lượn lờ nhập cuộc. Thằng Tý vừa luồn lách kiếm tìm chỗ an toàn để nấp vừa cố gắng tóm bằng được con đom đóm đung đưa. Con Na mới dứt tiếng đếm cuối cùng đã chạy theo ánh sáng trước mặt. Đom đóm như chỉ đường cho nó nhanh chóng tìm ra chúng bạn sau những bờ rào, đống rơm.

Chán chường với chạy nhảy trốn tìm, chúng tôi bàn nhau thi bắt đom đóm. Mỗi đứa chạy u về nhà rồi trở ra với mấy bao ni lông hay một vỏ chai nhựa để làm công cụ cất giữ chiến lợi phẩm. Chúng tôi khoét những lỗ nhỏ xíu lên chai, hoặc vặn hờ nắp để đom đóm không bị nghẹt thở. Những đốm sáng dần lấp đầy được đám trẻ nâng niu nhẹ nhàng, có đốm sáng vụt khỏi miệng chai và bay mất trong sự ngẩn ngơ tiếc nuối của ánh mắt thơ ngây.

Nhìn những con đom đóm lấp lánh, đứa nào cũng đặt trong lòng một câu hỏi. Ấy là làm sao loài sinh vật bé nhỏ kia có thể phát ra ánh sáng diệu kỳ. Mải mê tranh cãi, chúng tôi chẳng để ý đến sự xuất hiện của thầy Kha dạy khoa học tự nhiên. Những lời giải thích của thầy làm đứa nào cũng trầm trồ thán phục. Thầy nói, ở vài đốt cuối bụng đom đóm đực có một bộ phận gọi là “đèn lồng” chứa chất phát sáng. Khi gặp khí oxy, chất này sẽ phát huy tác dụng nhưng nguồn sáng rất yếu. Thì ra đốm sáng mọi người nhìn thấy kia được tỏa ra từ những chàng đom đóm để thu hút bạn tình và chỉ trong màn đêm, ánh sáng ấy mới trở nên rực rỡ.

Lớn hơn một chút, khi bắt đầu tập tành rửa chén, tôi được chị Hai dặn không được bắt đom đóm vì có chất gì đó khiến tay trơn dễ làm vỡ chén. Tôi nhớ đến lời lý giải của thầy Kha năm nào rồi nửa tin nửa ngờ lời chị. Cho đến tận sau này tôi mới biết, đó là kinh nghiệm chị được người lớn truyền lại và cũng nửa ngờ nửa tin như tôi. Có lẽ, người lớn sợ những đứa bé vô tình làm tổn thương đom đóm nên tìm cớ bảo vệ loài sinh vật bé nhỏ này.

Đom đóm còn gắn liền với những tấm gương nghèo hiếu học. Tôi từng đọc được câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi, ngày ngày vào rừng đốn củi giúp đỡ cha mẹ, đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn. Vượt qua bao nhiêu sĩ tử, ông đỗ trạng nguyên khi chưa tròn hai mươi tuổi.

Đốm sáng dịu dàng ấy còn đi vào văn chương dưới bao ngòi bút. Đó là tác phẩm “Mộ đom đóm” của tác giả người Nhật Bản về đề tài chiến tranh, bao nước mắt của độc giả đã rơi xuống trang giấy trước những ẩn ý và câu chuyện có thật đằng sau.

Ánh sáng của đom đóm còn xuất hiện trong câu chuyện tình yêu của đôi trẻ quê hôm nào. Khi ánh trăng xuyên rọi những tia sáng lấp lánh trên mặt nước, có chàng trai vụng về đặt nụ hôn nhẹ nhàng lên đôi môi trong sự bẽn lẽn, thẹn thùng của cô gái. Những đốm sáng xung quanh cũng ngại ngùng nên càng thêm rực rỡ, chớp tắt liên hồi như hòa cùng thứ mật ngọt của tình yêu nồng nàn.

Giờ đây, chốn quê với bao điều thay đổi, đèn điện công nghiệp phủ khắp các nẻo về. Đường làng chẳng còn lặng yên như trước, muốn kiếm tìm một quầng sáng lập lòe giữa những um tùm cỏ cây để hoài niệm ký ức tuổi thơ nhưng khó quá.

LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Từ khóa:

Ý kiến của bạn