Hôm qua trời đổi tính nết, báo động chuyển mùa, gió đổi hướng, sấm chớp giăng ngang, mưa xối xả từ nửa buổi chiều. Mẹ thì thào: Hồi còn ông nội, có cây mưa đầu mùa to như vầy là ổng lục đục vác nhá vô sông, đón cá lên mừng nước, sáng sớm ổng mang về một giỏ la cá lúi…
Cây mưa giữa tháng tám (âm lịch), bắt đầu mùa cá đồng ở quê tôi. Ngày trước, trong làng gần như nhà nào cũng có một vài dụng cụ bắt cá nghiệp dư, việc vừa nhẹ vừa vui, điền vào chỗ trống lúc “nông nhàn” theo mùa vụ như: lờ, nhá, dẹp, nôm… tùy thời điểm phù hợp mà đem ra sử dụng.
Sáng nay còn loay hoay đọc tin phòng chống COVID trên báo online, nghe tiếng gọi ngoài ngõ: “Anh Thừa ơi ra lấy mớ cá đồng nấu mẳn cho dui”. Tiếng anh bạn học thuở trường làng, nhà sau hàng tre bên bờ sông Bánh Lái đoạn gần cầu Bến Trâu; nhớ “bạn hàng” nên đem bịch cá đồng ra móc bên trụ cổng.
Từ khi chống dịch, các chợ xổm, chợ tự phát trong thôn tạm ngưng hoạt động, anh cũng nghỉ chài lưới nên hơn tháng rồi không gặp. Tôi chạy ra đến nơi thì anh đã đạp xe một đoạn khá xa nên có giả vờ từ chối cũng không kịp. Xách bì cá khoe với mẹ “cá lúi Bến Trâu…”. “Ngon quá, đám gừng chưa lên mà đã đến mùa cá đồng…”.
Cá đồng, lá gừng, ớt hiểm như duyên với nợ; cá đồng nấu mẳn với lá gừng, cá đồng kho tộ nêm lá gừng…, thiếu lá gừng món cá đồng như chưa nấu xong. Kinh nghiệm, với cá “truyền thống” thì càng ngon (nói vậy vì bây giờ ngoài đồng có nhiều loại cá mới như rô phi, trê lai, chép hồng…). Cá với lá gừng là điều kiện cần chứ chưa đủ. Để khử hết mùi rong rêu… cần phải có ớt xanh, ớt hiểm là vừa ý nhất. Ngon hơn nữa nếu nồi cá được bắc trên bếp lửa đun củi, khói bay cay mắt vẫn vội vàng xới cơm…
Đang ở nhà nhiều hơn để phòng chống COVID-19, thời gian dư dả cần chi phải bật bếp gas, vậy là ta cứ thủng thỉnh làm theo truyền thống. Mẹ tôi bảo: nếu chưa có lá gừng thì nấu mẳn nêm lá bông giờ cũng ngon...
Mấy ngày qua trời chuyển mùa, hạ nhiệt; quyến rũ bông giờ chắt chiu tinh tuý trong lòng đất bật lên những bông hoa thơm ngát; thơm tận nồi canh tập tàng từ hôm qua. “Có hoa rồi mới có lá”, điểm lạ của cây bông giờ, như chọc vào sự tò mò của lũ nhỏ. Vậy là thêm một loại cây “gia vị” truyền thống có mặt ngẫu nhiên vào mùa thu có thể thay thế cho đám gừng chưa đủ lá. Nhưng tôi, tôi quyết định chỉ nêm lá gừng với cá đồng, vì bông giờ được ưu tiên cho món canh tập tàng. Dẫu cho đám bông giờ mọc lên rất nhanh, tươi tốt, xum xuê chứ không chậm chạp, lưa thưa như gừng sẻ.
“Cá đồng nấu mẳn” có lẽ là món ăn dân dã dễ thực hiện nhất, cứ đơn giản như bạn chài lưới làm dã chiến bên bờ sông bờ suối đã ngon rồi. Cá làm sạch, rửa thêm nước muối loãng cho hết mùi rong rêu, bắt xoong nước lên bếp đến gần sôi, cho cá vào, đợi chín nêm nếm gia vị (thông thường) vừa đủ, cho lá gừng và ớt hiểm vừa phải; vài phút nữa nhắc xoong cá xuống, khứu giác thúc giục đơm cơm vội vàng.
Riêng món cá đồng kho để ăn nhiều lần; theo cách làm của mẹ tôi: cá được rửa sạch rồi đem ghim nướng sơ trên lửa than, sau đó gạt bỏ hết tro bụi, kiểm tra sạch sẽ từng con rồi xếp cá vào xoong ướp gia vị (dầu ăn, mắm muối hành tiêu…), thêm tí nước cho vừa để ngấm gia vị trong thời gian đun bếp khoảng hai mươi phút. Nồi cá kho trên bếp với ngọn lửa nhỏ vừa sôi là nêm lá gừng, thêm 10 phút nữa sẽ nghe thơm phức cả gian bếp…
Cá đồng không xa với ruộng lúa, dòng sông…; rau xanh, gia vị trong vườn cứ đón những cơn mưa mùa thu mà tươi tốt… Quê nhà, trong thời gian bớt đi lại để ngừa COVID-19 đang được thiên nhiên ban tặng những món ngon đậm đà truyền thống…
NGÔ TRỌNG CƯ