Về quê thăm thằng bạn cũ, hai đứa nhẩn nha ôn lại kỷ niệm xưa. Chợt từ chái sau nhà bạn, lời ru con của người mẹ trẻ nào đó cất lên. Tiếng ầu ơ trong vắt, dịu dàng giữa buổi trưa hè tĩnh lặng như cơn gió mát lùa vào tâm hồn đã cằn khô vì gánh nặng mưu sinh cuộc đời của tôi. Chợt nhớ…
Ngày ấy, tôi lớn lên không chỉ bởi rau cà mắm muối mà còn có những lời ru dịu ngọt của bà và mẹ. Theo lời mẹ kể, hồi nhỏ tôi hay nghịch và lì lợm lắm. Trước khi ngủ cũng phải đòi này, đòi nọ một lúc rồi mới chịu chợp mắt. Dù cha có dọa đánh đòn hay mẹ đem ông kẹ ra hù cũng không sợ. Rồi cha nhờ bà dạy cho mẹ một vài điệu ru thử xem sao. Không ngờ hiệu quả tức thì. Lời ru đưa tôi vào trong giấc ngủ lúc nào chẳng hay. Rồi những khi gặp ác mộng, tôi khóc trong lúc đang say giấc, lời ru cất lên như vỗ về, chở che… Lời ru (với nội dung đa phần hơi bi lụy vì nói về những lo toan, khó nhọc cả đời của người phụ nữ Việt
Võng đưa
Ngày nay, lời ru đa phần bị “số hóa”. Như nhiều bà mẹ trẻ khác, vợ tôi cũng không thuộc bất kỳ điệu ru nào, dẫu là phổ biến nhất để nâng giấc cho con. Con tôi cũng được đắm mình trong lời ru, nhưng đó lại là lời ru được thu sẵn trong CD bày bán ở các siêu thị. “Mở đĩa thì mình khỏi ru chứ sao! Vả lại đi làm về mệt, em chẳng còn hơi sức đâu nữa mà hát với hò!”- đó là câu cửa miệng mà vợ vẫn hay dùng để chống chế mỗi khi tôi phàn nàn. Nhưng, cho dù lời ru “số hóa” nhờ kỹ thuật hiện đại có hay, có mượt mà đến đâu thì vẫn không thể nào chạm đến chiều sâu cảm nhận của người nghe. Lời ru của bà, của mẹ xuất phát từ tình yêu thương dành cho con trẻ. Lời ru đó làm cho giấc ngủ trẻ thơ thêm yên bình. Và mai này, lời ru đi theo đứa trẻ trên xa thẳm đường đời.
Thương lắm, ầu ơ ơi…
HUY XUÂN