Khu vườn có nấm Truyện ngắn của YÊN KHANH

Khu vườn có nấm Truyện ngắn của YÊN KHANH

Đi đâu cũng không thể quên được khu vườn ấy! Có lẽ do tuổi thơ lấm lem của tụi mình bị khoanh vùng trong cái làng nhỏ đó rồi, nên trong trí nhớ của mình khu vườn cứ như một khu rừng vậy, phải không?

Đi đâu cũng không thể quên được khu vườn ấy! Có lẽ do tuổi thơ lấm lem của tụi mình bị khoanh vùng trong cái làng nhỏ đó rồi, nên trong trí nhớ của mình khu vườn cứ như một khu rừng vậy, phải không?

Cô bạn tôi sau cơn mệt mỏi trên chuyến bay dài đã lại huyên thuyên như sáo sậu. Tôi nghe câu được câu chăng. Mắt díp lại vì gió và buồn ngủ. Đêm qua Thảo nhắn tin cho tôi ra sân bay đón. Mười bảy năm rồi hai đứa không gặp nhau. Chẳng biết nó vẫn tốt bụng, hay hờn như xưa hay đã thay đổi? Và tôi nữa, Thảo sẽ nghĩ gì khi gặp tôi? Đứa bạn con chấy cắn đôi thuở nhỏ giờ thêm những âu lo cuộc sống gia đình đã mất dần đi sự nhạy cảm. Hồi hộp. Không ngủ được. Mặc cho Thảo líu lo, tôi gà gật trên xe.

nam111106.gif
Nguồn: giađinh.net.vn

* * *

Đó là một khu vườn sau rậm rạp cây trái. Không có tường bao, chỉ có những bụi hóp dày kín, viền bên ngoài. Phía trước có một ngôi nhà lợp ngói, vách trát đất. Dương xỉ và rêu lên xanh các kẽ nứt. Mùa mưa còn có những đùm nấm dại mọc sát chân vách như nón trắng. Trong ngôi nhà ấy có hai mẹ con. Bà mẹ đã già, người tóp teo như quả táo héo. Cái cằm nhọn hoắt, vênh ra trên khuôn mặt rắn đanh như thách thức. Cô con gái đã quá ba mươi, chưa chồng, người béo phốp pháp. Khuôn mặt to tròn phúc hậu nhưng lại toát lên cái vẻ ẩn nhẫn trong đôi mắt một mí hùm hụp.

Thuở nhỏ, tôi, Thảo và Lộc thường tò mò, thích thú khi đột nhập vào khu vườn ấy. Lộc làm nhiệm vụ do thám động tĩnh chung quanh. Bao giờ nó cũng bắt tôi và Thảo nằm ép bẹp dưới gốc bụi hóp. Không thấy hai mẹ con nhà ấy đi ra, Lộc huýt sáo. Chúng tôi theo nó rúc qua một lỗ hổng nhỏ mấy ngày trước ba đứa khui sẵn. Khi ấy, thế nào cũng có đứa bị gai hóp cào cho xoạc da. Đất ẩm, nhèm nhẹp ướt dưới chân. Lá ổi, lá hồng xiêm, lá xoan và lá nhãn rụng lâu ngày mục nát, giẫm lên bở bùng bục. Lộc trèo lên cây hồng xiêm nắn quả chín. Nó ăn đến no bụng thì hai đứa tôi dưới gốc mới được ném cho một vài quả. Nhiều khi mạnh tay, quả hồng vừa rơi xuống đất đã dập nát, nhão nhoẹt. Thảo và tôi giận dỗi không nhặt. Lộc nhe hai hàm răng trắng có chiếc răng khểnh ra cười dàn hòa. Chừng nào mỗi đứa có một bọc lớn ủ trong bụng áo, Lộc mới tụt xuống. Nó khoát tay rất đàn anh. Chúng tôi bám theo Lộc đến bên chân vách đất. Lộc lấy tay vặt đám dương xỉ xanh um trong kẽ nứt. Một vệt sáng le lói từ trong nhà chui qua. Chẳng nhìn thấy gì cả, chỉ nghe có tiếng hai mẹ con nhà ấy đang thì thầm to nhỏ. “Tao chán cách sống như một bà cô của mày lắm rồi”. Bà mẹ cất giọng rè rè như ngan đực nói với con gái. “Đã bảo thằng đàn ông nào cũng được. Miễn nó là đàn ông. Mày cứ chê cái thằng Tử hâm. Ừ, hâm mà được như nó chắc khối đứa mong ước”. “Tử nào nhỉ?” - Thảo hỏi. Thằng Lộc đưa tay đặt ngang miệng: “Suỵt. Tử nhà bà Ân ấy. Ngu ạ”. Thảo xịu mặt không nói nữa vì tự ái. Lộc tự nhiên ngại ngùng. Tôi buồn cười. “Nó làm sao?” - Bà mẹ lại vóng lên. Không nghe thấy tiếng cô con gái. “Có tí rượu ai sai gì cũng làm à? Nhưng không có sức khỏe thì cho nửa can nó cũng chẳng làm nên trò trống gì. Mày cần chồng hay cần một đứa con? Cần con hơn à? Ừ! Thì thế… Lấy nó vừa được việc vừa có con. Không chừng con mày kháu khỉnh và thông minh nhất cái làng này. Sao? Lưỡng lự à? Cứ nghĩ kỹ đi. Nếu ưng thì tao nhờ bà Băng bên cạnh. Mụ này mà dỗ thì đàn ông chỉ có chết. Đến chồng mụ còn phải nghe răm rắp chứ đừng nói gì thằng Tử”.

Nghe tiếng dép loẹt xoẹt của bà Thiếp, tụi tôi ù chạy. Đứa nào cũng đòi chui qua bụi hóp trước nhất.

Những ngày mưa dấm dẳng. Thảo rủ tôi và Lộc vào vườn hái nấm. “Không ăn được đâu. Chết người đấy”. Lộc tỏ vẻ đàn ông trước hai cô gái yếu đuối “Không. Mang về chơi mà!”. Thảo nằn nì nhưng tôi thì không. Tôi rất sợ những cây nấm đen mọc trên đám lá mục. Chúng đội mũ rộng vành với thân hình hộ pháp trùi trũi. Thảo hái những cây nấm trắng, vuốt vuốt cái mũ nhỏ của nó. Con bé cười phô ra hai cái lúm đồng tiền bảo: “Giống ô đi mưa”. Lộc trèo lên cành ổi. Nước mưa trơn bóng cành làm nó suýt ngã. Nó làm chiếc túi vải buộc vào cái gậy lớn lừa cho ổi vào túi giật. Chỉ một nhoáng tôi và Thảo đã quên hái nấm mà quay ra gặm ổi. Cái vị ngòn ngọt xen lẫn chua chua, chan chát thấm ngập kẽ răng. Ổi ở khu vườn này ngon chưa từng có. Người ta bảo đó là ổi châu. Thứ ổi ngoài vỏ xanh lét nhưng ruột đỏ lự. Chẳng cần phải bấm móng tay để thử, cứ thấy quả nào to, rốn đã rụng nhẵn thín là Lộc khều xuống. Nó cười trước đôi mắt thèm thuồng của hai đứa con gái…

Mẹ tôi bảo bà Thiếp không có chồng. Người ta nói tại bà có đôi mắt cú vọ, lưỡng quyền cao và cái mặt nhọn hoắt. Người như thế thường sát chồng, chẳng ai dám hỏi làm vợ. Người làng không ai biết tung tích gốc gác nhà bà, chỉ nhớ bà là dân ngụ cư, một thân một mình đến làng rồi mua lại căn nhà này của đôi vợ chồng không có con. Họ bỏ vào Nam sống. Mẹ bảo đàn ông ở làng từ khi có bà về như ăn phải bùa mê thuốc lú, đêm đêm rậm rịch ngõ trước ngõ sau nhà bà. Còn đàn bà thì kinh tởm. Cứ thấy bà Thiếp ra ao làng với cái áo bà ba xẻ tà quá cao, hở lườn thì ai cũng tránh như tránh hủi. Người ta bảo hạng đàn bà như vậy sống không đàng hoàng. Nhưng bà Thiếp chả sợ, mặt cứ vênh váo lên thách thức. Rồi bà có thai. Chẳng còn gã đàn ông nào lui tới nữa. Họ sợ gánh trách nhiệm. Cô Tuyết ra đời trong một đêm đông rét cắt da cắt thịt. Một ông hàng xóm soi đèn tìm gà. Qua ngõ, thấy bà Thiếp nằm lăn lộn dưới gốc cây bưởi, máu tướt đỏ hai ống chân. Sợ quá, ông ta gọi vợ. Cả hai vực bà vào nhà, đỡ cho cô Tuyết ra đời. Lớn lên, năm nào cô Tuyết cũng sang nhà bà Băng để tết.

Thảo lại rủ tôi và Lộc chui vào vườn bà Thiếp. Lúc ấy đang giữa mùa hoa trái. Lá trong vườn được gom thành từng đống. Một mồi lửa là có thể cháy rụi. Hồng xiêm nung núc quả, nhãn từng chùm kĩu kịt trên cao. Đám ổi mỡ và ổi châu to như chiếc bát treo lúc lỉu muốn gãy cành. “Oa” - tôi lóa mắt nhìn. Cái lúm đồng tiền của Thảo lún sâu hơn và tôi thấy ánh mắt của thằng bé 13 tuổi nhìn hút vào đấy. Rồi Lộc nhanh như một con sóc trên cây. Nó bứt mạnh từng quả ổi ném cho chúng tôi, nhưng chệch về phía Thảo nhiều hơn. Tôi biết, lòng thầm ghen tị. Chưa kịp nhặt hết ổi thì tôi và Thảo đứng chết sững. Bà Thiếp đã đứng sau lưng tự lúc nào. Miệng mím chặt, mặt khoằm khoằm. Cái gậy trong tay vung lên, vút lia lịa vào chân hai đứa. Hai chúng tôi nhảy cẫng lên, vừa kêu vừa xoa chân. Lộc bất ngờ từ trên cây tụt xuống. Nó giang hai cánh tay không đủ rộng để che cho hai đứa con gái. Bà Thiếp “à” lên một tiếng rồi cứ nhè người Lộc vụt. Đúng lúc đó, từ trong nhà cô Tuyết chạy ra. Hốt hoảng và sợ hãi, cô đưa mắt nhìn mẹ và nhìn ba đứa tôi một cách căm tức. Bỗng mặt cô Tuyết tái đi. Cô chạy lại giằng lấy cây gậy trong tay mẹ. “Đủ rồi, mẹ ạ”. Giọng cô khàn nhưng lúc đó nghe trong và ấm lắm. Tụi tôi thoát đòn, lầm lũi trở về nhà. Chân con Thảo bị hai vết lằn đỏ tím. Chân tôi cũng thế. Lộc thì bị xước một mảng da bụng. Cậu ta xăng xái hỏi thăm tôi và Thảo. Nhưng tối ấy, chưa hả cơn, bà Thiếp lại sang nhà từng đứa. Chúng tôi lãnh thêm ba “con lươn” vào chân. Bố tôi bảo: “Để nhớ”.

Tháng bảy. Mưa dấm dẳng. Thảo đã hết sợ. Những “con lươn” ở chân nó đã lặn lâu rồi. Nó rủ tôi và Lộc vào vườn. “Lại nấm” - Lộc nói, vẻ khó chịu. Thảo phụng phịu, còn tôi thì thấy ghét. Lộc bảo: “Mỗi lần này thôi nhé!”. Con Thảo cười hiền lành. Ba đứa tôi lại khui rào.

Nấm mọc thành từng đám, nhiều nhất là xung quanh gốc cây mục. Thảo mải mê với những chiếc nấm. Lộc lại đến chân vách. Nó vặt đám dương xỉ đã tua tủa mọc lại và nhòm qua khe nứt. “Này!” Lộc kéo tay tôi và Thảo tới gần. Tai ba đứa áp chặt vào bức vách. “Bà Băng bảo anh sang đây… Chả biết… Bà ấy…”. Chúng tôi nghe rõ giọng đàn ông rời rạc, trầm đục. “Chú Tử đấy” - Lộc thì thào. “Thế anh nói với gia đình chưa?”. “Nếu em đồng ý, anh thu xếp xong ngay”. Chú Tử nói và cười. Hầu như suốt buổi hôm ấy, chúng tôi chỉ nghe chú cười. “Thế thì ngày mồng tám này anh bảo bố mẹ anh sang nhà tôi nói chuyện”. Bà Thiếp từ ngoài nói vọng vào rồi một lát thấy bà lững thững ra ngõ.

Tôi kể với mẹ: “Mồng tám cô Tuyết cưới”. Mẹ tôi ngạc nhiên: “Vớ vẩn. Lấy ai? ”. “Chú Tử”. Tôi ra vẻ hiểu biết. Mẹ thừ người rồi im lặng thở dài. Ngày cưới cô Tuyết cũng là ngày Thảo theo bố mẹ sang Hàn Quốc. Tôi và Lộc tiễn Thảo ra bến xe nên không đi xem được. Lộc buồn rười rượi. Nó dúi vào tay Thảo một vật gì đó. Tôi chẳng có gì cả. Thảo khóc và tôi cũng khóc.

* * *

Ăn cơm trưa xong, Thảo rủ tôi sang nhà Lộc. Lộc đã có hai con trai. Nhìn thấy Thảo tự nhiên hắn sượng sùng, bối rối. Thảo chìa tay ra cho Lộc xem: “Nấm khô đấy!”. Thảo cười hiền lành, lúm đồng tiền không sâu như trước. “Thảo phải nhờ bố ép cho mới giữ được đến giờ nhưng không còn nguyên vẹn, Lộc nhỉ?”. Lộc gãi đầu. Trên gương mặt đen đúa của hắn thoáng nét ái ngại. Lộc khẽ cắn môi như đang cố kìm nén một điều gì đó.

Chúng tôi đi qua nhà cô Tuyết. Nhìn ngôi nhà ngói khang trang, Thảo thốt lên mừng rỡ: “Chú Tử giỏi thật!” Tôi và Lộc nhìn nhau. “Làng mình mấy ai được như chú”. “Không phải” - Tôi giải thích - “Nhà này là của chủ mới”. “ Sao vậy?” Thảo nhìn tôi kinh ngạc. Định giấu không muốn kể vì ngày mai Thảo đi, tôi sợ nó buồn. Ấy vậy mà không đừng được…

Hôm đó mới nhá nhem tối, Lộc vẫy tôi ra ngoài. Chẳng nói năng gì, nó lôi tôi chạy qua vườn bà Thiếp. Hai đứa thở hổn hển muốn đứt hơi, bấy giờ Lộc mới thì thào: “Nhà cô Tuyết có chuyện gì đó. Ban ngày tao lẻn vào trộm ổi thấy chú Tử quăng chai lọ choang choảng”. “Im lặng”. Tôi bảo Lộc. Có tiếng khóc nức nở từ trong nhà vọng ra. Chúng tôi nhón chân đi vòng ngoài hiên, nép sau cánh cửa mục nhìn vào. Cô Tuyết ngồi bên mép giường. Hai tay ôm mặt, áo quần rách bươm, đầu tóc rối như tổ quạ, khóe môi bị dập, rớm máu. Cô nấc cụt mấy cái rồi cất giọng ngàn ngạt: “Anh đừng có quá đáng như thế. Những ngày qua tôi và mẹ khổ vì anh lắm rồi”. Chú Tử đứng giữa nhà, tay bứt phựt chiếc áo, phơi bộ ngực bóng láng, đỏ, phồng căng như phao bơi: “Cút mẹ mày đi. Nhà này là của tao, rượu này do tao nấu ra, chúng mày chỉ là lũ ăn bám thối thây!”. Gã đàn ông dậm chân thình thịch. Nền nhà loang nước, mùi rượu thốc lên nồng nặc, mảnh chai văng tứ tung. “Thôi … Đủ rồi … Rõ vô phúc”. Bà Thiếp ho khù khụ một lúc mới rên rẩm. Chú Tử chồm đến bên bà như sắp ăn thịt. Cô Tuyết vội vàng chạy lại ngăn giữa mẹ và chồng. Tôi cứng đơ người sợ. Lộc dứ dứ chiếc gậy trong tay: “Chú Tử mà đánh cô Tuyết, tao sẽ cho một nhát!”. Nó vừa nói xong, tôi đã nhìn thấy bàn tay hộ pháp của chú Tử tát đến chát vào mặt cô Tuyết. Tôi kêu: “Ối”. Chú Tử quay nhìn ra cửa, nhảy một cái đã đến trước mặt hai đứa. Chú giằng cây gậy của Lộc rồi bạt tai nó rõ đau, quát: “Biến”. Tôi chần chừ. Chú vụt vào bắp chân tôi: “Thích gan lì à, nhãi nhép”. Lộc kéo tay tôi chạy. Nó bảo: “Mách bố mẹ sang bênh cô Tuyết”.

Sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã thấy Lộc xuất hiện, mặt nhợt nhạt. Nó bảo: “Chú Tử chết rồi”. Tôi bàng hoàng: “Ai giết chú?” “Nấm”. Nó nói và chạy biến.

Ông hàng xóm kể, tối đó chú Tử đuổi mẹ con cô Tuyết ra khỏi nhà. Chú lôi mấy tay bợm nhậu ở xóm về, bắt gà làm thịt và bê ra một can rượu ngon. Nhậu đã đến khuya, hết cái nhắm, chú vỗ đùi bảo: “Các ông cứ ngồi đây, tôi có cái này”. Ra vườn, chú hái một rổ nấm cho vào nồi luộc rồi bưng lên. Mấy lão bợm nhậu bảo: “Ăn chết người”. Chú cười hềnh hệch: “Chết thế đếch nào được. Các ông sợ à?”. Mấy lão im lặng. Chú rung đùi: “A ha… Hóa ra cả làng này chỉ mình ta không sợ chết”. Chú đưa cái nấm lên miệng cắn. Một lão giật lại chửi: “Nấm độc. Ngu”. Chú túm cổ áo gã kia: “Những loại tham sống. Chúng mày chỉ muốn ăn thịt gà của tao thôi à?”. Xấu hổ, mấy lão bỏ về hết. Chú ngồi uống rượu với nấm.

* * *

Tôi với Lộc tiễn Thảo đi. Trước khi lên máy bay Thảo chợt thẫn thờ: “Cô Tuyết giờ ở đâu nhỉ?”. Hình như Thảo khóc. Lúc ấy, trước mắt tôi lại hiện ra một khu vườn rậm rạp cây trái. Nấm trắng mọc rất nhiều như những chiếc ô che mưa. Có cả mấy cây nấm đen đội mũ rộng vành nữa. Và tôi nhớ, chúng vẫn thường hiện diện trong những giấc mơ của tôi…

Từ khóa:

Ý kiến của bạn