Nơi bão đi qua - Truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO

Nơi bão đi qua - Truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO

Tum lội bì bõm dưới mưa đến nhà chú Sáu thôn trưởng đồng Gió. Mưa không còn đổ từng cơn mà đang kéo dài tuôn nước rào rào khiến nó cứ khom khom bước, cổ như muốn rụt sâu vào chiếc áo tơi lá tránh làn gió quất chéo đau buốt cả mặt. Đến cổng nhà chú Sáu, Tum thấy bên trong lố nhố bóng người ngồi quanh ngọn đèn dầu cùng tiếng nói ông Hai bị ngắt quãng do gió thổi tạt.

Tum lội bì bõm dưới mưa đến nhà chú Sáu thôn trưởng đồng Gió. Mưa không còn đổ từng cơn mà đang kéo dài tuôn nước rào rào khiến nó cứ khom khom bước, cổ như muốn rụt sâu vào chiếc áo tơi lá tránh làn gió quất chéo đau buốt cả mặt. Đến cổng nhà chú Sáu, Tum thấy bên trong lố nhố bóng người ngồi quanh ngọn đèn dầu cùng tiếng nói ông Hai bị ngắt quãng do gió thổi tạt.

b2091107.jpg

Ảnh: Đ. THÔNG

- Hồi nẳm đó hả, có cơn bão mà đến giờ tao còn rùng mình, khiếp vía. Đâu phải trước hai ba tháng mười, mà nó “chơi” ngay vào sáng mồng một tết mới ác chớ tụi bây. Lúc đưa ông táo về trời thì nắng hanh vàng, đến bánh tráng phơi cũng nổ lốp bốp, dưa món xắt lát bỏ lên nia mới một nắng đã khô giòn vô mắm nhai cứ rùm rụm. Nhưng chiều hăm chín thì trời vần vũ mây đen, chuồn chuồn bay rợp ngọn sung mà chẳng ai để ý, chỉ nghe loáng thoáng dân chợ Dinh lên báo coi chừng bão trái mùa. Kệ, mọi người chơi tết cái đã, cùng lắm cột sơ cửa nẻo phòng kẻ gian lúc mình say ngất ngưởng. Lúc tao đang sì sụp mời ông Táo về lại góc bếp thì... Nè, thằng nào thập thò ngoài đó hả, vào trong này chớ lạnh.

Tum vuốt lại tóc cho ráo rồi ló mặt vào nheo mắt tìm chỗ khuất để ngồi. Nó nhìn chung quanh, gần như đủ các đại diện của xóm do chú Sáu kêu gọi phòng chống lụt bão đợt này. Anh Hùng chuyền qua cho nó ly trà nóng lúc ông Hai tiếp tục câu chuyện bỏ dở:

- Tao nghe gió từ bờ sông dội đến ù ù như đang xay lúa thì nó đã ập đến cái ào hất tung cánh cửa chưa cài, thôi thì mọi thứ đảo lung tung, căn nhà mái lá cảm giác như được nâng lên hạ xuống…

Sáu thôn trưởng đang áp tai vào chiếc radio nghe ngóng tình hình. Mưa bên ngoài vẻ lớn hơn, đổ nước từng dòng theo mái ngói tuôn xuống lúc Tum hé mắt qua khe cửa  nhìn vào màn đêm tối đen.

Ông Hai đưa ly rượu vào miệng đánh “trót” rồi kể tiếp:

- Ông bà nội thằng Khải lúc ấy dạng trung nông, nhà ngang dãy dọc ở đồng Gió này, nếu đừng chiến tranh thì thành địa chủ lâu rồi. Khốn nỗi, cha nó là hai Kiên yêu con ông lái đò bên kia sông gần xóm Lẫm. Nội thằng Khải đâu chịu, gặp tính ngang tàng của hai Kiên nên ổng đẩy cho rẻo đất chó ỉa ngoài bãi bồi. Đêm ấy, chẳng hiểu hai Kiên nghe đâu xúi bẩy, cứ  mở toang hoang cửa nẻo cho gió lồng vào thì thoát đi. Dè đâu, gió vào xoáy trôn ốc, quay tròn quay tròn rồi... tà tà “dắt nóc qua đèo”  chỉ còn trỏ cái nền đất! 

Tum chợt nhớ năm 1995, cơn bão số bảy tấp vào làng Gió. Cái làng nằm sâu hút bên dãy đồi như bầy voi phục, bên kia là đèo, bên này là sông, làng lọt thỏm nép vào thung lũng có những trảng rừng bạch đàn xanh rợp. Mọi người vừa xong cơm chiều đang ngồi trước sân tính chuyện năm hết tết đến lúc cơn mưa mấy ngày liền đã qua, trời hửng nắng hanh vàng se se gió. Nhưng câu chuyện chưa dứt thì mây phía đông ùn ùn kéo đến, gió quăng quật rú rít khiến mọi người tản hết về nhà. Chú Sáu lo báo trước nhưng không ai quan tâm, giờ bão tới thiệt. Gió từ biển thổi ngược theo dòng sông qua đồng làng luồn vào thung lũng bị chặn lại, nó lồng lộn quay tròn xoáy lốc bẻ gãy từng ngọn bạch đàn, hất tung cành nhánh quăng quật ầm ầm. Rồi nước dâng cao, từ ngoài vườn vào sân, lên thềm và lên mãi khiến ai nấy phát hoảng. Tum nhìn vợ đang ở cữ thằng Lum mà lòng như kiến đốt. Nó chồng ghế lên giường rồi gỡ cửa làm chỗ nằm tạm cho vợ lúc nước lấp liếm vạch vôi. Mưa cứ trút, gió cứ thổi. Gió mưa xối trắng trời, nước lên phản. Tum chồng tiếp bộ cửa cho vợ con, bụng nghĩ thầm phen này chết chắc. Trong làn nước bạc lạnh cóng, Tum lần bơi xuống chái bếp nơi có bu gà mẹ gửi lên để giục sữa. Cặp gà cứu sống vợ con Tum trong ba ngày ngâm nước vì không ghe thuyền nào đến chỗ nước chảy phăng phăng, sôi réo sùng sục trong một thung lũng heo hút gió. Lúc nước rút, bão đi qua. Người đầu tiên vào nhà Tum là ông Hai, sau lưng có chú Sáu thôn trưởng đang trố mắt nhìn cái ổ chuột chưa tan hết khói do thanh giường ngấm nước bẻ làm củi, đống xương gà nổi lợn cợn trong bùn. Thằng Lum ốm trật suýt chết vì sưng phổi giờ đang chuẩn bị vào cấp hai.

Ông Hai ngồi trầm ngâm dõi theo khói thuốc đất giồng, lắng tai nghe bên ngoài mưa đang vỗ vào mái ngói, tiếng gió ngoài vườn va vào cành lá roàn roạt. Lúc vợ chú Sáu thôn trưởng bê lên rổ khoai bốc khói đặt giữa mọi người thì ông Hai ngẩng nhìn:

- Đã dặn các nhà neo giằng cửa nẻo chưa, Nam ?

- Xong rồi ông Hai, toàn lạt tre đực, chắc lẳn.

- Còn thằng Khải, áo mưa đèn pin, gậy chống đủ cả phải không?

- Dạ, ngay từ chiều, mua thêm vài thùng mì, ký gừng để phòng...

- Nó sẽ đến nghe tụi bây, tao linh cảm từ mấy ngày nay. Thôi ăn khoai cho chắc bụng để đủ sức chiến đấu. Tao kể vụ lụt ... trước khi chúng ta “ra trận”.

- Ừ... Mà năm ấy tơi xơ mướp thiệt, thằng Tum xanh hơn tàu lá chuối non vì kẹt trong nhà không thể trổ nóc. Còn thằng Bắc thì khổ hơn nhiều. Nước đang lên, trời không nắng không mưa, cứ âm âm u u suốt mà can cớ chi ba má nó ra bến chở lúa sang xóm Lẫm. Khi về, gió thổi dọc triền sông cuộn từng con sóng vỗ mạnh thì ghe nào chịu nổi mà cũng chẳng ai đi kèm. Đến đợt sóng bủa thứ ba, xuồng tao cho ba nó mượn đã ụp, xuồng má nó theo sau quay như chong chóng, đánh bật mái chèo phăng phăng theo dòng nước xiết. Tao gào khản cả cổ nhưng cũng đành chịu, có khóc mấy cũng đã xong rồi. Đành đưa thằng Bắc con tụi nó về ở với tao, rõ khổ.

Mọi người im lặng nghe mưa rơi, Tum cảm thấy lành lạnh trong người. Năm ấy, đã ngâm lâu lại gặp cơn nước xiết, lũ cuốn những căn nhà ven sông đang ngập tới nóc lừ lừ trôi ra giữa dòng lúc đêm tối. Bên thím Ba Nhạn, căn nhà như ụ rơm nổi dập dềnh va phải trụ điện hạ thế 500KV bắc ngang dòng sông nên cứ bám chặt vậy mà sống ba, chết hai. Khi ca nô cứu hộ từ cửa biển chạy lên, gia đình như bầy sam gỡ mãi mới lôi được từng người một. Còn như nhà Khải, nhà Nam , nhà Hùng, nhà Kim chẳng nhà nào không vắng đi vài người khi bão lũ đổ về đồng Gió. Nó cứ đến bất  ngờ rồi ào ào đi qua để lại hình ảnh những căn nhà đổ sập, mái ngói chơ vơ khung sườn, vườn cây xơ xác và phải thu dọn, xây dựng lại từ đầu. Tỉnh từng có kế hoạch di dời nhưng không ai muốn đi. Ông Hai từng tuyên bố: “Mẹ, cứ ở, chiến tranh súng nổ đì đùng, Mỹ càn đi xát lại bao lần mà tao còn trụ được, huống hồ giặc gió. Bảo Sáu thôn trưởng lập đội phòng chống, thằng Hai nầy đệ đơn làm đội trưởng, bắt đầu năm nay bọn trẻ phải sung vào hết để chống bão!”.

Thằng Bắc từ cổng lao vào đập cửa liên hồi, miệng réo mọi người trong hơi thở gấp gáp. Tum đẩy chốt khiến cánh cửa bật tung thốc gió thổi tràn tung tóe nước từ chiếc áo mưa nó mặc. Bắc vuốt tóc, nói vội:

- Gió lùa về réo ù ù phía bến sông, nước đã xâm xấp vườn chuối cô Tám rồi.

Ông Hai nhìn chú Sáu thôn trưởng một thoáng, tay khoát khoát trước mặt mọi người, đôi mắt mở to giật giật hàng lông mày sâu róm đã bạc:

- Được, chuẩn bị chiến đấu. Thằng Khả giao đồ cho anh em, ta “chơi” trận này thì qua hai ba tháng mười để đón tết. Tết tưng bừng nghe tụi bây! À, Bắc đâu, sang trường tiểu học bảo thầy hiệu trưởng khoan khóa các cửa, lỡ bề gì còn “dồn quân” tạm trú, sẵn tiện sang trạm xá bảo con Bông đừng nhớ chồng sảng bỏ về… Mẹ, bão ơi là bão, sao cứ đổ về làng Gió này. Thôi, lên đường nghe tụi bây ...

Tum đi sau cùng, ánh sáng từ các ngọn đèn pin quét loang loáng trong đêm tối mịt với gió với mưa đổ nghiêng nghiêng về phía thung lũng, phía trước bóng ông Hai cũng nghiêng nghiêng đi vào các con đường của làng Gió.

Ông Hai là dân thổ địa ở làng Gió, cái làng trước kia bé bằng chủm cau trong mênh mông bạt ngàn đất đai đồi núi. Dân hầu hết là gốc phu làm đường, đắp đập Đồng Cam cho Pháp. Sau khi xong việc, họ xin một mảnh đất cắm dùi hơn là về lại quê hương bản quán đang giặc giã tứ bề. Từ núm cau ấy thành cả buồng, từ vài ổ gà rừng lâu dần thành đàn, ấp Bình An chốt trên bản đồ địa giới tỉnh nó không quen thuộc bằng cái tên làng Gió vì tứ mùa chỉ gió và gió, gió nồm, gió nam, gió lào, gió bấc... Chiến dịch bình định nông thôn của Diệm - Nhu ào đến rồi Mỹ tràn qua càn quét, lính Đại Hàn lập đồn án ngữ bên dãy đồi voi phục, bên nhánh sông xuôi về Đồng Cam thì làng Gió vẫn là làng Gió bình thản chịu đựng như nhánh sông Mađêlắc quanh năm ầm ào thác đổ. Khi Tum biết mình là ai thì ông Hai, người làng quen gọi như vậy, tuổi đã gần lục tuần nhưng cơ thể vẫn rắn chắc, da dẻ đỏ au, tiếng nói rổn rảng, đôi mắt xếch luôn nhìn thẳng như thấu tim gan mỗi người. Ngược với hình dáng, ông lại hiền và hay đùa tếu. Mọi người bảo, cha ông là người đầu tiên cắm cọc trên vùng đất này, là người dám xé rào đưa bà con bỏ ấp chiến lược về lại làng và cũng là người đầu tiên bị địch bắt thủ tiêu nơi khúc sông gần bến. Dân làng còn bảo, ông Hai là du kích mật, là liên lạc bên kia, có lần thằng đồn trưởng đưa quân về làng Gió. Đến nhà tìm không thấy, nó nắm tóc vợ ông đạp dúi dụi tay chỉ lên mái nhà lợp tranh không treo cờ ba sọc, quát: “Bọn mày ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, thằng Hai đâu kêu nó về đừng để tao bắt được đẩy đi lao công mặc sức vác đạn!”. Ông về. Nhìn căn nhà thành đống tro bụi cùng người vợ liệt giường bên hàng xóm, ông gầm: “Mẹ, đạn bom ầm ầm, kiếm hạt lúa chảy máu mắt, tao ăn cơm nó bao giờ?”. Ba tháng sau, ông đưa du kích nhổ đồn và nắm tóc thằng đánh vợ ông lôi ra hàng rào kẽm gai lúc mây vừa trôi qua lấp ló vầng trăng muộn: “Ma Cộng sản về đây, Hai đây, nó đập thằng ăn cơm quốc gia không giữ nổi bàn thờ ...”. 

Mọi người đến đoạn rẽ nơi có sân kho cũ nay là khu chợ của hai làng họp một tháng bốn phiên, ông Hai kéo tất cả vào.

- Sáu thôn trưởng dẫn nhóm thằng Nam qua đình Hạ xem các nhà bảo đảm chưa, mày thấy cần thiết thì dời họ sang trường cho chắc ăn, thằng Bắc đang hỗ trợ bên ấy. Còn lại theo tao về bến sông, mấy chục căn nhà dưới ấy phen này mệt đây. Nói miết chẳng nghe, nó định bám đất như hồi xưa chắc hay thích làm bạn với hà bá. Khải đâu, đưa tao miếng gừng ngậm cho ấm! Đi nghe tụi bây.

Tum cúi đầu tránh mưa tạt vào mặt và theo cả nhóm hòa vào màn đêm đen kịt cùng tiếng gió u u thổi. Lúc vượt qua bãi dứa dại để đến trảng mía cao quá đầu người thì tiếng ông Hai kêu lớn: “Mở hết đèn, lẹ lên”. Hơn mười ngọn đèn pin bật sáng châu về điểm phía trước và tất cả đứng lặng. Hàng loạt, hàng loạt giề mía ngã rạp, có chỗ dồn đống do đợt lốc từ sông thổi lên và hình như dưới tấm thảm ấy là nước, nước âm thầm dâng ngập, âm thầm chiếm lấy từng tấc một để trườn lên, lên nữa. Thằng Khải bật thốt: “Nước vượt kè phía đoạn sông lở”. Tất cả quăng mình chạy theo con đường đất gồ ghề trơn nhẫy cùng lúc tiếng gió rít từng đợt. Tum chúi người vấp phải Trực bổ nhào, quờ quạng chồm dậy nắm chặt chiếc đèn bấm, cây gậy chống dò đường rơi tự  lúc nào. Mặc, cứ lao về phía trước dù mưa đã xối xả giăng mờ trước mặt, quất ràn rạt đến nhói người. Tiếng ông Hai phía trước vòng vọng: “Nhanh lên tụi bây, cho kịp”, thằng Khải thở phì phì, thằng Sứt lại ngã dập mặt xuống nước, bên kia Hòa luồn tay xé toạc chiếc áo mưa bị vướng do rách, ánh đèn pin cứ loang loáng, loang loáng qua lại nhưng màn mưa cứ phủ chụp lấy, ướt nhòa. Lúc đạp chân lên bờ kè thì trước mắt như một biển nước đang lấp liếm ngoạn vào dải đất mà dân làng Gió đổ bao công sức đào đắp, có chỗ đã bục vỡ đẩy từng cơn sóng xô vào từng đợt trắng xóa. “Bỏ đi tụi bây, chạy nhanh sang bến sông, chắc chắn bị rồi”. Tiếng ông Hai gào lớn át tiếng mưa rồi lại chạy, lại vấp ngã dúi dụi. Nước sông lên nhanh gặp gió thốc, Tum nghĩ, kỳ này nát hết nơi ấy rồi.

Trong đêm, những căn nhà chơ vơ như từng ụ rơm đứng yên lặng và bên dưới nước lên gần thắt lưng. Lúc đầu ông Hai bì bõm lội,  rồi gạt nước rồi trườn. “Khả đâu, chuẩn bị áo mưa. Còn tụi mày phá cửa kéo chúng ra, kéo hết ra...”. Ông đạp tung cánh cửa để mọi người soi đèn. Trên bộ phản chồng thêm lớp vạt giường, vợ con chú Nghĩa trố mắt nhìn lúc chú luống cuống mồi thêm ngọn đèn dầu. “Khỏi, dẫn vợ con mày ra, sao ngu vậy, biết nước lên cao không? À , xuồng đâu?”. Chú Nghĩa ấp úng, lắc đầu: “Cột giằng ngoài bến”. “Mẹ, lại cúng cho hà bá! Đi thôi, sang nhà khác tụi bây”. Lại những căn nhà tiếp theo, những con người cứ dồn đống, dúm dó trên các thanh tre, khung cửa bắc tạm lúc gió cứ đẩy sóng xô vào bóc bách, bóc bách.

Nhóm của Bắc đã có mặt bên Khả, nó loay hoay đón từng người rồi choàng vội tấm ni lông cõng chạy băng băng về trường. Bắc nói vội: “Bảo mọi người cẩn thận, nước tràn qua phá nát kè đoạn sông lở, coi chừng nó cuộn đến kéo hết ra sông”. Khả choàng cuộn dây thừng ngang người, đặt chiếc đèn bấm qua tay Tum: “Mày ở lại, tao xuống”. Bóng nó nhào về phía trước, chìm khuất trong màn mưa. Tum run lẩy bẩy vì lạnh, miệng cứng đờ, hai chân căng cứng. Nó nhón vội củ gừng sống đưa vào miệng nhai trệu trạo. Giờ Tum mới thấy mệt rã rời, đầu óc căng căng mắt như díp lại, nó mơ màng ngủ mặc gió rít và mưa chang chang xối. Chợp đi một lát, Tum hoảng hốt choàng dậy lia đèn pin qua lại… Tiếng Khả thở ngắt quãng “Đến nhà bảy Cò cuối bến, nước xiết dữ mà cha ấy uống rượu say ngất ngư phó mặc vợ con cho bão. Lúc ông Hai đạp cửa nhào vào kéo hết ra ngoài, cây xà gỗ mục phía trên bung đinh đổ xuống nhằm trúng bả vai ổng. Đã vậy, lúc lặc lè lôi bảy Cò ra được, ổng sụp bờ thềm, nước kéo liền. May còn sợi dây níu tao và ổng cùng cái của nợ là bảy Cò nhưng nhà thì tiêu rồi”. Ông Hai mở mắt thều thào: “Đưa tất cả về trường, thằng Tum đánh dầu cho bảy Cò…”.

Ông Hai tỉnh hẳn sau bát cháo đường của vợ Sáu thôn trưởng đem đến lúc cả nhóm trẻ đang sì sụp trước những xoong mì. Ông nhìn bả vai được buộc chặt, miệng cười cười nhìn Bông y tá đang tất bật qua lại “Này Bông, đi vừa vừa thôi mày, cứ lắc qua lắc lại, tao choáng liền bây giờ!”. Con Bông nguýt dài. Ông Hai ha hả cười nheo mắt nhìn bọn Tum: “Bọn mày lại đây nghe chuyện bão hồi nẳm…”.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn