Milienko Ergovic sinh năm 1966, là nhà văn nổi tiếng người Croatia (nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ), đã xuất bản các tập thơ Đài Thiên văn Vacsava (1988), Đội quân thiên đàng (1992), Trên chiếc cầu đóng băng (1996)… và các tập truyện ngắn Malboro ở Saraevô (1994), Mẹ Leone (1999)…
![]() |
Minh họa: HƯNG DŨNG
|
Lúc nào nàng cũng sống trong nỗi sợ hãi thường trực, đến mức có thể bỏ qua những điều tốt đẹp và quan trọng trong cuộc đời. Nàng thích du lịch và sẽ rất đau khổ nếu phải bỏ lỡ một chuyến đi. Nàng luôn có cảm giác những điều vui vẻ, hạnh phúc không nằm trong tầm tay, bởi thế nàng đã cố gắng hết sức để những phút giây hạnh phúc kỳ diệu không trôi mất, để cuộc sống có thể biến thành câu chuyện cổ tích như trong một giấc mơ.
Vào cuối tháng Chạp năm 1990, nàng quyết định phải đón năm mới ở đảo Khơvar với một số bạn bè thân hữu. Háo hức vì ý tưởng ấy, nàng đề nghị với tôi một trong những phương án có thể thực hiện. Thoạt đầu tôi không đồng ý, nhưng điều đó làm nàng phật lòng nên cuối cùng tôi đành phải chấp thuận. Và thế là, cái quyết định riêng của nàng đã trở thành quyết định chung của chúng tôi. Vào ngày áp chót của năm cũ, tất cả chúng tôi tụ tập tại quảng trường Marin ở trung tâm thành phố. Trời còn rất sớm, thậm chí tàu điện còn chưa chạy. Tôi được giới thiệu với một nhóm thanh niên trông tướng mạo rất dễ bị kích động và các cô gái trong bộ áo váy buổi tối gợi người ta liên tưởng đến những cuộc nhậu nhẹt xả láng. Tất cả chúng tôi có mười hai người, lại còn một đống đồ đạc và thêm con chó cái lông xồm nữa. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới nhét nổi tất cả vào ba chiếc xe con. Hai chiếc Golf chạy trước, còn chiếc Điana ì ạch bám theo sau. Chúng tôi ngồi trong chiếc Điana với cậu sinh viên hói đầu học ngành điện tử cùng cô bạn gái mập mạp nhan sắc xoàng xĩnh và con chó xồm. Mặc dù chiếc xe đã bị vá chằng vá đụp bởi vô số lỗ thủng, song chân của chúng tôi rất có thể bị thụt qua sàn xe đã mục nát. Cô gái mập mạp ba hoa luôn miệng về nước hoa Pháp còn con chó cái thì bốc mùi nồng nặc. Tôi mỉm cười đưa đẩy theo câu chuyện và cố tỏ ra cho cô bạn gái của mình thấy rằng chuyến du lịch này đối với tôi là một niềm thích thú vô hạn.
Khi chạy lên đèo trên dãy núi Ivan, chiếc Điana bò với tốc độ hai mươi cây số một giờ, và trước khi chạy đến thành phố Konisa nó còn khốn khổ hộc hộc lên hai lần nữa rồi mới chết lịm. Con chó xồm nhảy lên thích thú và sủa ăng ẳng. Chúng tôi ra khỏi chiếc xe mà không biết nó còn chạy được nữa hay không và bàn tính sẽ phải làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, dù có sắp xếp kiểu nào thì chúng tôi cũng là những người thừa. Và khi mọi việc gần như đã được quyết định, ai sẽ phải tiếp tục đi bằng tàu hỏa, ai đi bằng ô tô, tôi liền chạm khẽ vào vai nàng và nói nhỏ:
- Hay là chúng ta quay về đi?
Trái với dự đoán của tôi, nàng không hề nhìn tôi bằng ánh mắt giận dữ mà chỉ thở dài và nhún vai.
- Nhưng ai sẽ nói với họ? - tôi hỏi tiếp.
- Anh là đàn ông, anh phải nói.
- Tốt hơn là em, vì em là bạn của họ. Hơn nữa, nếu anh nói họ sẽ nghĩ là chúng ta tự ái.
Và thế là nàng líu ríu thông báo cho họ biết chúng tôi phải quay về Saraievo (lúc nào tôi cũng thành công khi đề nghị người khác chấp nhận các quyết định của mình dù họ có thích hay không). Còn hai tiếng rưỡi nữa tàu mới đến. Chúng tôi ngồi trong phòng chờ mát mẻ của khách sạn nhìn nhau đắm đuối và âu yếm vuốt ve nhau.
- Dù sao cũng thật đáng tiếc! - tôi bật ra.
Nàng tự trách mình đã làm hỏng lễ đón năm mới. Tôi tỏ ra cao thượng theo kiểu đàn ông, khẳng định là cô ấy đã quá phóng đại sự việc.
- Em còn cảm thấy tiếc vì món quà nữa.
Tôi rất thích được tặng quà và tôi rất muốn được nhận món quà năm mới của nàng ở đây, tại thành phố Konisa này. Thoạt đầu nàng không đồng ý - khung cảnh chẳng phù hợp chút nào trong khi cô ấy lại mơ đến những giây phút thật lãng mạn… Nhưng ngay cả lần này tôi cũng đã thuyết phục được cô ấy.
Nàng mở túi du lịch của mình và nhẹ nhàng lấy ra một chiếc hộp được bọc giấy rất đẹp.
- Anh mở ra đi!
Chiếc hộp rất nhẹ - chứng tỏ trong đó không phải là chai rượu. Tôi không hề ngạc nhiên vì tôi không chờ một món quà như thế của nàng. Trong hộp có một cái gì đó được gói trong tờ giấy trắng. Nàng hướng dẫn tôi nhẹ nhàng mở cái gói ra. Một cây xương rồng bé xíu, kích thước chỉ bằng ngón tay của đứa trẻ sơ sinh trồng trong chiếc chậu nhỏ nhắn xinh đẹp. Tôi là người không chịu nổi những loại cây trong nhà, nhưng tôi chưa bao giờ nói với nàng về điều đó. Xương rồng và những loại cây cảnh tương tự đòi hỏi một sự chăm sóc chu đáo và cẩn thận, chúng muốn lúc nào người ta cũng phải nhớ đến chúng, còn tôi lại không có một chút khái niệm nào về việc chăm sóc, thậm chí ngay cả với những người mà mình yêu thương. Sau khi bà tôi qua đời, tất cả cây cảnh trong các phòng đều bị chết khô, tôi cảm thấy rất buồn mặc dù đối với chúng, tôi không có chút tình cảm nào.
Tôi mỉm cười hôn nàng và nói lời cám ơn. Sau khi đã thuyết phục cho nàng tin rằng tôi rất vui vì món quà, tôi liền lấy ra lọ nước hoa Chanel No 5 (khi mua nó, dĩ nhiên tôi chỉ nhớ đến cô đào điện ảnh nổi tiếng Marilyn Monroe) và tập sách ảnh của Siuzen Sontag. Quà tặng nàng, tôi không chỉ mua sách và có lẽ như vậy là đúng. Nàng cho rằng, tặng sách cho nàng tức là tôi chỉ nghĩ đến bản thân chứ không phải nghĩ đến cô ấy.
Tôi đặt chậu xương rồng vào phòng mình, ở chỗ ít được chiếu sáng, bên cạnh bức tượng thánh Vlakha bằng thạch cao và cái gốc cây cụt có cái hốc ở giữa đã mang lại may mắn cho tôi. Vài tháng sau, chiến tranh bùng nổ ở
Tôi vẫn tiếp tục tưới nước cho chậu xương rồng, đều đặn năm ngày một lần, và cũng không quên để ý đến việc không được dịch chuyển vị trí của nó. Dạo trước, có lần bà tôi bảo, không nên thay đổi vị trí đặt chậu xương rồng vì nó chỉ có thể sống được ở một chỗ cố định - chỗ nào cũng được, không quan trọng, miễn là chỗ của nó. Tôi thường xuyên để mắt đến cây xương rồng và cảm thấy thích thú vì điều đó.
Thay vì bị khuất lấp ở đâu đó trong vô số những đồ vật đáng yêu nhưng vô tích sự thường bày bán la liệt trong các cửa hàng vào ngày lễ, cây xương rồng bắt đầu lớn dần lên. Đầu tiên là những chiếc gai trông rất đáng yêu như những chiếc lông của chú nhím nhỏ, rồi đến cái thân nó cũng mập lên và lặng lẽ hướng dần về phía ánh sáng mặt trời. Giờ đây nó đã bằng ngón tay của đứa bé.
Một lần đến thăm tôi, nàng tỏ ra rất thích thú vì cây xương rồng phát triển tốt mặc dù tôi là một người không chu đáo, nhà cửa rất bừa bộn.
- Trông nó giống anh rồi đấy.
- Cây xương rồng hả?
- Cũng không hoàn toàn, đúng hơn là một phần của con người anh.
Thật lòng mà nói, tôi không nhận ra một chút giống nhau nào giữa tôi và cây xương rồng, nhưng sau khi nghe nàng nói vậy, tôi bắt đầu nhìn cây xương rồng theo một cách khác. Những chi tiết nhỏ nhặt thú vị đã làm phong phú thêm cho tình yêu bằng những sắc thái mới và ta không bao giờ được quên điều đó.
Vào những ngày khi thành phố Vukovar bị hủy diệt, tôi có cảm giác như ai đó đang phả hơi thở lạnh giá vào lưng mình. Cuộc sống bỗng trở nên khác hẳn trong khi tôi hoàn toàn không có một chút khái niệm gì về cuộc sống mới ấy. Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể biến thành tai họa khủng khiếp. Bằng linh cảm tôi đã nhận ra điều đó mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu nổi điều gì đang xảy ra. Vào những ngày cuối cùng của tháng ba năm 1992 nàng rời khỏi thành phố. Giống như đi du lịch. Nhưng không có cuộc chia tay.
Sang đầu tháng tư tôi phải chuyển xuống sống ở tầng hầm. Một quả lựu đạn rơi trúng tán cây táo. Kính cửa sổ bay tứ tung và những mảnh nhỏ li ti của nó trông như những hạt thóc đã làm vỡ tấm gương trên tủ, đó là tấm gương cổ của Áo. Những vết nứt trên tấm gương trông chẳng khác gì những đường kinh tuyến trên tờ bản đồ địa lý. Điện thoại vẫn còn làm việc và tôi kể cho nàng nghe về chuyện đó, nhưng cô ấy không hiểu tôi nói gì. Rất có thể nàng nghĩ rằng trong đầu tôi có cái gì đó đang rạn vỡ.
Cứ năm ngày một lần tôi lại lên tầng mình để tưới cho cây xương rồng. Giờ đây cây xương rồng đã chĩa thẳng về phía những người nổi loạn. Tôi lo sợ nhìn lên mặt trời và nơm nớp chờ đợi một phát súng vang lên. Dưới tầng hầm tối tăm, ẩm ướt và rất bất tiện, lúc nào cũng bốc mùi khoai tây thối và ngập ngụa bụi than.
Nàng cả quyết rằng cái chết chỉ xảy ra ở Saraievo. Giọng của nàng trở nên lâm ly, thống thiết, còn chính nàng lại đang ở một nơi rất xa và trở nên xa lạ. Nàng hỏi tôi có muốn xuất cảnh với cô ấy sang Niu Dilân hay không. Tôi đáp, rằng tôi đang ngồi trong tầng hầm, còn Niu Dilân thì quá xa và tôi nghĩ mình sẽ không có hạnh phúc ở nơi ấy. Nàng chẳng bao giờ hỏi về cây xương rồng và tôi cũng không muốn nhắc đến.
Sống trong bóng tối, con người cũng bị thay đổi. Điều đó diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Tôi đã nghe một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, có người tối lên giường ngủ, sáng tỉnh dậy đã thấy tóc bạc trắng, thậm chí người đó cũng chẳng nhớ đêm qua mình đã mơ thấy gì. Còn tôi đang sống trong nỗi lo sợ tuyệt vọng trước một mùa đông đang đến gần.
Một buổi sáng, đúng vào ngày thứ năm phải tưới cây xương rồng, nhưng tất cả nước trong căn hộ đều đã đóng băng. Lúc ấy tôi chợt nhớ xương rồng không chịu nổi thời tiết giá lạnh. Tôi mang cây xương rồng xuống đặt trước lò sưởi đốt bằng than cám, khoảng cách không gần và cũng không xa lắm. Theo tôi cảm nhận, chỗ đó là tốt nhất cho cả xương rồng và con người. Sáng hôm sau, tỉnh dậy tôi thấy cây xương rồng nằm bẹp xuống, đầu vắt qua thành chậu, cứ như là nó đang tìm kiếm mặt trời ở đâu đó phía dưới. Tôi tưới nước cho nó lần cuối, mặc dù tôi hiểu mọi chuyện đã kết thúc.
Chiến tranh đã dạy cho tôi biết cách để chế ngự cảm xúc và thần kinh của mình. Nếu phải nói về chuyện gì đó thật gần gũi và quý giá, thì ở một nơi sâu thẳm trong lòng tôi có một chiếc đèn đỏ bật lên ngăn lại, giống như khi ta xóa tất cả mọi tín hiệu âm thanh trên băng từ, và thế là tôi sẽ không còn cảm nhận gì nữa. Nhưng mỗi khi nghĩ về cây xương rồng thì cách thức trên chẳng mang lại cho tôi sự thanh thản. Đối với tôi nó đã trở thành biểu tượng về nỗi buồn, cứ tưởng là vô hại và dễ bị đánh lừa như mùi trái hạnh nhân tỏa ra từ chất xianua chết người. Thời xa xưa, người đời vẫn hay thương xót những con ngựa phải chết đứng, còn tôi, tôi đau buồn về cây xương rồng, như chú bé trong bản trường ca “Vương quốc rừng” của đại thi hào Gớt.
Tất cả những điều tôi vừa kể chẳng có gì quan trọng. Chẳng qua là tôi chỉ muốn nhớ lại rằng, trong cuộc sống cần phải ứng xử với những sự việc nhỏ nhặt nhất bằng một sự rung động chân thành, ngoài ra chẳng cần gì khác.
ĐÀO MINH HIỆP (dịch)
(Dịch từ bản tiếng Nga của E. Solođovnikova)