Kẻ bất hạnh - Truyện ngắn của  NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Kẻ bất hạnh - Truyện ngắn của NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Không cần nhìn, không cần nghe, hắn cũng có thể biết được người ta đang nói gì về hắn. Thực sự hắn rất sợ khi nghĩ đến điều ấy, nhưng bề ngoài hắn tỉnh bơ như không. Hít một hơi thật căng, ưỡn ngực thật thẳng, hắn khệnh khạng đến chỗ họ.

Không cần nhìn, không cần nghe, hắn cũng có thể biết được người ta đang nói gì về hắn. Thực sự hắn rất sợ khi nghĩ đến điều ấy, nhưng bề ngoài hắn tỉnh bơ như không. Hít một hơi thật căng, ưỡn ngực thật thẳng, hắn khệnh khạng đến chỗ họ. Đám đông ngừng lời, đúng hơn là chuyển từ đề tài về hắn sang đề tài khác. Đó là cách nghĩ của hắn chứ ai hơi đâu mà cứ bàn tán mãi. Hơn nữa, chuyện chẳng còn mới mẻ gì, nói vài lần cũng nhàm.

mh-081115.jpg

Minh họa: NGỌC LÊ

- E hèm! – Hắn hắng giọng trịch thượng – Cuối năm rồi nhé, bà nào, cô nào chưa hoàn ứng thì làm ơn thanh toán giúp cho để tôi còn quyết toán.

Chẳng nhìn vào mặt ai, hắn thuỗn mặt bước ra khỏi phòng. Đó không phải là sức mạnh của chính con người hắn. Đó là sức mạnh của kẻ nắm giữ thu chi của cả bộ máy gần trăm con người. Còn bọn họ, những kẻ mà hắn cho là đàn bà rỗi hơi, lắm chuyện, ngồi lê đôi mách, chỉ biết đến tháng ngửa tay nhận tiền Nhà nước chứ chẳng làm nên được trò trống gì. Sau lưng hắn, họ tha hồ bĩu môi, cười hinh hích nhắc tới khuyết tật của hắn. Chứ trước mặt hắn, nếu không trắng trợn xum xoe thì cũng im thin thít. Sao mà hắn ghét họ đến thế? Bọn người chỉ biết cười trên nỗi khổ của người khác!

Hắn sống một mình, ngoài bốn mươi tuổi hắn vẫn phải sống một mình. Đơn độc trong sự đủ đầy vương giả. Kể ra, trước đây hắn có thích cô Lụa – người cùng cơ quan – và hắn biết cô ta cũng quý hắn. Nhưng hắn sợ chính điều đó, bởi hắn đau đớn nhận ra chuyện hôn nhân hay ái tình vĩnh viễn là điều hoang tưởng. Trong cơ quan, duy nhất mình Lụa không chế giễu hắn, không tỏ ra nghi ngờ phần đàn ông trong hắn. Hắn ao ước Lụa không nhầm lẫn, nghĩa là niềm tin bấy lâu của Lụa chính là sự thật (đúng ra là không có) nơi hắn. Hắn nhớ có một lần liên hoan cuối năm, lợi dụng hơi men, năm thằng đàn ông hè nhau vật ngửa hắn ra, định kiểm tra sự hoài nghi bấy lâu về hắn. Rất may hắn không say, thực ra hắn không bao giờ say. Sự mặc cảm đã khiến hắn cảnh giác để luôn giữ mình cho tỉnh táo. Hắn vùng vẫy, chống cự điên cuồng bằng sức mạnh của lòng căm hờn và nỗi xấu hổ cộng lại. Cuối cùng, năm kẻ giả say kia phải buông tha hắn. Nhục nhã, tức tối và uất ức, hắn hất tung mấy mâm tiệc ngổn ngang, rồi khóc rống lên. Cả hội trường bỗng im bặt, họ sực tỉnh khi nhận ra trò đùa của mình hơi quá đà. Lụa đến bên hắn, ôm lấy đầu hắn áp vào ngực mình. Nước mắt nàng rơi lã chã. Hắn cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể nàng truyền sang. Chao ôi! Ước gì hắn có thể chết ngay lúc này, trong vòng tay mềm mại, ấm áp của người con gái hắn hằng mơ tưởng. Đột nhiên, hắn đẩy phắt nàng ra, bước đi liêu xiêu ra khỏi hội trường. Đó là lần duy nhất hắn cho phép mình yếu đuối.

Còn nhớ thời kỳ nghèo khổ, thiếu thốn. Bữa ăn của anh em cán bộ công nhân trong công ty chỉ có nồi canh trong veo và bát mắm nêm đỏ kè ớt bột, thì hắn và lão giám đốc vẫn mặc sức mua sắm cho mình những vật dụng đắt tiền, khan hiếm. Chẳng cần phải kêu gọi, Giám đốc Đằng vẫn có thể thiết lập cho mình một mạng vây cánh tiền hô hậu ủng. Cái liên minh ma quỷ ấy tha hồ hè nhau bêu xấu, hạ thấp uy tín của những ai tỏ ra chống đối họ. Họ đắc ý với nhau khi mưu kế vạch ra để cô lập ai đó thành công. Dẫu thế, ông Thực vẫn là đối thủ khó hạ nhất của bọn hắn. Hắn ghét ông bởi trong mỗi cuộc họp ông luôn lớn tiếng chỉ trích hắn lộng quyền, rằng coi tiền của Nhà nước như tiền của cá nhân, gây khó dễ cho anh em mỗi lần có việc gì liên quan đến tiền bạc. Xưởng sản xuất cần kinh phí để tăng năng suất lao động thì hắn bảo hết kinh phí. Trong khi hắn và Giám đốc mặc sức ăn chơi, phè phỡn. Hắn căm thù ông bởi vì ông nói thực quá, lại chưa bao giờ tỏ ra sợ sệt uy quyền của hắn và Giám đốc cả. Ông Thực cứ ngẩng cao đầu, kiêu hãnh với khả năng chuyên môn không thể chê vào đâu được. Ông đứng về phía công nhân, bênh vực quyền lợi của những người anh em chỉ biết trông chờ vào đồng lương thiếu trước hụt sau hàng tháng. Đã bao phen, hắn và lão Đằng vắt óc tìm kế giăng bẫy để hãm hại ông, nhưng không thành. Ông Thực quá thông minh, khó có thể bị mắc mưu bọn hắn. Chẳng có cách nào buộc ông rời khỏi ghế Phó Giám đốc công ty, cuối cùng, bọn hắn đành hậm hực chấp nhận một thành phần đối kháng, nhưng lão Đằng dự định sẽ từng bước thâu tóm quyền hành để dần dần vô hiệu hóa ông Thực.

Tuy thế, nội bộ thầy trò nhà hắn, có lúc tức nhau đến bầm gan tím ruột cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Như có một lần, hắn dám qua mặt Giám đốc về khỏan chênh lệch mua sắm thêm máy móc. Biết thế, lão Đằng vẫn giả bộ làm ngơ. Đổi lại, hắn đành cay cú nhìn lão Giám đốc vừa dê vừa chơi bẩn hại đời em gái mình. Đứa em gái duy nhất của hắn mới học xong lớp 7, vừa chín mọng vừa thơm tho. Hắn xin cho nó vào làm chân tạp vụ. Lão Đằng có bộ mã khá bảnh, lại luôn tỏ ra lịch lãm với đàn bà, con gái. Em gái hắn sa vào lưới tình của lão như một sự tất yếu của quy luật cuộc chơi. Đêm ấy, hắn bắt gặp những trò bỉ ổi của lão Đằng đang diễn ra với em gái mình. Cái trò bỉ ổi giống đúc những trò bỉ ổi lão dùng trước đó với các cô gái khác trong công ty. Khốn kiếp! Lão chó dám chơi cả em gái mình! Giận điên người, hắn quát lên. Nhưng như một tên ăn cắp lành nghề, lão Đằng lập tức lấy lại bình tĩnh sau vài giây luống cuống. Lão nhún vai sau một tràng chửi rủa của hắn:

- Cậu thử hỏi em gái cậu xem, tôi không hề ép buộc nó. Chúng tôi mê nhau rồi đến với nhau. Cô ta là con gái, chuyện này vỡ lở ra cô ta chỉ thiệt, lại liên lụy tiếng tăm của cậu – Lão chậm rãi cài lại hàng khuy áo, rồi vỗ vai hắn – Chẳng phải chúng ta đều nắm được “thóp” nhau hay sao? Mỗi người chịu thiệt một tý rồi mọi chuyện sẽ êm đẹp cả. Đừng tưởng là tôi không biết được những việc làm của cậu.

Lão háy mắt, nhún vai rồi bỏ đi.

Hắn tức sùi bọt mép, ngậm đắng nuốt cay nhìn con em gái mình ngày một xanh xao, cái bụng bắt đầu phinh phính sau làn áo mỏng. Tình thế buộc hắn phải đẩy nó về quê với một đám cưới giả mà hắn thuê người đóng vai chú rể.

Người ta bắt đầu công khai chỉ vào mặt hắn và Giám đốc Đằng mà mắng rằng: “Đồ dê già tham ô! Đồ hoạn quan xảo trá!”. Công ty làm ăn ngày một thua lỗ. Công nhân không có việc làm, nghỉ không lương hàng tháng trời. Ông Thực làm đơn gửi lên lãnh đạo Sở đề nghị có biện pháp giải quyết. Sở cử một đoàn về thanh tra. Hắn và lão Đằng chẳng hề hấn gì, nhưng công ty thì bị tuyên bố giải thể. Một bộ phận cán bộ, công nhân trẻ được xét cho nhập vào nhân viên của Sở. Ông Thực thất vọng xin về hưu... Hắn nghiến răng ken két bởi từ đầu đến cuối hắn chẳng làm gì được ông cả. Đã thế, hôm chia tay, ông Thực còn đập vào vai hắn, khiêu khích: “Về quê gắng kiếm một cô vợ đi nhé!”. Hắn vừa đau, vừa tủi, vừa căm. Mà hắn căm ai chứ? Tạo hóa ư? Cuộc đời cho hắn quá nhiều mà cũng lấy đi của hắn những gì thật quý giá. lẽ ra hắn sẽ tiếp tục được làm chân kế toán trong văn phòng Sở. Nhưng không biết ông Thực “ton hót” thế nào đó nên hắn buộc phải khăn gói về quê. Còn lão Đằng, giờ được điều làm tổ trưởng tổ sửa chữa máy móc. Thầy trò nhà hắn sau cuộc “bể dâu” ấy không gặp nhau nữa. Em gái hắn sau lần ấy cũng bỏ làng vào Nam . Hắn đã không có thời gian để nói với em gái rằng: lão Đằng rải con trong công ty ít nhất là ba đứa. Là một ông chồng cả thèm chóng chán, vợ lão biết vậy nhưng đành làm ngơ, chờ đến ngày chim bay mỏi cánh lại quay về tổ ấm rệu rã của mình.

*

Về quê, hắn  cất một ngôi nhà kiểu biệt thự trên nền đất cha mẹ để lại. Hắn mang sự giàu có, tiện nghi, sang trọng của phố thị về cái làng quê hẻo lánh. Ngôi nhà mang dáng vẻ như chính chủ nó: kiêu ngạo, hợm hĩnh và lạc lõng. Hắn cảm thấy thật cô độc – Sự nhàm tẻ khiến cảm giác cô độc tăng lên khủng khiếp. Hắn khinh khỉnh với mọi người, mọi người giữ kẽ với hắn. Chao ôi! Hắn buồn. Hắn buồn triền miên hết ngày này sang tháng khác. Hắn tham lam kiếm tiền để dành cho ai đây? Xung quanh hắn không còn ai thân thích. Lụa đã đi lấy chồng kể từ sau cái lần ông Thực tố cáo hành vi biển thủ của hắn. Thoạt đầu, hắn đau khổ lắm, nhưng tận cùng của nỗi đau không bao giờ được làm thằng đàn ông – hắn mừng cho nàng.

Những đêm trăng ở miền quê làm nỗi buồn của hắn nguôi ngoai phần nào. Hắn thường một mình ra bến sông, ngồi dưới gốc cây gạo loang lổ bóng trăng hóng mát. Một nửa chai rượu luôn được mang theo đủ làm cho hắn chếnh choáng. Từ thời trẻ, hắn luôn giữ thói quen ăn uống chừng mực nên dù đã gần đến tuổi 50, hắn vẫn giữ được hình thể gọn ghẽ. Đêm ấy, trăng lúc mờ lúc tỏ, hắn tu một hơi gần cạn chai rượu rồi mơ màng dựa lưng vào gốc cây. Tiếng con gái khóc nức nở làm hắn choàng tỉnh. Hắn ngồi thẳng dậy, giật mình nhìn thấy một bóng đen đang chầm chậm từng bước lội ra giữa sông. Thêm một kẻ chán đời định quyên sinh ở đây chắc? Nhanh như một con rái cá, hắn nhảy tõm xuống nước và bế thốc cô gái lên lúc nước sông chưa kịp ngập mái tóc thoang thoảng mùi hoa bưởi. Cô ta khóc, hình như cô gái nào sau khi tự tử hụt cũng khóc và gào lên đòi được chết. Hắn lạnh lùng bảo: “Muốn chết nữa thì cứ việc, nhưng đừng chết ngay trước nhà người ta, kinh lắm!”. Đến nước ấy thì cô ta im. Hắn cho cô ta ăn cơm và cô ta kể cho hắn nghe chuyện của mình. Lại thêm một bi kịch của các cô gái trót nặng lòng với kẻ sở khanh. Hắn thoắt tối sầm mặt mũi khi nghĩ đến em gái mình. Phụ nữ! Đến bao nhiêu tuổi vẫn dại, cô gái này nom đâu còn ở cái tuổi bồng bột nữa. Nhà hắn có thêm người từ đấy. Những ngày đầu, hắn luôn trông chừng cô ta. Biết đâu đó là bọn lừa đảo, biết hắn có tiền nên dựng nên màn kịch ấy. Nhưng dần dà, hắn khẳng định cô ta hiền lành, thật thà đến tội nghiệp. Hắn thấy cô ta hao hao giống em mình, giống ở cái vẻ u sầu và ánh mắt đầy thù hận. Đôi lúc nhìn vóc người nhỏ nhắn mang bụng chửa vượt mặt, hắn lại thấy thương. Có lẽ, ngày xưa, Lụa và em gái là phần yếu mềm nhất trong tim hắn, còn bây giờ là cô ta chăng?

Có cô ta, ngôi nhà của hắn sinh động hẳn. Cô ta cần mẫn với những công việc của người phụ nữ: giặt giũ, cơm nước, chợ búa... hắn được nâng giấc, săn sóc lúc trái gió trở trời. Hắn yên tâm hưởng thụ sự chăm sóc mà hắn vớt từ dưới sông lên. Người con gái tội nghiệp ấy mãi đến sau này mới biết phần bất hạnh trong cơ thể hắn. Biết. Nhưng chị ta vẫn âm thầm chấp nhận, lầm lũi cam phận với cuộc sống không có gì vui vẻ bên một kẻ không ra đàn ông, không ra đàn bà.

Vậy là điều ấy đã xảy ra, điều mà hắn chưa hề nghĩ tới. Cô ta – người đàn bà hắn cứu sống và cưu mang suốt mấy năm qua đang khóc lóc trong vòng tay một gã trai ngay trước mặt hắn. Chúng nó còn ôm riết lấy nhau, hôn hít nhau ngay trong ngôi nhà của hắn nữa chứ! Máu trong người hắn sôi lên nhưng không hiểu sao... hắn chỉ hắng giọng, rồi cười gằn khi người đàn bà và kẻ nọ vội vã buông nhau ra, nem nép chờ cơn thịnh nộ của hắn. Hắn nhìn xoáy vào gã trai kia, cười khẩy. Tưởng ai! Hóa ra cái thằng kiết xác, không cha không mẹ, làm nghề chữa khóa ở chợ. Không nói không rằng, hắn với chai rượu trắng tu ừng ực. Hắn thất thểu bước đi. Mấy ngày sau đó, hắn cũng chẳng nói gì, mắt vằn lên những tia máu đỏ. Phần lớn thời gian hắn ở ngoài bến sông. Đến giờ cơm, hắn mò về. Bữa cơm chỉ có tiếng bát đũa va vào nhau. Mẹ con nhà nọ im thin thít, sợ rúm ró mỗi khi nghe bước chân của hắn.

Sang ngày thứ mười, người đàn bà nọ đến bên giường hắn, thị đan hai tay vào nhau ấp úng:

- Em... em cảm ơn ông vì đã cho mẹ con em nương tựa suốt mấy năm. Em có tội, ông hãy đuổi em đi... Em biết... ở đây không còn chỗ cho em – Thị nấc lên – Hôm nay, em xin phép ông cho em làm bữa cơm chia tay, rồi ngày mai em sẽ đi. Xin ông...

Biết khóc nữa cơ đấy! Hắn đưa mắt nhìn đôi vai thị rung rung, nhận ra thị tiều tụy hẳn từ hôm ấy. Hắn ngồi dậy lầm bầm:

- Để tôi nghĩ đã.

Hắn quơ chai rượu rồi lại ra bến sông. Đêm không trăng, mặt sông tối mờ mịt. Bầu trời đen kịt mây, thỉnh thoảng một ánh chớp nhì nhằng lóe lên phía chân trời tối thẫm. Hắn không say được, uống bao nhiêu rượu suốt mấy ngày nay hắn vẫn tỉnh. Vẫn luôn ý thức được mình là một kẻ què quặt, sống không ra hồn người.

                             

Tâm trí hắn cứ lẩn quẩn những điều đeo đẳng suốt mười ngày qua. Ờ! Thì ra bấy lâu hắn giam cầm một cơ thể sống mà hắn lại vui sướng với điều đó nữa cơ đấy! Tóm lại, giả dụ nếu hắn chết thì ngôi nhà này sẽ là của ai nhỉ? Con em hắn đã định cư ở Mỹ với ông chồng Tây giàu sụ. Họ hàng hắn chẳng còn ai. Hắn cười khùng khục. Khốn nạn! Con đàn bà ấy không cần những thứ của hắn nữa rồi. Cô ta cần một thằng đàn ông hơn là mòn mỏi bên hắn với sự đủ đầy phù phiếm.

Trời bắt đầu mưa lắc rắc. Hắn mệt mỏi lê bước vào nhà. Cô ta đã xếp những thứ của cô ta vào hai túi xách. Hình như thị có ý đợi hắn về. Thấy hắn, thị đứng phắt lên:

- Em đợi ông về, chào ông một tiếng rồi mẹ con em sẽ đi. Ông ở lại mạnh khỏe. Gắng tự chăm sóc mình.

Thị vừa nói vừa sụt sịt khóc.

- Đi đâu? Trời đang mưa đấy!

Giọng hắn nặng chịch. Người đàn bà quỳ xuống, nước mắt giàn giụa:

- Em là kẻ vô ơn. Sao ông không đánh em? Không nhiếc móc em? Sự im lặng của ông thật đáng sợ.

Hắn đứng như trời trồng. Một lát, hắn ôm lấy cô ta, vỗ nhẹ vào lưng như người cha vỗ về con gái mình.

- Cô không thương cô thì cũng phải thương lấy thằng bé. Đưa nó vào ngủ đi.

Người đàn bà ngẩng lên, đưa tay quệt nước mắt, thị lặng lẽ đi vào buồng. Hắn ngồi phịch xuống ghế, đưa mắt dõi theo. Ngoài trời, mưa trút ào ào, gió đập những cành cây vào chái nhà nghe chan chát. Hắn nằm ngửa, nhìn thật kỹ trần nhà được trang trí công phu, cầu kỳ. Hắn trở dậy, lần bước hết nhà trên xuống nhà dưới, sờ tay vào những bức tường, cột trụ được ốp đá hoa lộng lẫy. Hắn ngắm rất lâu những vật dụng thân thuộc trong nhà, sau đó trở lại phòng khách. Ngang qua buồng ngủ của cô ta, hắn ngần ngừ một lúc rồi bước thẳng.

Hắn xách gói ra đi, sau khi cẩn thận viết một bức thư ngắn cài trên gối. Bước chân của kẻ vừa quyết định một việc chưa từng có trong đời thật vội vã, gấp gáp. Hắn ngẩng cao đầu mà đi. Trong xóm, gà bắt đầu te te gáy sáng.

*

Người kể lại câu chuyện này cho tôi, không ai khác, ngoài ông Thực. Người con gái trong câu chuyện là cháu gọi ông bằng bác. Mãi đến nhiều năm sau khi hắn bỏ đi, ông mới biết rõ ngọn nguồn. Ông Thực nhờ tôi viết lại câu chuyện này không phải tỏ ý biết ơn hắn – kẻ một thời đối đầu với ông – mà ông chỉ hy vọng sẽ có được tin tức của hắn dù còn sống hay đã chết.

Theo lời kể của ông Thực, tôi đi tìm người đàn bà đó. Tháng năm dẫu khắc nghiệt, nhưng chị ta vẫn giữ được nét đẹp một thời xuân sắc. Chị không ở trong ngôi nhà hắn để lại, mà cất một ngôi nhà nhỏ kế bên. Cứ vài ngày, chị lại sang ngôi nhà đó quét dọn và thắp lên bàn thờ nén hương. Còn hắn, có người nói hắn đã chết, có người nói hắn đã sang Mỹ theo diện bảo lãnh. Chưa rõ thực hư thế nào.

Năm kia, một trận lũ lớn đi qua làm trôi bao nhiêu nhà cửa. Ngôi nhà của hắn bị lún mặt trước xuống gần 1m, nằm nghiêng nghiêng trơ gan cùng mưa nắng. Giả sử, nếu có thêm một trận lụt tương tự nữa, ngôi nhà sẽ đi luôn.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn