Vầng trăng khuyết - Truyện ngắn của THU HỒNG

Vầng trăng khuyết - Truyện ngắn của THU HỒNG

Đứa cháu ngoại đã ngủ say, chị rón rén trở dậy bước ra sân, bồi hồi ngước nhìn bầu trời cao vời vợi. Đêm nay mùng mười, lơ lửng trên cao vầng trăng khuyết gợi nhớ về một thuở xa xăm.

Đứa cháu ngoại đã ngủ say, chị rón rén trở dậy bước ra sân, bồi hồi ngước nhìn bầu trời cao vời vợi. Đêm nay mùng mười, lơ lửng trên cao vầng trăng khuyết gợi nhớ về một thuở xa xăm.

mh-081011.jpg

Minh họa: HƯNG DŨNG

Xuân Mậu Thân, Nguyệt nhận được tin dữ: Anh Chiến hy sinh khi tấn công vào sân bay Đồng Tre diệt giặc Mỹ. Lòng đau như cắt, khóc than cho cuộc tình chóng vánh hương lửa chưa kịp mặn nồng. Có lúc nghĩ quẫn. Nguyệt muốn tự vẫn theo người chồng yêu dấu. Nhưng ánh mắt long lanh, nụ cười chúm chím của đứa con gái vừa tròn hai tuổi đã làm vơi dần nỗi đau đang cào xé ruột gan. Từ đó, Nguyệt cố sống để phụng dưỡng mẹ già và nuôi con mong ngày khôn lớn.

Dáng vẻ “Gái một con trông mòn con mắt” với vóc người thon thả, khuôn mặt khả ái của người thiếu phụ tuổi đôi mươi đã làm xiêu lòng biết bao trai tráng trong làng. Họ vây quanh buông lời ngọt ngào nhưng không thể xô ngã được tính cách thanh cao, trong sáng của Nguyệt. Tuy vậy, cô vẫn mông lung lo sợ một ngày… thân gái dặm trường trong thời loạn, mấy ai học được chữ ngờ!

Bọn giặc mở rộng chiến trường, làng quê yên ả của Nguyệt bỗng chốc bị cuốn vào guồng máy khốc liệt của cuộc chiến. Một sáng nọ, sương chưa tan hết, dân chúng ngỡ ngàng khi thấy ở đầu làng lù lù một trại lính. Chỉ huy tên Lành, nổi tiếng là ác ôn khát máu. Nghe nói hắn được điều về từ Tây Ninh, đã từng moi gan cộng sản. Lúc nhỏ, mẹ hắn đặt tên là Lành với mong muốn con mình hiền những hắn tự đổi sang tên Sành, với nghĩa: Sành ăn, sành cờ bạc, sành sỏi chuyện binh đao. Cũng từ đó hắn quên bẵng người mẹ già yếu… Ngay hôm đầu tiên, hắn đã dẫn bọn lính thị sát quanh làng, vừa đe nẹt bà con, vừa bẻ bí bắt gà đem về đồn nhậu nhẹt. Rượu vào lời ra, vui miệng bọn lính kháo nhau: Chỉ huy của hắn tuy ghét cộng sản nhưng lại rất “ưa” chị em.

Tình cờ gặp Nguyệt, tên Lành bị hớp hồn bởi đáy mắt hồ thu, đôi môi e ấp. Biết Nguyệt góa chồng, hắn định giở trò sàm sỡ nhưng lại không dám làm càn. Vì bọn tề ngụy trong làng cho hắn biết “Con nhỏ đó là vợ của cộng sản nòi, rất ương ngạnh”. Bởi thế, hắn đâm ra ngần ngại. Nhưng với bản chất lưu manh, hắn không thể từ bỏ ý định ve vãn và chiếm đoạt người góa phụ ngon mắt như Nguyệt.

Việc gì đến cũng sẽ đến. Hôm đó nhân xóm làng vắng vẻ và mẹ Nguyệt ra đồng, tên Lành mò tới. Nguyệt đang lui cui vo gạo thì hắn bất ngờ xuất hiện từ sau lưng ôm chầm và bế thốc cô vào giường. Hắn dùng sức mạnh xé áo và nhét giẻ vào miệng Nguyệt. Cô vừa giãy dụa vừa bậm gan lấy hết sức đạp mạnh vào hạ bộ của hắn. Quá đau, hắn buông Nguyệt ra. Thừa cơ hội, cô vùng dậy nhảy ra ngoài và luồn thật nhanh qua nhà chú Năm. Hắn tức tối lồng lộn đuổi theo. Vừa lúc đó, chú Năm cũng đi làm về. Nhìn cây rựa sáng loáng trên tay ông già to khỏe, hắn chột dạ và hậm hực bỏ đi.

Khi nghe chuyện chẳng lành, mẹ Nguyệt biết rằng con gái mình sẽ khó sống yên thân. Có lẽ rồi đây sóng gió sẽ ập tới ngôi nhà bé nhỏ này. Tối đó, mẹ mời chú Năm qua bàn chuyện. Cuối cùng, mẹ quệt nước mắt bảo: “Để bé Dung ở nhà với mẹ, đi vào rừng theo anh em thôi con à!”. Chú Năm cũng động viên “Mẹ cháu nói đúng đó. Thằng Lành nó không bỏ qua chuyện này đâu! Trước khi lên trên nhớ qua chú gởi lạt thuốc cho bác Tám và chú viết ít chữ để anh em trên ấy tạo điều kiện giúp đỡ. Ở dưới này, nếu chúng áp bức quá, chú sẽ dẫn hai bà cháu vào phố tản cư”.

Tình thế quá gay go, Nguyệt không thể ở lại. Cô đành gạt nước mắt tạm xa mẹ hiền và đứa con bé bỏng thân yêu. Tưởng đã yên, nhưng chỉ vài tuần sau, Nguyệt nhận được tin dữ từ cơ sở báo lên: Tên Sành độc ác và hèn hạ đã đốt cháy ngôi nhà của mình. Đêm tối, bà cháu bé Dung đang ngủ chạy ra không kịp nên chết cháy… Không nỗi đau nào lớn hơn, Nguyệt lăn lộn khóc than rồi ngất xỉu.

Tỉnh lại sau ba ngày, Nguyệt cảm động khi thấy anh bộ đội và chị hộ lý ngồi bên quạt cho mình. Nhìn Nguyệt hé mở đôi mắt, họ vui mừng khôn xiết:

- Em đã tỉnh lại rồi. Chị đỡ em ngồi dậy uống chút nước nghen!

Nguyệt gật đầu trước cử chỉ ân cần. Cô cố uống hớp nước và thều thào:

- Em cảm ơn! Các đồng chí đâu cả rồi hả chị?

- Họ đào công sự để chuẩn bị chiến đấu. Chỉ còn chị và anh Chinh đây ở lại chăm sóc em và các bệnh binh.

- Vậy là em đã làm phiền anh chị rồi!

- Đã là đồng chí thì phải giúp nhau. Người một nhà cả thôi!

Nguyệt cảm động, hai hàng nước mắt chảy dài.

Nhờ sự săn sóc tận tình và lời khuyên của đồng đội, Nguyệt nguôi ngoai. Sau vài ngày chịu khó ăn uống và tư tưởng đã thông suốt, Nguyệt xin tham gia chiến đấu để trả thù cho người thân. Cấp trên thấy cô còn yếu nên tạm giao nhiệm vụ chị nuôi.

Đó cũng là những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Súng đạn nổ đì đùng, máy bay gầm rú. Từng vạt rừng cháy hừng hực, loang lổ. Mùi đạn, mùi khói khét lẹt. Suốt cả tuần, từ sáng sớm, hàng loạt mũ áo rằn ri của giặc đã nhấp nhô trong màn sương bồng bềnh quanh khu vực Hòn Ông. Chúng bắn loạn xạ vào những nơi nghi ngờ có quân ta mai phục. Một số cơ sở của ta đã bị đánh sập. Bọn giặc huênh hoang ra mặt: “Cộng sản sợ vỡ mật không dám tiếp chiêu”. Kỳ thực, trước sức mạnh của sự hủy diệt điên rồ, quân ta không dám khinh suất nên ém quân rất kỹ. Mặt đất luôn rùng rình thảng thốt từng đợt công kích của giặc. Hơi thở của rừng nồng nặc mùi thuốc súng và chất độc khai hoang nhưng đây đó vẫn bừng lên sức sống kỳ diệu, mãnh liệt của mầm xanh hoa lá. Bên cạnh hố bom, màu vàng đỏ của hoa ổi tàu vẫn rực rỡ. Và kia, cây bằng lăng bên đồi gió vẫn vô tư nở hoa tim tím tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho Nguyệt.

Một buổi sáng, giặc lại đổ quân đột kích căn cứ. Tiếng súng càng lúc càng nổ rát lớn hơn. Lúc đó, Nguyệt đang hái rau rừng bên bờ suối. Rất gần. Cô nấp vào gộp đá lớn, nhướng mắt theo dõi trận đánh ác liệt. Do không quen địa hình, bọn giặc lâm vào thế bị động, lần lượt ăn đạn của quân ta và ngã lăn quay. Đội hình chiến đấu bỗng chuyển hướng. Phía trước tiếng súng thưa dần. Nguyệt bỗng giựt mình, một thằng giặc đang cầm trái lựu đạn rón rén trườn qua gộp đá phía bên phải. Hắn đang hướng về phía anh bộ đội đang loay hoay băng bó lại vết thương bê bết máu. Nhìn kỹ, Nguyệt thấy quen quen. Đúng là thằng Sành gian ác! Máu nóng sục sôi, không chần chừ, Nguyệt nhanh chóng chạy theo hào giao thông đến chỗ anh bộ đội bị thương giật lấy khẩu AK, hướng nòng súng về tên đi giữa, siết cò. Trong chớp mắt, tên giặc giật nẩy người hét lên như bò rống rồi đổ gục xuống. Không biết trước khi về chầu Diêm Vương, hắn có kịp nhận ra người con gái “Trời cho thấy mà chẳng cho ăn”?

Bọn giặc thất bại thảm hại, đám tàn quân chạy thục mạng khỏi cánh rừng. Nguyệt vội vàng tìm lá cây và xé chiếc áo khoác để sơ cứu. May quá, vết thương chỉ ở phần mềm. Cô cố sức dìu anh về trạm quân y. Ánh mắt của Chinh đã tỏ rõ lời biết ơn chân thành. Nhờ sự quả cảm của Nguyệt, Chinh mới được sống sót.

Chinh và Nguyệt thân nhau từ đó. Những ngày nằm điều trị, anh tranh thủ lúc khỏe nhặt rau chẻ củi giúp Nguyệt. Họ có cảm tình với nhau nhưng không dám thổ lộ. Bởi lẽ anh đã có vợ con. Người vợ bị gia đình ép gả cho tên liên gia trưởng từ khi anh ra đi làm cách mạng. Đã hơn bốn năm anh không gặp lại hai đứa con yêu dấu vì hoàn cảnh chiến tranh. Còn Nguyệt cũng đã một đời chồng, dẫu rằng anh ấy hy sinh nhưng kí ức tình yêu làm sao mờ xóa. Chinh biết thế, nhưng chả lẽ tuổi họ còn trẻ lại phải sống trong cô đơn, dằn vặt vì quá khứ? Không thể! Với Nguyệt, anh đã yêu. Hơn nữa mạng sống này là do Nguyệt đem lại. Làm một điều gì đó để bù đắp cho cô ấy cũng là điều đáng suy nghĩ. Chinh muốn mở lời nhưng thật khó. Biết nói gì đây nhỉ?

Sự chờ đợi cũng có giới hạn của nó. Thế rồi, một hôm, Chinh đợi dịp trăng lên. Đúng là trăng mùng mười. Anh hẹn Nguyệt ra đồi sim để tâm sự. Nhận được lời hẹn, Nguyệt rối bời, nửa vui nửa lo lắng và cảm thấy có lỗi với Chiến. Nhưng từ cõi xa thẳm, đôi mắt dịu dàng của Chiến như mách bảo: “Anh luôn tôn trọng mọi quyết định của em!”. Nguyệt yên lòng nhưng vẫn chần chừ… Nghĩ đến tính cách và tấm lòng chân tình lâu nay của Chinh, cô khó lòng từ chối. Tình yêu đã đánh thức trái tim cô đơn của Nguyệt bao nhiêu năm nay. Vả lại, thời chiến, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, gặp người vừa ý rồi mình còn từ chối làm gì. Nghĩ thế, Nguyệt vội vàng đến nơi hẹn. Đêm loang loáng ánh trăng soi lối cho đôi chân Nguyệt thoăn thoắt dù đường dốc gập ghềnh, các gộp đá cứ nhoài mình ra cản lối.

Chinh đã đợi Nguyệt từ lâu. Vừa thấy cô đến, anh mở lời:

- Nàng công chúa nhỏ, em bắt anh đợi đến bao giờ?

Ánh mắt Nguyệt bối rối, lời nói ngập ngừng nhẹ nhàng như gió thoảng:

- Nguyệt… người ta… xin lỗi anh!

Chinh hồn hậu:

- Anh tưởng mình bị cho leo cây. Bây giờ thì tốt rồi. Em hãy chờ anh một lát!

Chinh đến cây bằng lăng, hái một chùm thật to màu tím biếc. Nhìn vào đôi mắt Nguyệt thật lâu, anh cầm tay cô trao chùm hoa. Nguyệt bên hoa thật xinh trông như cô dâu ngày cưới. Cô nhìn anh, ánh mắt nói thay lời. Chinh vòng tay ôm xiết Nguyệt và nói qua hơi thở: “Anh yêu em!”. Suối mắt Nguyệt long lanh màu hạnh phúc. Đôi môi họ tìm nhau ngọt mềm như trái chín đầu mùa.

Trăng huyền diệu. Dòng ánh sáng tuôn chảy vào suối tóc óng mượt và soi rõ vùng ngực trắng muốt tràn đầy trễ xuống từ chiếc áo bà ba màu huyết dụ làm Chinh thêm phấn khích, anh hôn vào suối tóc thì thầm: “Em đẹp lắm!”. Đêm yên tĩnh và lắng sâu. Chỉ có đêm trăng ấy mới biết họ trao nhau những gì.

Do nhiệm vụ công tác, anh đã chuyển đến đơn vị mới. Thi thoảng họ mới liên lạc cho nhau qua bạn bè. Chinh và Nguyệt báo cáo với tổ chức về quan hệ của mình. Tuy vậy chuyện tình của họ cũng đành gác lại vì đất nước đang trong dầu sôi lửa bỏng. Nguyệt có mang rồi vượt cạn một mình. Đến khi bé Hoàng Mi vừa tròn một tuổi Chinh mới về thăm. Không giấu được nỗi niềm thương nhớ, anh hôn con bé: “Con giống anh quá phải không em?”. Nguyệt vui lây: “Con giống cha là nhà có phúc đó”. Trong một ngày anh lưu lại với Nguyệt, họ thật hạnh phúc và hy vọng ngày chiến thắng sẽ là niềm vui đoàn tụ.

Nhưng đời mấy ai ngờ, niềm hy vọng tan thành mây khói. Người vợ trước của Chinh đã dẫn con trai bứt khỏi vòng kiềm kẹp, vào rừng tham gia cách mạng. Tổ chức đưa họ đến gặp Chinh. Khi hay tin, Nguyệt chẳng nói được gì, cô thẫn thờ nhưng cố gượng: Mình chỉ là kẻ đến sau. Lẽ nào lại giành lấy anh từ tay chị ấy? Liên tiếp ba buổi chiều cô lặng lẽ ẵm con ra bờ suối, âu sầu nhìn chiếc lá vàng rơi. Nỗi buồn như lắng đọng. Dòng nước trong veo đã cuốn dần đi thổn thức. Cô tự nhủ: “Đời mình là vầng trăng khuyết. Hãy cố mà nuôi con!”.

Mấy hôm sau, Chinh băng rừng đến gặp Nguyệt. Anh cố lựa lời phân bua giải thích. Cô nuốt nước mắt, gượng cười trong đau khổ: “Anh đừng bận lòng, số em nó thế! Anh yên tâm, em sẽ cố nuôi dạy bé Mi nên người. Anh hãy về đi!”. Không thể nói thêm gì được nữa, Chinh đứng lên. Anh len lén hôn vào mái tóc Nguyệt rồi cúi xuống hôn thật sâu vào đôi má bầu bĩnh của bé Mi: “Ba đi nghen. Rồi ba sẽ trở về với con!”. Nguyệt quay mặt đi, nước mắt giọt ngắn giọt dài, cô không đủ can đảm nhìn cảnh biệt ly.

Thời gian sau, anh tranh thủ nhờ giao liên chuyển đến mẹ con cô lúc thì hộp sữa, lúc thì gói bánh, cân đường. Nguyệt đâu ngờ rằng lần chia tay hôm ấy là lần chia tay cuối cùng. Ngày 1/4/1975, anh hy sinh khi cùng bộ đội địa phương giải phóng quê hương. Khi hay tin, cô không còn nước mắt để khóc nữa! Một cảm giác bàng hoàng xót đau đến tận cùng.

Đất nước sạch bóng quân thù. Nguyệt dẫn con trở lại quê hương, dựng lại túp lều trên đống tro tàn của quá khứ đau thương. Cô lầm lũi nuôi bé Mi ăn học. Nó đã là cô giáo giỏi trên lĩnh vực tin học. Cách đây mấy năm nó lấy chồng, anh chồng vừa giỏi giang vừa siêng năng. Hai vợ chồng xây được ngôi nhà khang trang ở thị trấn và cho ra đời đứa con kháu khỉnh. Đêm nay, chúng đi thăm bạn bè, chỉ còn bà cháu trong ngôi nhà rộng lớn. Cô đơn và trống trải, Nguyệt lấy quyển sổ tay mà Chinh chép thơ tặng dạo họ mới quen. Những dòng thơ dở dang, những nét chữ nắn nót của Chinh gợi dòng thương nhớ vô biên.

Tiếng trở mình của đứa cháu kéo Nguyệt trở về với thực tại. Chị ngước nhìn bầu trời. Vầng trăng khuyết đang êm trôi giữa dòng sông sao. Vầng sáng lung linh trải rộng...

Từ khóa:

Ý kiến của bạn