Pháo hoa - Truyện ngắn của NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Pháo hoa - Truyện ngắn của NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Từng tia lửa xanh, đỏ, tím, vàng bắn lên, bung nở giữa nền trời tạo thành những hình thù đẹp mắt. Mặt cầu sáng choang, người và xe nườm nượp, giăng mắc vào nhau như một dòng nham thạch cuồn cuộn chảy mãi.

Từng tia lửa xanh, đỏ, tím, vàng bắn lên, bung nở giữa nền trời tạo thành những hình thù đẹp mắt. Mặt cầu sáng choang, người và xe nườm nượp, giăng mắc vào nhau như một dòng nham thạch cuồn cuộn chảy mãi. Khánh tách ra khỏi dòng người chen lấn ấy. Cô bé có đôi mắt đen, thăm thẳm, trong suốt đến nao lòng hôm nào lướt qua anh và nhoẻn miệng cười. Khánh đi thẳng đến bờ cát, dựa lưng vào gốc dừa và ngắm cây cầu từ trong bóng tối. Mắt anh đăm đắm theo từng chùm lửa mà vẫn chưa tin rằng ước mơ của anh và của bao đời người dân đảo Dừa đã thành hiện thực. Cây cầu duyên dáng vắt qua sông nối dải cát có hàng dừa xanh mướt với phố thị, tiếc rằng mẹ anh không còn nữa để tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. Bất giác, anh nhận ra mình khóc. Anh quệt vội nước mắt vào tay áo rồi phì cười một mình. Mà sung sướng thật sự ấy chứ. Cầu Ngà là mơ ước của anh, một hình hài anh đã thai nghén từ những ngày còn rất trẻ; cho đến lúc tự tay anh góp một phần trong bản thiết kế tạo nên hình dáng chiếc cầu. Chao ôi! Mơ ước của một thời đầy ắp kỷ niệm, nó gắn liền với một người con gái anh khó có thể quên. Gốc dừa này, anh vẫn cùng nàng ngồi dựa lưng bên nhau trong những đêm vằng vặc sao và tưởng tượng những câu chuyện tuyệt diệu nhất đời. Mấy chục năm trôi qua rồi, người con gái anh hằng yêu dấu đã trở thành một thiếu phụ lam lũ và xộc xạch bên những mẻ cá tanh nồng mùi biển. Có lẽ giờ này, nàng đang lẫn trong đám người đông vui kia cùng chồng và những đứa con trầm trồ theo những quầng pháo hoa rực rỡ. Ừ, chuyện như mới đây thôi mà đã xa dằng dặc. Xa đến nỗi, có lúc anh đối mặt với nàng mà cứ ngỡ mối tình xưa của mình chỉ là câu chuyện cổ tích. Thời gian, chồng và con cái, nàng già nua và tàn tạ thật đáng thương. Anh yêu người con gái ngày xưa, còn người đàn bà bây giờ chỉ làm cho anh xót xa và đau đớn.

mh-080705.jpg

Minh họa: HƯNG DŨNG

Phải hơn 7 giờ tối, không khí mới mát dịu đôi chút. Mùa hè, nắng đổ xuống triền cát rát bỏng như lửa nung. Thi thoảng có đợt gió quẩn lên, bốc cát ném mù trời. Lạ thay nắng gió thế mà da thịt Ngần cứ trắng rờ rỡ. Ngần đi như chạy đến chỗ hẹn, gió thổi khiến tóc Ngần bay bay. Chiếc áo hoa cổ hình lá sen vừa vặn ôm sát tấm lưng tròn lẳn. Lần hò hẹn nào cũng vậy, Khánh cứ cảm giác như lần hò hẹn đầu tiên, hồi hộp, thắc thỏm và ngây ngất. Chàng trai mới lớn, lần đầu biết yêu, nâng niu Ngần như báu vật. Anh ôm choàng lấy Ngần, lâng lâng trong niềm cảm xúc ào ạt xô lên từng đợt như sóng. Ngần gỡ tay Khánh ra, nghịch ngợm chạy ào về mép nước, nơi có những gốc dừa sần sùi, vững chãi. Nàng ngả mái đầu thơm thơm mùi bồ kết vào vai Khánh, mơ màng tận hưởng hơi gió mát rượi từ cửa biển ùa vào. Trăng mười sáu tươi roi rói, in rõ cả hàng dừa xuống mặt sông. Gió đập vào lá dừa tạo thành những âm thanh xành xạch vui tai. Ngần yêu những buổi tối như thế này. Bờ sông chỉ có Ngần và Khánh. Khánh ôm đàn và hát cho Ngần nghe bằng chất giọng mềm và ấm áp. Cha Ngần bảo con trai mà giọng nói mềm như con gái thì chả tin được đâu. Nó lại cứ đi học biền biệt như thế, ra ngoài thủ đô ai biết được nó gặp gỡ những ai. Ngần chỉ tủm tỉm cười. Khánh hiền và yêu Ngần thế, chẳng bao giờ Khánh nỡ làm Ngần buồn đâu.

Mỗi lần chia tay dưới gốc dừa này, Khánh thường nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn của Ngần và mơ màng đến hình ảnh của cây cầu lung linh sắc màu. Lúc ấy sẽ không còn cảnh đò giang cách trở nữa. Ngần dễ khóc lắm. Khánh về thăm Ngần được vài ngày rồi lại đi, lúc nào cũng vồi vội, chưa kịp hết nhớ thì phải xa nhau. Ngần đứng dựa vào thân dừa và nhìn con đò đi xa mãi. Bên tai vẫn còn văng vẳng lời hát của người yêu “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta, đêm trăng sáng, trên cầu anh thổi sáo, đêm trăng sáng, chân cầu em giặt áo. Nhịp cầu nối những bờ vui”. Ngần nhắm nghiền đôi mắt. Bờ bên kia trông rõ mồn một từng đôi trai gái chụm đầu vào nhau trên ghế đá. Ngần ao ước có thể được tiễn Khánh sang tận bên kia sông, hay được cùng Khánh dạo chơi trên những con phố, mà Khánh kể rằng, nó ngào ngạt hương sữa mỗi khi trời vào đông.

Ngần không thể sang sông. Một lần đi học về, thuyền Ngần gặp bão. Con thuyền chòng chành, dềnh lênh, dập xuống rồi lật nhào. Mười mấy con người quờ quạng níu lấy nhau. Ngần được cứu khi cơ thể đã mềm nhũn. Tai nạn ấy đã ám ảnh nàng thường trực. Hễ đặt chân lên thuyền người Ngần cứ nhũn ra, xây xẩm mặt mày.

Ngần có sáu đứa em trai, tất cả đều lười học và đang tập tọng nghề đi biển. Đứa nào cũng học hết cấp một rồi bỏ, chúng ngại cứ phải sang sông, mỗi lần chờ một chuyến đò cứ như là sự tra tấn. Nhà Ngần không có tàu, cha Ngần đi đánh cá chung với cha con ông Triệu. Mấy đứa em Ngần thì loi choi với chiếc thuyền thúng đánh bắt cá dọc bờ kiểu cò con. Ông Triệu có hai người con trai. Anh con trai thứ hai chưa có người yêu, cứ xoắn lấy Ngần mỗi lần Ngần ra đón cha ngoài bến cá. Ngần không có lý do gì để ghét người ta nhưng Ngần đã có Khánh. Cha không thích Khánh. Ông không tin rằng những con chữ của Khánh có thể nuôi nổi Ngần. Ông Triệu là người có vai vế và của cải, ông chẳng nài, chẳng ép chỉ tuyên bố xanh rờn, nếu Ngần chịu lấy con ông, ông sẽ đóng hẳn một con tàu mới cho cha Ngần và lũ em đi biển. Ngần khó chịu với điều kiện ấy. Cha Ngần thì thích mê. Mấy đứa em thì khỏi phải nói. Một nửa trong số bọn nó hè nhau tẩy chay anh Khánh.

Dứt đợt pháo hoa đầu, Ban tổ chức gọi loa tìm Khánh. Khánh vẫn đứng nguyên dưới gốc dừa. Toàn thân anh nặng trĩu. Quá khứ về người con gái đầu đời đè nặng trái tim anh. Nó làm cho niềm vui ngày thông cầu bỗng nhiên nhạt nhòa. Anh trách Ngần biết bao. Giá ngày ấy, Ngần biết chờ đợi hơn chút nữa thì anh đã có nàng. Tình yêu của hai người đẹp thế mà Ngần chẳng có chút cân nhắc nào trước khi dứt bỏ. Nàng mỏng manh như một thứ đồ dễ vỡ, hoàn toàn thụ động trước mọi quyết định của cha. Ông không chào đón sự có mặt của Khánh. Anh về rồi lại đi, lòng luôn thắc thỏm. Dòng sông vẫn lững lờ trôi ra biển, con nước lên rồi lại xuống mỗi sáng chiều.

Ngần là thất bại cay đắng nhất trong đời anh. Mẹ vẫn bảo: “Mi tài, mi giỏi không thua ai, mạ chưa chộ. Chừng mô mi cưới được con Ngần, xây được cầu cho bà con mình đi lại mạ mới tin. Ngày xưa bom đạn khổ sở rứa, chứ hòa bình rồi, bây phải thay đổi đi”. Khánh ôm lấy đầu. Ngày cũ ùa về như những ngọn gió mùa đông bắc thổi buốt mặt.

- Răng chừ con mới về? Có xa xôi chi mà biệt tăm đến mấy tháng trời rứa con?

Mẹ anh gầy nhom nhem, giơ bàn tay gầy guộc nắm lấy khuỷu tay anh lắc lắc, giọng là lạ. Khánh không để ý lắm. Anh đang vui muốn vỡ ngực.

- Mạ! Con xin được việc làm rồi nghe, lại đúng ngành, đúng nghề nữa chứ.

- Rứa à? - Mẹ mừng ứa nước mắt - Tổ cha bây, e vì rứa mà lâu không về chớ chi. Thôi rửa tay đi rồi ăn cơm con.

Mẹ cười móm mém kéo con vào nhà. Khánh đặt va li vào góc giường, nhấp nhổm:

- Mạ chờ con một tý. Con đi đằng này đã.

Khánh chạy vội ra cổng. Mẹ gọi giật giọng:

- Khánh! Mạ nói đã.

Khánh khựng lại, ngạc nhiên:

- Chi đó mạ? Con đi tý thôi rồi con về ngay.

- Mạ nói đã - Mẹ tỏ ra cương quyết và thăm dò - Con định qua con Ngần phải không? Đừng đi nữa con ạ. Không nghĩa lý chi nữa mô.

Khánh nhìn mẹ lạ lẫm. Sao bỗng dưng mẹ lạnh lùng khi nhắc đến Ngần thế nhỉ? Mẹ thích cô ấy lắm kia mà.

- Bên nớ... bên nớ... con Ngần - Mẹ ngập ngừng khổ sở - Ngày ni... hắn ăn hỏi - Mẹ nói nhanh câu cuối như bị hụt hơi.

Không thể như thế được. Khánh trân trân nhìn mẹ. Sao lại là Ngần ăn hỏi? Khánh chạy vụt đi. Đầu óc anh bỗng dưng rối tung. Tại sao lại thế? Nhìn mặt mẹ, chắc chắn mẹ không nói đùa. Nhưng mà mới đây thôi, Ngần còn nồng nàn, đắm say lắm cơ mà. Khánh chạy gấp gáp hơn. Đường từ nhà Khánh sang nhà Ngần phải qua một đồi dương. Dương mọc lúp xúp trên cát. Nắng và gió khiến cây quắt lại, thấp tè nhưng xanh rì màu biển. Chợt Khánh khựng lại. Mình đến đó làm gì nếu đó là sự thật? Anh ôm ngực lảo đảo như người bị trúng tên. Mình đến đó rồi chỉ nhận được sự bẽ bàng thôi. Mọi người sẽ nhìn mình bằng ánh mắt như thế nào đây. Thương hại? Đắc thắng? Hay dửng dưng? Khánh nằm vật ra cát. Nhưng mà phải gặp, gặp lại một lần để xem sự thể thế nào. Anh lê bước về nhà lúc trời đã sập tối. Mẹ vẫn ngồi đợi anh ở bậu cửa với vẻ mặt thảm não. Thấy anh, bà cuống quýt:

- Kìa con! Có... có gặp không?

Con sẽ gặp mạ ạ. Con sẽ gặp. Khánh thầm rên lên. Anh không biết phải nói thế nào với mẹ. Chắc chắn, mẹ cũng đau khổ như anh. Mẹ cũng yêu quý Ngần không kém gì anh. Anh mất mát, mẹ cũng mất mát. Sự mất mát của anh làm mẹ đau, đau như nỗi đau ngày xưa, khi chiếc xuồng nhỏ của ba bị trúng bom ngay bến sông này. Thân xác ba hòa tan vào biển. Ngày giỗ hàng năm, mẹ con Khánh lại sắm lễ chèo ra chỗ ba ra đi mà nhang đèn cúng bái. Hôm ấy, biển xanh ngăn ngắt, mẹ ngồi như hóa đá bên mép biển. Biển vỗ về bàn chân mẹ, vỗ về nỗi đau mất chồng của mẹ. Mẹ còn Khánh. Mẹ phải sống tiếp. Người đàn bà sinh ra trên cát, một mình chèo chống nuôi con bằng nghề bán cá. Mẹ quyết cho con học hành đỗ đạt nên người.

Cuối cùng, Ngần cũng chủ động gặp anh. Người con gái thân yêu của anh run rẩy và giàn dụa nước mắt.

- Tha thứ cho em. Em không sao cưỡng lại được quyết định của cha. Chúng mình hãy quên nhau đi anh ạ!

Khánh rũ rượi bên Ngần. Anh khó có thể tin từ hôm nay nàng đã thuộc về người khác. Anh mất nàng thật rồi.

- Anh ta có gì hơn tôi? Ngần nói đi - Khánh nắm lấy đôi vai mảnh dẻ của Ngần mà lắc rồi tự đấm vào ngực thùm thụp và hét lên, át cả tiếng rì rầm của biển - Anh ta có gì mà khiến Ngần thay lòng đổi dạ nhanh đến thế - mắt Khánh quắc lên dữ dội và uất hận. Ngần ngưng khóc. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh nghẹn ngào.

- Đừng bắt em phải nói. Em xin anh. Như thế này cũng đã khiến em khổ lắm rồi. Anh chỉ cần biết rằng... cha em, các em em... rất cần một sự bảo đảm. 

Không muốn nghe thêm một lời nào nữa. Khánh lao vù xuống nước. Chẳng lẽ Ngần coi trọng những thứ đó đến vậy sao. Nếu chịu khó vài năm nữa, Ngần sẽ có được tất cả mà. Khánh bơi một mạch sang bờ bên kia. Con sông mọi ngày rộng là thế, nhưng hôm nay đối với anh nó chẳng rộng tí nào. Lúc này, với anh, bơi là một sự giải tỏa. Mạ ơi! Đừng tiếc nuối nữa. Người ta không đành lòng làm dâu nhà nghèo đâu. Tội nghiệp mẹ anh. Mẹ đã từng mong anh cưới được người vợ thảo hiền như cô ấy biết bao. Lên đến bờ, Khánh hoàn toàn kiệt sức. Lần đầu tiên và duy nhất trong đời, anh bơi sang sông và mãi đến sau này anh không sao cắt nghĩa được sức mạnh nào giúp anh làm được điều ấy. Khánh lảo đảo bước rồi ngã sấp bên vệ cỏ. Những sợi cỏ nham nhám cọ vào má anh, phả vào mũi anh mùi cỏ tươi nồng, ngai ngái. Lòng anh quặn lên cơn đau không thuộc về thể xác. Ngày xưa, anh từng ví Ngần hiền và ngoan như cỏ.

***

Khánh vừa là người tham gia thiết kế, vừa là người trực tiếp chỉ đạo thi công cầu. Thực ra, không nhất thiết hàng ngày anh phải có mặt trên công trường. Nhưng, như người mẹ bao giờ cũng hạnh phúc khi tự tay chăm bẵm cho con mình khôn lớn, anh muốn nhìn thấy sự đổi thay từng ngày của đứa con, đứa con anh đặt tất cả niềm đam mê và kỳ vọng. Điểm tiếp xúc của cầu gần như chạm ngõ nhà Ngần. Một ngôi nhà khang trang, được bao quanh bởi những bụi xương rồng nở  hoa đỏ chói. Cho đến giờ, Khánh vẫn không quên được cảm giác bàng hoàng lúc gặp lại Ngần. Sau ngần ấy năm, Ngần thay đổi khủng khiếp, nàng còn tự tay chèo đò một cách thuần thục và vững chãi. Trên khuôn mặt sạm đen rắn rỏi, chẳng còn vương một chút gì của ngày xưa. Khánh ứa nước mắt, anh thất vọng và thực sự tiếc nuối cho sự tình cờ này, nó đặt dấu chấm hết cho những mộng tưởng xưa cũ. Ngày xưa, trong giấc mộng về cây cầu của anh, có cả hình ảnh chới với và hốt hoảng của Ngần khi đặt chân xuống nước.

Cây cầu cong cong như mảnh trăng lưỡi liềm đầu tháng. Đêm tối trời, hai dãy đèn cao áp sáng rực làm cho cây cầu nổi bật lên giữa dòng sông đen thẫm. Khánh thầm hãnh diện mỗi khi một mình ngắm nhìn cây cầu mơ ước. Báo chí đưa tin rầm rộ về cây cầu. Bài báo nào cũng nhắc đến tên anh, có bài còn đăng cả ảnh của anh nữa. Nhưng anh vẫn chờ đợi. Cô bé nhỏ nhắn trong buổi họp báo hôm nào gợi cho anh nghĩ đến Ngần. Khuôn mặt cô hình trái xoan và hiền như cỏ, sống mũi nhỏ, thanh tú và đôi môi màu hồng đào chum chúm nghịch ngợm. Hôm ấy, chẳng hiểu anh có nhạy cảm quá hay không, quả thực có nhiều lúc cô bé cứ chiếu thẳng đôi mắt trong veo vào anh mà nhìn không chớp. Ánh mắt ấy làm anh chột dạ. Ngần! Có phải Ngần không?

Người trên cầu đã vãn. Khánh đưa tay nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Anh tìm gói thuốc, bao thuốc rỗng không. Anh ngồi bệt xuống cát. Bỗng nhiên, ý muốn được ngủ ngay trên bãi cát này khiến anh trở nên lười biếng. Anh nằm ườn ra cát ẩm. Mát quá! Chao ôi! Cát quê hương yêu dấu? Cát máu thịt. Cát mịn màng như tấm thảm đỡ lấy lưng anh. Mơ màng được một lúc, tự dưng Khánh có cảm giác nhột nhạt, anh mở choàng mắt:

- Chú là nhân vật chính sao chú lại trốn ra ở đây?

Khánh giật mình, anh ngồi phắt dậy. Anh nhận ra ngay cô bé. Hôm nay, cô bé không mặc trang phục nghiêm chỉnh như hôm nào. Quần Jean, áo pull làm cho cô bé có vẻ khỏe mạnh và phổng phao hơn. Mái tóc ngang vai, đung đưa nhè nhẹ. Khánh thầm nghĩ, nếu cô bé mặc chiếc áo hoa cổ hình cánh sen vào, chắc chắn anh sẽ nhầm đó là Ngần.

- À, chào cháu! Chú muốn yên tĩnh một chút. Vả lại phần quan trọng nhất đã xong rồi. Còn cháu - Khánh nheo mắt nhìn cô bé - sao cháu lại đi một mình? Không sợ sao? Ví dụ như bị bắt cóc chẳng hạn?

Cô bé bật cười lanh lảnh, nghiêng đầu rất điệu:

- Cháu chỉ sợ hà bá thôi. Với lại... nhà cháu kia kìa - Cô bé đưa tay chỉ.

Nhà của Ngần. Người Khánh chao đi. Con gái của Ngần đấy ư? Khánh vỡ lẽ ra điểm giống nhau kỳ lạ giữa hai người con gái. Đột nhiên, anh cảm thấy gần gũi với cô bé lạ lùng.

- Chú Khánh này, chú đang nhĩ đến mẹ cháu phải không? Cô bé hỏi một cách đột ngột.

Khánh hơi bất ngờ. Anh phì cười để khỏa lấp.

- Này cô bé, cô có biết mình đang hỏi gì không đấy?

- Cháu biết chú - Cô bé hạ giọng quả quyết - Mẹ cháu thường kể về chú và đưa ảnh của chú cho cháu xem. Tất nhiên là... ba cháu không biết điều này.

Nói xong, câu cuối cùng, cô bé trở nên dè dặt.

Khánh rơi từ trạng thái này sang trạng thái khác, trạng thái nào cũng đều không rõ rệt, có lúc ngỡ ngàng, có lúc chống chếnh, lúc thì mông lung, hư hư, thực thực.

- Này cô, chú nghĩ cô đang nhầm lẫn đấy. Đấy có phải là cách cô bé khai thác chú không hả? - Khánh làm ra vẻ bề trên vừa khoan dung, lại vừa ra vẻ không mấy bận tâm đến câu chuyện của cô bé.

- Cháu không cần khai thác cũng có thể viết được ối chuyện lý thú về chú - Cô bé láu lỉnh nói - Cháu không viết báo, không lặp lại những điều người khác đã viết. Cháu sẽ viết truyện ngắn về chú và mẹ, dù câu chuyện của hai người không nhằm tuyên truyền cho cây cầu. Tuy nhiên, cháu sẽ cho nhân vật của cháu ở hồi kết có hậu hơn.

Khánh lại thấy cay cay dọc sống mũi. Con gái của Ngần đầy tự tin và bản lĩnh, nó khác xa Ngần. Anh buột miệng hỏi cô bé điều mà anh không dám chắc cô sẽ biết:

- Thế mẹ cháu có kể vì sao mẹ đi lấy chồng không? - Khánh hỏi và cảm thấy tim mình đập chậm lại, hồi hộp đến tội nghiệp.

Cô bé chưa trả lời. Đôi mắt long lanh trong ánh điện nhập nhòa từ cây cầu hắt xuống khẽ chớp. Hồi lâu, cô khẽ khàng:

- Ông ngoại cháu ao ước đến mòn mỏi để có được một con tàu đánh cá của riêng mình. Cả đời ông lao động cật lực mà vẫn phải đi làm thuê làm mướn. Chất độc màu da cam, chú biết rồi đấy, di chứng của nó thật nặng nề. Khối u ác tính trong người ông ngoại làm cho ông hoang mang khi nghĩ rằng, nếu mình chết đi bầy con của mình sẽ làm gì để sống. Ông không ghét chú đâu. Có điều thời gian sống ít ỏi buộc ông phải chọn lựa. Lấy ba cháu tức là mẹ cháu thực hiện ý nguyện của ông. Có như thế khi ra đi ông cháu mới thanh thản - Cô bé ngừng lại, cố tìm một lối diễn đạt ngắn gọn nhất - Mấy chục năm qua, dù không gặp chú nhưng mẹ cháu vẫn luôn dõi theo để biết được chú đang làm gì. Chú đừng giận mẹ cháu nữa. Hồi nghe tin chú lấy vợ, mẹ cháu vừa mừng vừa khóc.

Khánh khuỵu xuống. Anh thực sự chới với. Ngần ơi là Ngần! Anh là thằng vô dụng. Giá mà ngày ấy anh chịu nghe em nói. Anh chẳng giúp gì cho em lại còn oán thán em nữa. Khánh ngước lên nhìn cô bé cầu khẩn:

- Cho chú hỏi câu cuối cùng, mẹ cháu có hạnh phúc không?

Giữa đêm tối lờ mờ, mắt cô bé loang loáng nước:

- Trừ những lúc nghĩ đến chú, còn lúc nào mẹ cháu cũng hạnh phúc. Cha cháu là người cực kỳ tốt.

Cô bé chạy vụt đi. Bất giác, Khánh hốt hoảng lao theo. Anh níu được khuỷu tay cô bé và không hiểu sao anh ôm ghì cô vào lòng. Khoảnh khắc ấy chỉ xảy ra trong vài tích tắc. Hương thơm dìu dịu từ mái tóc cô gái làm anh bừng tỉnh. Anh buông vội cô gái ra, lồng ngực vẫn còn ấm nóng cơ thể mềm mại của người con gái. Cô gái lặng đi, sững sờ nhìn người đàn ông rũ rượi trước mặt một đỗi rồi nhẹ nhàng bước đi. Trái tim thiếu nữ bỗng vỡ òa và ngây ngất với thứ cảm xúc mới mẻ cô khó nắm bắt được.

Nhiều tháng trôi qua sau buổi tối dồn dập những sự việc ấy, Khánh như người ốm dở. Đầu óc anh lúc nào cũng lơ mơ, lẫn lộn lung tung lên cả. Điều mà Khánh khó xử nhất là lúc đối mặt với vợ. Người đàn bà xinh đẹp, trẻ hơn anh hàng chục tuổi, chiều chồng thương con, nàng không lục vấn, không tra khảo, vẫn dịu dàng như tính tình nàng vốn có. Chỉ có đôi mắt thỉnh thoảng cứ khắc khoải nhìn anh. Anh biết ơn vợ đã không ép anh nói ra điều sâu kín này. Nhưng thái độ của nàng làm anh luôn day dứt, khổ sở. Nhiều lần anh định sang gặp Ngần, chỉ là để thăm viếng bình thường thôi, gặp để cho Ngần biết anh thương nàng biết bao, thương cái sự hy sinh tình yêu tội nghiệp của nàng nữa. Chỉ thế thôi rồi anh sẽ lại biền biệt ngay trong lòng quê hương như bấy nay anh vẫn làm thế với nàng. Có điều, bao lần anh rời mép cầu, đặt gót giày lên cát, ý chí trong anh chùng hẳn. Cái ôm riết ấm nóng và đôi mắt cháy bỏng của cô gái đêm nào làm anh ngần ngại. Có thể cô bé trẻ trung kia đã quên một kẻ sắp toan về già như anh, chỉ xem anh là kẻ có tinh thần bất ổn và cô không mấy để tâm. Ý nghĩ ấy cũng không giúp anh dạn dĩ thêm chút nào, bởi có cái gì đó luôn làm anh vừa bâng khuâng vừa xấu hổ. Thế rồi đôi chân cứ đưa anh về gốc dừa quen thuộc, đứng tựa lưng vào đó và đốt thuốc lá hàng giờ.

Lần cuối cùng trong những lần mộng du bất định đó, anh gặp lại cô gái. Dưới gốc dừa, trong ánh trăng ướt đẫm, cô gái đang ngồi bó gối và lặng lẽ khóc. Anh chững lại nhìn cô, nửa muốn lên tiếng, nửa muốn quay về. Tiếng khóc tấm tức của cô gái làm anh nao nao. Nhưng anh đã bỏ chạy, chẳng hiểu sao anh lại làm thế. Chỉ biết rằng, mình không được phép làm bùng cháy thêm ánh mắt bỏng rát hôm nào.

Sông muôn đời vẫn chảy. Cây cầu kiêu hãnh vắt qua sông kiều diễm như một nàng tiên. Hàng dừa vẫn xanh và bầu trời lúc trong lành, lúc đầy bão tố. Lẻ loi bên bến sông, con đò vắng khách lười biếng nằm dài. Thỉnh thoảng, vài con thuyền nhỏ lững lờ trôi xuôi, như một sự lưu luyến những ngày sắp lùi về xa ngái.

NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn