Khu vườn nhà Linh không lớn lắm nhưng trồng đủ các loại hoa. Bảo Thi đi chầm chậm trên lối sỏi. Buổi sáng, ánh nắng ấm áp chiếu vào khoảng vườn, bãi cỏ xanh với những giọt sương sớm trông như một chiếc gương trời màu ngọc bích. Khu vườn trồng nhiều hoa cỏ lạ. Bên cạnh những hồng, lan, cúc quen thuộc còn có dã quì, sứ, dạ lý thủy kiêu sa. Những bụi hoa ổi tàu, cỏ may, trang rừng đỏ vàng sắc thắm cũng về đây tụ hội đung đưa trong gió ẩn hiện nét hoang sơ, kì bí. Cả khu vườn đầy hương sắc.
![]() |
Minh hoạ: HƯNG DŨNG
|
Bảo Thi hái một bông ổi tàu đến ngồi bên ghế đá ngắm nghía trong khi đợi Linh vào báo với ba mẹ là có Thi đến chơi. Hồi hộp và lo lắng, Thi không biết quyết định của họ đối với tình cảm con cái như thế nào. Cô chỉ biết tình yêu anh ấy dành cho mình thật sâu đậm. Còn Thi ư? Trái tim cô vốn yếu đuối mà tình yêu đối với anh thì như sóng lũ tràn về. Dào dạt.
Linh đưa Thi vào chào ba mẹ. Lâu quá không gặp. Họ vẫn thế, lịch thiệp và nghiêm nghị.
Đến trưa, cơm nước xong, Linh xin phép ba mẹ đưa Thi về. Đoạn đường đến nhà Thi mấy chục cây số lắm đèo nhiều dốc. Thế mới biết, cha ông ta ngày xưa cũng vất vả trong đường yêu: “Thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội vạn đèo cũng qua”. Vì còn phải lo công tác nên Linh vội vã quay về. Lúc chia tay, anh hôn Thi nhẹ nhàng bảo:
- Em yêu! Lúc nãy em nghe rồi đó, ba má đã đồng ý chúng ta lấy nhau nhưng với điều kiện em phải chuyển về thành phố nếu không chuyển được thì nghỉ dạy phụ má buôn bán. Anh nghĩ em công tác miền núi sáu năm là quá đủ nên anh sẽ sớm lo thủ tục chuyển trường cho em!
Thi vòng tay quanh cổ người yêu, dịu dàng:
- Có chuyển được không anh? Em không muốn bỏ nghề đâu nha!
- Vì em, anh sẽ cố gắng hết mình. Sẽ nhanh thôi! Linh quả quyết.
Linh đi rồi. Thi bồi hồi nghĩ về những ngày qua. Tình yêu của họ thật thiết tha. Từ thời sinh viên đến lúc ra trường làm việc họ đều nghĩ về nhau. Mẹ Linh chê Thi nghèo mồ côi ở với ngoại, lại là dân xứ núi nên bấy lâu nay ngăn cấm. Mới ngày hôm qua, Linh điện thoại bảo Thi vào vì ba mẹ muốn gặp. Có thể mẹ Linh đã cảm động trước sức mạnh tình yêu của con mình. Và thời gian thật mầu nhiệm đã tạo ra chất keo kết dính tình yêu đích thực. Thi cảm thấy yên tâm và nhẹ nhõm vì cuối cùng anh ấy đã thuyết phục ba mẹ chấp nhận mình. Cô tạm gác chuyện cá nhân để chuyên tâm công việc.
Trở lại với những lo lắng thường nhật, Thi đi đi lại lại trong phòng cố nghĩ cách tháo gỡ tình hình học sinh đọc chưa thông – viết chưa thạo còn nhiều. Biết đổ lỗi cho ai: Giáo viên cấp I chăng? Không thể! Thực tế đã thế rồi thì phải gánh chứ không thể đùn đẩy. Thôi thì phải cố gắng vậy, trách nhiệm chính thuộc về giáo viên dạy Ngữ văn.
Để chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai, Thi đến bên máy vi tính kiểm tra lại giáo án môn Tự chọn. Thật tình, cô thấy thiếu tự tin khi dạy môn này. Bởi vì qua sinh hoạt cụm với trường bạn ai cũng phân vân, liệu môn học này có đạt hiệu quả như mong muốn không? Bởi lẽ giáo viên không có tài liệu của ngành, ai dạy tự soạn. Mỗi tuần hai tiết nhưng không tính cột điểm nên không biết kiểm tra và khuyết khích điểm cho học sinh như thế nào cho hợp lẽ. Mà kể ra cũng lạ, gọi là môn học tự chọn nhưng học sinh không được chọn theo năng khiếu mà là môn học bắt buộc. Thật oái ăm!... Lại một nỗi buồn len nhẹ trong Thi, cô cảm thấy tội nghiệp cho học sinh quê mình. Học đến lớp 8, 9 rồi mà hỏi đến máy vi tính các em ù ù cạc cạc vì hồi giờ đã học về loại này đâu. Quả là thiệt thòi cho chúng, Thi chép miệng, xót xa: Giá như mình có thể…
Đêm dần khuya. Sắp mưa. Lại mưa. Những cơn mưa giao mùa nhẹ nhẹ lất phất như rây bột. Hơi lạnh tràn về. Bốn bề vắng lặng. Thi đóng cửa sổ và tắt bớt ngọn điện rồi chui vào chăn mang theo những trăn trở của người thầy.
Một vạt nắng thủy tinh lướt trên vòm lá xanh mướt, gió lao xao mang theo hương mận, hương ngâu thoang thoảng, dìu dịu. Thi cảm thấy khoan khoái với không khí trong lành, cô tập bài thể dục buổi sáng và chuẩn bị đến trường. Hôm nay có buổi họp chuyên môn.
Chưa đến giờ họp nên văn phòng đang rộn rã tiếng cười của mấy giáo viên trẻ. Đa số họ bàn nhau về cách ăn mặc và mua quà cưới tặng thầy môn Thể dục. Chợt xuất hiện cô giáo Thùy từ miền xuôi đến tăng cường vài tháng. Tuy đã luống tuổi nhưng khá mướt mát. Hôm nay cô đúng là một giai nhân thướt tha trong bộ cánh mới. Đó là chiếc quần nhung ôm đi kèm với chiếc áo khoác lông xù, hai bên vai cô đính những hạt cườm to, dài, trắng, xanh óng ánh: Trên đỉnh ngực trái nổi cuộn lên hình đầu một con chồn to tướng có hai mắt thao láo nhìn người đối diện.
Thường ngày, hiệu trưởng rất để ý đến cô này. Nhân “chiếc áo ấn tượng”, anh buông lời trêu chọc: “Hôm nay Thùy đẹp thật, giống công chúa Mông Cổ quá. Ồ, cho tôi sờ chồn một tí nhé!”.
Hi hi hi! Một loạt tiếng cười của các đức ông.
Trống trường điểm, đã đến giờ họp. Thành viên các tổ chuyên môn tỏa ra các phòng học để họp độc lập. Tổ Ngữ văn, tổ Sử – Địa họp ở tầng 2 nhưng khác phòng.
Chủ trì là tổ trưởng. Cô ta thông báo lịch thi tập trung ở các khối lớp và danh sách giám thị. Sau đó cô yêu cầu các giáo viên báo cáo tình hình rèn cho học sinh đọc thông – viết thạo ở lớp chủ nhiệm. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, việc đó phải gần như làm lại từ đầu. Tuy nhiên khó cũng phải làm.
Tổ trưởng nhìn đồng hồ rồi hỏi: “Có ai ý kiến gì nữa không, nếu không có chúng ta nghỉ”.
Thi đứng lên xin có ý kiến: “Chẳng phải chúng ta đang lúng túng trong việc soạn giáo án môn Tự chọn, vậy tại sao ta không cùng nhau bàn cách tháo gỡ?”.
Tổ trưởng thành thật: “Suốt mấy năm liền, tôi chưa dạy Tự chọn bao giờ nên không có kinh nghiệm. Các cô đã dạy rồi, có kinh nghiệm, hay ta trao đổi với nhau”.
Vài thầy cô khác cũng thật thà không kém: “Chuyên môn phân công thì tui cứ dạy theo chủ đề bám sát, học tới đâu bám tới đó chứ có kinh nghiệm gì đâu!”.
Thúy Hoàng và Tuấn nhấn mạnh mục đích dạy Tự chọn là bổ sung kiến thức. Vì thế dạy làm sao để tránh nhàm chán mới là điều kiện cần, phát huy năng khiếu, kích thích học sinh yêu văn chương, mới là điều kiện đủ”.
Bảo Thi bổ sung: “Ngoài việc rèn bốn kỹ năng: nghe, đọc, nói, viết chúng ta cần xen kẽ một số tiết rèn khả năng tư duy, phát huy năng khiếu diễn xuất, làm thơ, kể chuyện… Sân khấu hóa giờ học tự chọn, tại sao không?”. Rồi Thi trình bày thiết kế giáo án một tiết Tự chọn để đồng nghiệp tham khảo. Nghe xong, các đồng nghiệp gật gù. Tổ trưởng ra chiều tâm đắc:
- Hay đấy, chúng ta sẽ thăm lớp dự giờ tiết dạy tới của cô Bảo Thi, sau đó sẽ rút kinh nghiệm đề ra phương pháp tối ưu để thực hiện cho tốt.
Bảo Thi ý kiến ngay, rất thẳng thắn:
- Theo tôi, ta nên bàn phương pháp trước khi dạy, chứ dạy xong mới bàn thì hỏng. Bởi vì dạy thiếu phương pháp, không nắm bắt tâm lý học sinh dễ rơi vào cảnh “mạnh thầy thầy dạy, mạnh trò trò làm việc riêng”. Như thế thì lợi bất cập hại!
Vừa nói đến đó thì có tiếng của kế toán gõ cửa thông báo:
- Sau giờ họp, các thầy cô qua nhận lương truy xã 135 và giấy đi đường!
Cuối hành lang đã nghe tiếng dép lẹp xẹp của tổ họp xong. Họ vừa đi vừa bàn tán đợt này nhận gần chục triệu sẽ “hạ sơn” sắm đồ.
Rồi có tiếng anh thư viện ngáp dài ngao ngán:
- Ôi, mình chẳng nhận được gì! Ai có nhã ý mời mình ăn chơi một bữa hoành tráng không nhỉ?
Tiếng cô giáo trẻ nào đó kéo dài: “Sẵn sàng mời anh!”.
Tổ trưởng nhìn đồng hồ, còn 15 phút nữa mới hết giờ hành chính nhưng có tổ đã nghỉ rồi nên cô nói:
- Ai có đề xuất gì về phương pháp dạy Tự chọn thì báo cáo bằng văn bản; còn bây giờ chúng ta đi nhận lương truy chứ chậm chạp kế toán nhằn dữ lắm!
Thi hơi thất vọng vì ngay lúc này đây lương tâm và lương tháng không phân biệt rạch ròi. Mọi người ra khỏi phòng họp Thi vẫn ngồi còn tư lự. Lâu lắm. Bỗng có một bàn tay đặt nhẹ lên vai Thi và một giọng trầm ấm quen thuộc của Tuấn:
- Ý kiến Thi hay lắm, anh ủng hộ em. Chúng ta cùng vào cuộc, có được không?
- Được thôi, tối nay đến nhà em chúng ta bàn phương pháp dạy Tự chọn thật hiệu quả!
Bất ngờ có tiếng lanh lảnh như chuông đồng hồ, hình như cô ta cố vặn lớn vô-lim: “Quay lại phía sau đi, sao chỉ có hai người, còn Hoàng “Kì đà” này nữa chi! Tối nay chúng ta cùng thảo luận! Nhân mới nhận mấy triệu lương truy, xin thưa quí thầy cô, tôi có thể hân hạnh mời hai người dùng một bữa bánh xèo không ạ?”.
Cả Thi và Tuấn nheo mắt cười vui:
- Keo kiệt đến thế là cùng!
Đúng hẹn, Tuấn đến. Chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt và chiếc quần jean xanh thẫm làm tăng nét trẻ trung, khỏe mạnh của Tuấn. Có thể nói anh là hình mẫu lý tưởng của phái đẹp. Tuấn về dạy ở địa phương đã ba năm, tuy chung tổ nhưng Thi chưa gặp riêng bao giờ. Còn Hoàng là cô gái thị trấn nhanh nhảu dễ mến. Hoàng, Tuấn đều còn độc thân. Biết có hai bạn đến chơi, Thi loay hoay chẻ củi nấu chè. Thấy vậy, Tuấn giúp cô.
Trăng đã lên cao, ngọn gió lao xao mang theo hương vị hoa đồng cỏ nội. Gió mát thế này Thúy Hoàng ngủ quên chăng? Tuấn và Bảo Thi chờ mãi nên thảo luận trước. Họ nghiêm túc đưa ra những tình huống sư phạm rồi dùng lập luận sắc bén và biện chứng để giải quyết vấn đề. Đặc biệt trong phương pháp dạy Tự chọn là phải sử dụng đồ dùng dạy học và phải làm mẫu để gây ấn tượng tốt, kích thích và phát huy tính tích cực của học sinh…
Lúc này, Hoàng mới đi đến: “Hai bạn thông cảm, mình định đến sớm nhưng phải chờ nghe điện thoại. Má mình biểu ngày mai dù sao cũng phải về coi mắt con ông trọc phú. Trời ơi, có khổ thân tôi không chứ… thật là… Hai bạn làm ơn dạy giùm mình một tiết lớp 8A…!”. Rồi Hoàng tất tả ra về, không để cho người khác kịp nhìn nhận vấn đề.
Vừa lúc đó, điện thoại reo. Tuấn ngại nên xin phép về nhưng Thi ân cần “Ở lại ăn chè đã, trời đang mưa!”. Thi vội đến bàn nghe điện thoại, người gọi đến là Linh:
- Em hả, có tin mừng rồi. Trường X có cô giáo vừa nghỉ hộ sản, trường lại thiếu giáo viên. Anh đã lo xong thủ tục chuyển trường, phải tốn mấy chục…
Thi thảng thốt:
- Trời ơi, sao lại phải lo tiền!
- Em lại thế nữa rồi! – Linh bực mình cúp máy.
Bảo Thi sa sầm nét mặt. Tuấn thấy trong đôi mắt người đồng nghiệp mà bấy lâu mình thầm yêu trộm nhớ ánh lên một nỗi buồn khó tả. Lòng anh gợn lên nỗi xót xa. Nhưng dù sao Thi đã là hoa sắp có chủ nên Tuấn đành tế nhị rút lui:
- Anh phải về soạn bài đây. Nếu có gì cần, Thi cứ gọi, anh lúc nào cũng sẵn lòng giúp em! Hãy tự tin cô bé can đảm!
Thi cảm thấy mình sơ suất đã làm cho Tuấn không vui. Cô định bưng chè mời nhưng Tuấn đã đứng dậy rồi. Thế nên Bảo Thi vội lấy cà mèn múc thật nhiều chè và ấn vào tay Tuấn “Đem về nội trú chút nữa ăn, chè còn nóng lắm đó! Nhớ mời Hoàng cùng ăn! Đừng chê em nấu dở nghen!”.
Thật tình Tuấn không muốn xách chút nào nhưng như thế có thể Thi sẽ buồn hơn.
Thi tiễn chân Tuấn đến cổng, ánh trăng bàng bạc soi lối về của Tuấn. Cô thẫn thờ nhớ lại cuộc gọi ban nãy của Linh, sao anh ấy lại đổi tính như thế, nóng nảy và ngạo mạn. Thật tình Thi rất biết ơn Linh đã lo lắng cho mình nhưng không ngờ anh ấy dùng tiền để làm vật trao đổi. Giá như anh đừng vội!...
Thi trùm kín chăn, cố quên đi hình ảnh Linh. Bỗng điện thoại báo có tin nhắn. Khuya rồi, ai thế nhỉ – Lẽ nào là Linh? Thi choàng dậy bấm máy. Hàng chữ hiện lên thật xúc động:
“Xin lỗi! Anh yêu em!”
Giọt nước mắt hạnh phúc bỗng lăn trên hàng mi Bảo Thi. Vậy là anh ấy đã biết lỗi. Hơn ai hết, Thi hiểu Linh luôn mong muốn trong tình yêu của họ sự mở đầu và kết thúc đều ngọt ngào.
Điện cúp. Bảo Thi thắp nến, ánh sáng dìu dịu không tỏa rộng nhưng lung linh đủ soi tỏ nỗi lòng của cô. Chỉ còn vài tuần nữa Thi sẽ theo chồng tạm biệt mảnh đất này – nơi có một khoảng trời yên ả, một dòng suối nhỏ chở tuổi thơ với đôi bờ vách đá chơ vơ, và đôi cành mai vàng đung đưa nắng sớm cùng đôi tay gầy của ngoại nhóm bếp lửa hồng – ngọn khói lam chiều vương vấn đến nao lòng.
Thi mở tung cửa sổ, nhìn về hướng ngôi trường. Thi thầm cảm ơn thầy cô, đồng nghiệp, học trò đã cho cô những kỉ niệm vui buồn và giúp cô trưởng thành trong nghề nghiệp. Rồi Thi nhớ đến khu vườn thơ mộng bên bờ sông Hạ nơi có chiếc cầu Hùng Vương bắc qua, nối đôi bờ thương nhớ.
Trong giây phút này đây, những hình ảnh thân thương đều hiện lên rõ nét: Quê hương, ngoại, Linh, Tuấn, Hoàng, học trò và khu vườn đầy hoa cỏ lạ. Cảm xúc dâng lên dạt dào, Thi muốn gào thật to “Tôi yêu tất cả!”.