Chị Hai - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Chị Hai - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nhà tới năm anh em. Mẹ bảo, chị Hai giỏi lắm, ngày nhỏ ở nhà “quản lý” mấy đứa em, canh đứa lớn, ẵm đứa nhỏ, đôi hông chai cứng. Nhà nghèo, con đông. Cơm hẩm cháo hiu, thành ra Hai đẹt lét, ẵm em mà chân em cụng tới đất,

Nhà tới năm anh em. Mẹ bảo, chị Hai giỏi lắm, ngày nhỏ ở nhà “quản lý” mấy đứa em, canh đứa lớn, ẵm đứa nhỏ, đôi hông chai cứng. Nhà nghèo, con đông. Cơm hẩm cháo hiu, thành ra Hai đẹt lét, ẵm em mà chân em cụng tới đất, vậy mà vẫn thắt thẻo nách em băng một quãng đồng xa về nhà bà cố chơi, xin cho em mớ ổi chua rồi lóc thóc cõng em về.

Qua tuổi trông em thì tới tuổi trông… bò. Một buổi học một buổi chăn bò, tay trái cầm roi tay phải cầm sách. Chị vẫn luôn là học sinh khá giỏi. Mãn lớp 12, chị đậu Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cả nhà mừng lắm. Xóm tôi ngày đó có được mấy người học cấp 3 đâu, cứ lây lất tới lớp 9 là nghỉ ở nhà làm mướn kiếm ăn. Chị tôi thi đậu, hàng xóm ai cũng trầm trồ, đương nhiên ba mẹ thấy “mát mặt”. Tôi và con Út tíu tít gọi chị Hai là cô giáo, nhà có người làm cô, đương nhiên vui vì chúng bạn mai mốt sẽ nể sợ em cô giáo mà! Nghĩ đến điều đó, tôi và con Út khoái chí cười tít mắt.

Gần đến ngày nhập học vẫn không thấy Hai chuẩn bị gì cả. Tôi ngạc nhiên hỏi, chị trả lời: “Không đi học. Con gái học hành làm gì?!”. Tôi cãi: “Học để làm cô giáo chớ làm gì trời?!”. Chị cười héo hắt: “Đằng nào cũng lấy chồng, ẵm con...”. Ba mẹ hết lời giảng giải, rằng làm nông khổ lắm. Học để mai này sướng cái thân, con gái có cái nghề trong tay cũng dễ sống với lại nhà có cô giáo, ba mẹ cũng nể mày nể mặt với xóm giềng. Chị im lặng nghe, vâng dạ nhưng cuối cùng vẫn không đi học.

Chị cắm đầu làm. Chăm bẵm mấy sào ruộng và tranh thủ nhận bóc vỏ hạt điều tại nhà. Vừa lo kiếm tiền trang trải, vừa trông coi, quán xuyến cửa nhà. Chiều đi làm về, thấy nhà cửa bừa bãi, chị sẽ la chị em tôi ở nhà phá phách, banh xả. Miệng la nhưng tay thì làm tanh tách.

Vào mùa tựu trường, chị mua cho chúng tôi quần áo, sách vở, bút thước…

Ban ngày bươn bả ngoài đồng, tối về Hai quán xuyến việc học của mấy em. Cầm tay con Út nắn nót tập viết từng chữ cái, giảng giải tôi cách làm toán, viết văn. Chị nói với chị em tôi, chị rất hối hận vì lúc đó nông nỗi mà không đi học, các em phải ráng học hành đến nơi đến chốn. Đừng như chị, lở dở hết trơn, làm nông cực lắm, lại thiếu trước hụt sau. Nghe lời chị, tôi và con Út chăm chỉ học hành, cuối cùng hai đứa đều tốt nghiệp đại học, đứa làm cô giáo, đứa làm kế toán.

Hồi tôi học Sư phạm Văn, nhiều thầy cô và chúng bạn khen tôi hành văn trôi chảy và gạn hỏi tôi có học cua không? Thầy nào? Tin không, người thầy đó là… chị Hai tôi đấy. Lúc nhỏ, tôi học Văn rất yếu. Tới tiết trả bài Tập làm văn, đường nào bài tôi cũng sẽ là một điển hình về lỗi chính tả và cách hành văn vụng về, sẽ được đọc và sửa để bạn bè rút kinh nghiệm. Năm lớp 4, sau khi đi họp phụ huynh về, chị Hai lên lịch kèm tôi học Văn. Tối tối, chị bắt tôi đọc sách: “Đọc nhiều sách em sẽ thuộc mặt chữ, khó sai chính tả!”. Khi học văn miêu tả, chị tôi bắt con gà trống bỏ giữa sân và yêu cầu tôi ngồi nhìn ở nhiều góc khác nhau. Chị không quên nhắc tôi so sánh, liên tưởng mỗi khi miêu tả. Nếu tả bác nông dân, chị đưa tôi ra đồng nhìn bác nông dân cày ruộng và tôi sẽ phải hình dung những gì mình thấy, sẽ phác họa lại bằng ngôn ngữ.

Mỗi khi làm bài xong, chị bắt tôi kiểm tra lỗi chính tả nhiều lần. Nếu tôi viết không hay, chị sẽ rất nhẹ nhàng hướng dẫn. Chị cũng cùng học với tôi, mỗi lần tôi viết về đề tài gì thì chị cũng viết, sau đó chị em đổi bài cho nhau để “học hỏi”. Vậy là tôi trở thành một cô nữ sinh giỏi Văn.

Giờ đã hiểu vì sao chị không đi học để làm cô giáo, là chị đã nhường quyền học của mình cho các em đấy. Các em học xong, có việc làm, lần lượt “theo chàng về dinh”, chị vẫn ở vậy. Mẹ tôi hối chị kiếm tấm chồng, có một mụn con để về già có chỗ cậy nhờ. Chị cười cười rồi trả lời cho xong chuyện.

Tôi và bé Út sinh con đầu lòng đều về mẹ lót ổ, mẹ già rồi nên tay chân lóng ngóng, lều khều lại chậm chạp, chị giành làm hết. Bà con hàng xóm ai cũng thương, khen chúng tôi có người chị tốt, lo nuôi đẻ cho hai đứa em. Trong thời gian ở cữ, chị chăm kỹ lắm. Than củi đầy đủ, buồng đẻ lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng. Mấy ngày chị bị lên trái rạ, cần nghỉ ngơi nên việc nhà ứ lại. Tôi vì nằm hóc đã ba tháng rưỡi rồi nên đòi nấu cơm, giặt đồ, chị nhất định không chịu, bảo thời gian ở cữ mà làm sớm, sau này sinh bệnh thì khổ. Cơm thì chị nấu được, đồ đạc thì cất đấy, hết bệnh tính. Chị hết bệnh, ôm một đống đồ cao như ngọn núi, ngồi chà ràn rạt ngoài giếng, thấy mà xót lòng!...

Chị tôi đấy! Bốn mươi tuổi, vẫn là gái… trinh. Tôi cứ cay mắt mỗi khi nghe câu hát “Chị tôi chưa lấy chồng…”.

Tôi có công ăn việc làm ổn định, hàng tháng nhận lương, sinh hoạt thoải mái. Mỗi tối trước khi đi ngủ thì thoa kem dưỡng da. Lần trước về thăm mẹ, thấy chị gầy sọp, đen nhẻm, tôi bèn mua tặng chị một hộp kem dưỡng trắng da, ngày và đêm. Chị không nhận còn la: “Nắng sợ chị chứ chị làm gì mà sợ nắng. Giang nắng cả ngày mà kem phấn nào chịu thấu, mày đem về mà dùng!”. Khó lắm, nhiều khi muốn “giúp đỡ” chị cũng không được. Lúc nào cũng nói, tụi bây lo chồng con mới cực, chị có mình ênh thì khổ chỗ nào. Trước nay, chị chỉ xin tôi những bộ đồ đã lỗi mốt.

***

Tôi lâm trọng bệnh, chín phần chết một phần sống. Bao nhiêu đêm tôi nằm viện cũng là bấy nhiêu đêm chị mất ngủ. Chị đưa con tôi về chăm, thường xuyên ra vào bệnh viện. Tôi ra viện, còn ở nhà nghỉ dưỡng, chồng lo nuôi bệnh nên cảnh nhà khốn khó. Hàng tháng chị đón xe đem gạo lên nhà, có buồng chuối mật già, chị cũng chặt nhét vô bao chở lên cho các cháu.

Vợ chồng chúng tôi là cán bộ công chức, ngoài công việc ở cơ quan, chúng tôi có làm thêm vài sào mía. Vừa rồi, vào mùa thu hoạch, vợ chồng tôi kêu công, chị la, làm nông mà cái gì cũng mướn thì lấy gì ăn, để chị lên phụ. Chúng tôi gật đầu đồng ý, nghĩ chị làm nông quen, sau này kinh tế đỡ đỡ, sẽ bù đắp sau cho chị.

Chặt xong đám mía thì ông mặt trời đã đi ngủ, chúng tôi từ ruộng mía về thì tối mịt, nhá nhem đi. Bỗng “ầm”, chiếc xe vấp ổ gà, ngã xuống một đám mía đã chặt xong đang đốt gốc. Đám tro mới cháy hừng hực dưới chân mình nhưng nghe chồng tôi la to: “Chị ơi! Lại kéo dùm xe em lên, xe kẹt số, chắc cháy xe em quá!”. Chị lao nhanh về phía có tiếng la, phụ kéo chiếc xe máy lên đường. Xong đâu đó rồi thì nghe giọng chị lo lắng: “Tụi em có sao không? Có bị bỏng không?”. “Còn chị?”, tôi hỏi lại, chị cười và bảo mình không sao. Trong bóng tối nhập nhòa của ánh lửa, nhìn dưới chân chị có miếng gì to lắm đang lơ lửng. Tôi hốt hoảng:

- Cái gì lủng lẳng dưới chân kìa, chị ơi?...

- Quần chị bị cháy, kẹo phần ống đó mà!

Ba chị em về nhà, dưới ánh điện, tôi tái mặt khi thấy đó là những miếng da bị bong ra khỏi bàn chân. Đến lúc này thì chị run lên vì đau đớn, chở tới bệnh viện, bác sĩ cho biết, hai lòng bàn chân của chị bỏng nặng. Nguy cơ nhiễm trùng cao vì bết nhiều tro quá.

Trời ơi! Là chị dành đau một mình, tôi nghe đau rát ở ngực. Vừa khóc vừa “hét”: Ai bảo chị cứ sống cho người khác như vậy hả?!”. 

Từ khóa:

Ý kiến của bạn