Chồng nghèo - Chuyện ngắn NGUYỄN VĂN HỌC

Chồng nghèo - Chuyện ngắn NGUYỄN VĂN HỌC

Làm người ai cũng mong cho mình khi ra đời gặp nhiều chuyện may mắn. Đi học thì mong gặp bạn hiền thầy tốt để tấn tới trong chuyện học hành. Ai cũng muốn mình thi đỗ lấy một trường đúng sở thích để sau này thực hiện mơ ước. Đi làm thì muốn có công việc lương cao, nhàn hạ và đúng nghề. Xây dựng gia đình thì cầu lấy được người bạn đời giỏi giang, đẹp hình thức, con nhà giàu… Tôi là đứa con gái chẳng gặp nhiều chuyện không may nhưng cũng chẳng có duyên gặp toàn những may mắn trong đời.

Làm người ai cũng mong cho mình khi ra đời gặp nhiều chuyện may mắn. Đi học thì mong gặp bạn hiền thầy tốt để tấn tới trong chuyện học hành. Ai cũng muốn mình thi đỗ lấy một trường đúng sở thích để sau này thực hiện mơ ước. Đi làm thì muốn có công việc lương cao, nhàn hạ và đúng nghề. Xây dựng gia đình thì cầu lấy được người bạn đời giỏi giang, đẹp hình thức, con nhà giàu… Tôi là đứa con gái chẳng gặp nhiều chuyện không may nhưng cũng chẳng có duyên gặp toàn những may mắn trong đời.

070915-minh-hoa.jpg

Minh họa: HƯNG DŨNG

Ông trời đã cho thời con gái của tôi đến và qua đi một cách bình lặng, suôn sẻ như bao người con gái khác. Nhưng vào cái lúc tôi muốn yên vị với một tấm chồng thì ông trời dường như vô tình “dúi” vào tay tôi một người đàn ông kém may mắn. Hình thức anh không đến nỗi nào, nhưng vì cuộc sống cơ cực và phải luôn chạy theo miếng cơm manh áo trầy trật đã khiến cho thân hình anh trở nên tiều tụy đến tội nghiệp. Nói chung anh là một con người vất vả nhưng nghèo nàn.

Mẹ tôi nhiều đêm tâm sự với con gái khi tôi đi học xa về thăm nhà: “Nhà mình nghèo con ạ, con đi học lấy cái chữ, sau này công ăn việc làm ổn định. Con hãy kiếm lấy người chồng gọi là khá giả một chút cho đỡ khổ. Mà chẳng biết có được thế không nữa… Cha con cả đời nghèo, đến khi chết vẫn mơ chiếc xe đạp Phượng Hoàng mà không đặng”. Mắt mẹ rơm rớm, xa xăm nhìn về tận nơi nào. Tôi lay người mẹ, nhấm nhẳng: “Con sẽ lấy một ông chồng thật giàu trên thành phố, lúc đó vợ chồng con sẽ đón mẹ lên trông nhà cho chúng con. Rồi chăm con cho chúng con nữa”. Mẹ đấm vào vai tôi: “Nói trước bước không qua! Chắc gì mày làm được”. Tôi không muốn mẹ nghĩ ngợi chuyện buồn phiền nên nói cho mẹ vui, cuộc đời nhiều truân chuyên, biết sao mà nói.

Nhà Hùng ở bên kia sông. Nhà tôi và anh muốn sang bên nhau phải chèo đò mà sang. Suốt một quãng sông dài đến mấy chục cây số không có cây cầu nào. Mấy cái bến đò nhỏ heo hút là cầu nối giữa hai bờ. Cũng là do cái duyên cái số, có tránh cũng không được. Tôi vẫn có ý tìm kiếm tấm chồng, sau này có thể lo cho tôi một cuộc sống no đủ, và tôi đã gặp Hùng. Tôi yêu Hùng đơn giản vì anh chân thành quá, hiền lành quá và biết chăm lo cho tôi nữa. Chính điều đó đã làm tôi cảm động mà yêu anh thực lòng. Tôi quên hết những lời mẹ dặn, những ước mơ chồng giàu mà yêu Hùng bằng tất cả tấm lòng của một đứa con gái đa cảm. Hùng chỉ học trung cấp và sau đó anh chọn nghề sửa chữa máy. Tôi đã chấp nhận anh là chấp nhận với cuộc sống nghèo nàn và vất vả. Bởi nhà anh bố mẹ sinh nhiều con gái, vẫn còn nheo nhóc. Quê anh vùng chiêm suốt đời người dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lương anh làm ba cọc ba đồng. Cuộc sống chỉ tằn tiện thôi, điều đó thì ai cũng biết. Tôi nhiều lúc tự an ủi mình: “Giàu có là do hai bàn tay hai vợ chồng biết chăm lo vun lên, chẳng ai nghèo mãi được”. Chút lạc quan ấy cho tôi quyết định lấy Hùng làm chồng khi tôi học xong ra trường và xin được việc ở một công ty tư nhân bé nhỏ.

Về thưa chuyện, mẹ hỏi:

- Gia đình nó thế nào? Có khá giả không? Có ở thành thị không?

Đầu tôi hơi choáng váng. Tôi sợ nói ra mẹ sẽ lại buồn và thất vọng. Cha tôi mất, mình mẹ chăm lo cho ba chị em. Chị gái tôi lấy chồng làng bên, cuộc sống chẳng khấm khá gì. Em trai tôi vẫn đang đi học. Mẹ mong tôi đừng bước lại bước chân của chị, nay đây mai đó buôn bán như con thiêu thân mà cũng chẳng đủ ăn. Tôi nén tiếng thở dài, mãi sau mới nói thật. Đằng nào thì mẹ cũng phải biết.

- Nhà anh ấy ở bên kia sông, nghèo như nhà mình. Cũng có công việc ngoài Hà Nội rồi.

Tưởng mẹ sẽ mắng tôi một trận, tại sao tôi không nghe lời mẹ mà dễ dàng chấp nhận lấy một anh chàng như thế. Nhưng mẹ chỉ thở dài, mắt lại đăm đắm mơ hồ.

- Nó là cái số kiếp rồi. Nhà mình không có duyên với cái sự giàu. Cái nghèo đeo đẳng nhà ta mãi. Ông nội con trước đây cũng là cùng đinh trong làng… Ôi trời! Thế con yêu nó thật lòng chứ?

- Vâng, con yêu anh ấy thật lòng. Chúng con sẽ bảo nhau làm ăn để mẹ khỏi buồn.

- Ừ, thế thì tốt. Các con định bao giờ cưới?

- Cái đó con xin nhờ mẹ, tùy ý mẹ.

Ngày đưa Hùng về nhà, mẹ tôi toàn nói chuyện vui vẻ. Bảo có miếng đất ở đầu làng đấy, cũng đủ để xây một cái quán nhỏ, các con tính ở gần mẹ thì về mở quán sửa chữa. Không thì cứ ở trên Hà Nội hay bên đó, mẹ không cản. Anh Hùng xin vâng. Còn tôi, thấy lòng mình yên ấm đến lạ.

Ngày cưới, không đi đường vòng cho xa mà đi qua sông. Đám đưa dâu cũng đông đủ bạn bè, cười giòn giã. Bến sông chênh chao sóng. Gái trai trêu ghẹo nhau chí chóe, mặt cô nào cũng đỏ hồng. Nhà trai nhờ được gần mười chiếc thuyền đò để chở người. Mấy ông bà đứng tuổi trong làng nhận xét: đám cưới to đấy. Chú rể nhìn tôi tình tứ.

- Rước dâu qua sông anh thấy vui vui. Chúng mình yêu nhau, chưa hề phải qua sông thăm nhau lần nào mà rước dâu qua sông, kỳ quá em nhỉ?

Tôi gật đầu. Anh phó nháy lóe lên một kiểu ảnh lúc tôi không để ý, đang cười tí toét, không biết có bị híp mắt hay không. Sau đó cả đoàn phá lên cười trêu cô dâu chú rể.

Đêm tân hôn ở nhà chồng, nghĩ đến mẹ mà tôi không cầm được nước mắt. Hơn hai mươi năm trồng người, một mụn con là bao đắng cay vất vả. Rồi con thành con chim đủ lông, bay qua sông, hỏi mẹ được nhờ gì ở đứa con gái ấy? Lúc đám rước dâu xuống đò, mẹ đứng lặng nhìn. Tôi thấy rõ mắt mẹ rơm rớm, ngày vui của con không nỡ khóc, mà trong lòng người mẹ, bao giọt lệ đang tuôn chảy. Con biết, thời con gái của con vô tư đã hết từ đây, thay vào đấy là nỗi lo cho tổ ấm gia đình. Mẹ thương con không biết cách đối xử với nhà chồng, chỉ thiệt thân thôi.

*    *   *

Hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ ở khu nhà trọ của các sinh viên. Sáng đi làm tối mới về. Một tháng được hai ngày nghỉ thì bố trí về quê. Bao giờ tôi cũng phải giục anh về thăm quê trước. Hùng sợ đi lại nhiều thì tốn kém. Nhiều hôm về mệt, nấu cơm ăn xong, hai vợ chồng đi nằm sớm để lấy sức mai đi làm. Có hôm Hùng tâm sự:

- Anh tính vợ chồng mình phải làm công việc khác thôi. Công việc này vất vả mà lương thấp quá, lương chỗ em cũng chẳng khá gì…

- Định làm gì hả anh? Tôi hỏi.

- Phải buôn bán. Phi thương bất phú em ạ.

- Vợ chồng mình thì buôn bán cái gì được? Mình có kinh nghiệm gì đâu.

- Anh đang tính. Buôn bán cái gì thì cũng cần phải có vốn. Mà cái khoản này vợ chồng mình chưa có. Bạn bè cũng chẳng trông vào đứa nào mà vay được. Bố mẹ anh còn một đàn con, mẹ em thì đâu có tiền mà vay.

Dịp tết về quê, bạn bè họp lớp. Cái truyền thống này có từ ngày hết cấp ba chúng tôi chia tay nhau, rồi từ đó mỗi năm một lần họp vào ngày mồng ba tết. Năm nay chúng nó báo lại, phải dẫn theo chồng hoặc vợ đến họp cùng nếu ai đã xây dựng gia đình. Tôi định nhân dịp này, xem đứa nào có khả năng để nhờ vả nó giúp đỡ.

Mấy chiếc áo mặc thường ngày của chồng tôi đã cũ, chiếc áo rét cũng bạc sờn. Tôi giục anh khi lĩnh lương cuối năm thì may thêm mấy bộ quần áo mới, may thêm cái áo vét để về ăn tết hay họp lớp, người ta còn nhìn vào… Anh bảo:- Quần áo anh vẫn còn mới, mới lại có chơi bời gì đâu, hai ba ngày tết là lại cắm đầu vào làm lụng rồi.

- Thì anh cũng phải nghĩ cho mình chứ, chẳng có lấy một chiếc áo tử tế. Đi họp lớp với chúng nó, em ngại.

Em ngại cái gì, mình chẳng đi xin chúng nó.

- Nhưng… nhưng em muốn chồng em ăn mặc tử tế. Anh ăn mặc lôi thôi lếch thếch quá em thấy xấu hổ.

Anh nói như gắt lên:

- Khổ quá, em hay nhỉ. Xấu hổ gì mà xấu hổ! Anh không ưa hình thức, cùng lắm là anh không đi nữa. Phải tiết kiệm để ra giêng còn làm việc khác.

Về chuyện này công nhận anh hơi gàn dở, nhưng anh đã không thích thì không thể bắt được anh. Ngược lại với tôi, anh lại muốn tôi ăn mặc tươm tất. Anh bảo: “Không thể để em ăn mặc cũ kỹ quá, anh thì thế nào cũng xong. Vợ người ta được mười thì vợ anh ít nhất cũng phải được năm sáu”. Tôi cười hì hì. Thế thì được rồi. Bao giờ anh cũng nghĩ cho tôi. Anh chăm sóc tôi, lúc nào cũng thể hiện là một người chồng biết quan tâm đến vợ. Nhưng anh lại không chấp nhận sự quan tâm của vợ.

Mẹ cũng ghé vào tai con gái, bảo:

- Chồng con không có bộ quần áo nào mới sao mà trông nó lếch thếch quá?

- Con giục đi sắm mà anh ấy không nghe.

Mẹ mắng:

- Cha bố mày, mày là vợ mà không biết chăm nó. Nó không đi thì mày phải khéo léo mà mua về cho nó mặc, để ăn mặc cũ kỹ quá người ta cười cho.

Sau mẹ dặn thêm, ra giêng phải sắm ngay cho chồng vài bộ. Người vợ tối thiểu phải biết chăm chồng, những điều đơn giản thôi nhưng nó gìn giữ hạnh phúc đấy. Tôi càng thấm thía những lời mẹ dặn trước đây thời tôi con gái. Làm người thật khó, người tốt càng khó. Mẹ trước đây chiều chuộng cha, chưa bao giờ mở miệng cãi lại cha một lời, âm thầm và chịu đựng. Bà nội ngày đó quý mẹ lắm vì mẹ chẳng những là vợ hiền mà còn là dâu thảo. Ngày bé tôi thường bị bà mắng: “Cha mày, không biết sau này có được một phần con mẹ mày không”. Tôi ngúng nguẩy quay lại trêu bà. Có lần bị bà mắng cho một trận. Nhưng bà không giận bao giờ.

Sáng mồng ba bạn tôi đến rủ đi họp. Chúng nó chuyển chỗ họp rồi. Năm nay ở nhà thằng An. Cô bạn lắm mồm, chưa thấy người đã thấy tiếng, huyên thuyên bao chuyện không biết giữ ý giữ tứ là gì, ngay cả lúc có mẹ chồng tôi ở đó nó cũng tung hê mấy cái chuyện trai gái yêu đương của nó lên. Nào là có rất nhiều anh chàng đẹp trai, con nhà khá giả theo đuổi nó, chiều chuộng nó, nhưng nó chưa ưng ai. Thời con gái phải biết hưởng thụ và có quyền lựa chọn, chẳng như tôi sớm chấp nhận yên bề. Mặc dù nhan sắc, nó nói nó không bằng tôi. Tôi bảo:

- Mày kén quá rồi trắng tay chứ chẳng chơi. Đừng quá phung phí tuổi xuân.

Lan dẩu môi lên:

- Mày học được câu nói ấy ở đâu đấy? Tao không bao giờ chịu chấp nhận cảnh nghèo, kiểu gì chồng tao sau này cũng phải đảm bảo cho tao cuộc sống đầy đủ, tao có quyền mơ ước thế.

Mặt tôi bừng nóng. Tôi nhìn sang Hùng rồi nhìn sang Lan, sững sờ. Những lời nói đó có phần xúc phạm đến Hùng, nhưng tôi biết anh đã kìm nén. Giàu sang ai chẳng mơ, nhưng có bao giờ nói trước được điều gì. Giàu sang nhiều khi không song song cùng nhau. Có người được cái nọ thì mất cái kia. Lan nhận ra mình vừa lỡ lời, lặng im không nói nữa.

*   *   *

Lác đác có người đến chuẩn bị từ lúc bảy giờ sáng. Có những người mọi thứ đã được hoàn tất rồi mới đến. Năm nào lớp tôi cũng tổ chức ăn mặn. Một số tiền làm quỹ tương đối lớn được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Thế cho vui, ai có chồng mang chồng, ai có vợ mang vợ, thích thì mang cả con đến. Bạn bè nhất trí với nhau thế. Năm trước thì không sao, nhưng năm nay chúng nó bắt buộc phải mang người bạn đời đến đối với những người đã lập gia đình. Mặc dù thành viên trong lớp có người đi quá xa, hay nước ngoài không về họp được, nhưng những người hiện có mặt lên đến sáu mươi người, gấp rưỡi số thành viên trong lớp, đủ để thấy rằng những người đã lập gia đình ở con số nhiều.

Trong bữa tiệc, bạn bè lâu ngày gặp nhau, trò chuyện ôm đồm. Chiếc rạp tạm thời bắc ở ngoài sân ồn ào và nhộn nhịp.

Những tiếng chúc mừng, tiếng cụng ly, tiếng hô dô dô liên tục vang lên. Những khuôn mặt tái, những khuôn mặt đỏ vì rượu. Cũng có những khuôn mặt chẳng tái chẳng đỏ, không ai nhận ra người đó đã uống rượu. Nhưng hòa chung trong không khí tụ họp tưng bừng là tiếng cười, những câu thăm hỏi, tán dương. Bạn trai có vợ ngồi bên cạnh, bạn gái có chồng nâng niu. Chồng tôi ngồi bên cạnh tôi, vẻ hiền lành đến tội nghiệp và dường như anh không hòa nhập được. Tôi nhận ra anh chỉ cười gượng gạo, nâng ly một cách khiên cưỡng. Dù rất yêu chồng, nhưng thấy chồng người ta phong độ, tươi trẻ, hào hoa, nhìn vào chồng mình mà thấy tủi.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn