Dì Lan - Truyện ngắn NGUYỄN DUY TẨM

Dì Lan - Truyện ngắn NGUYỄN DUY TẨM

Sau ba tháng nằm viện, bác sĩ khuyên nên đưa mẹ tôi về nhà, có món ngon vật lạ gì thì cho mẹ tôi ăn trước khi người nhắm mắt xuôi tay. Tin này chỉ có ba và ông bà nội tôi biết, nhưng qua những tia mắt ái ngại của gia đình, qua những cơn đau thắt ruột, mẹ tôi cũng linh cảm đến cái giây phút buồn thương này.

Sau ba tháng nằm viện, bác sĩ khuyên nên đưa mẹ tôi về nhà, có món ngon vật lạ gì thì cho mẹ tôi ăn trước khi người nhắm mắt xuôi tay. Tin này chỉ có ba và ông bà nội tôi biết, nhưng qua những tia mắt ái ngại của gia đình, qua những cơn đau thắt ruột, mẹ tôi cũng linh cảm đến cái giây phút buồn thương này.

070602-di-lan.jpg
Minh họa: Kim Lan

Có lần mẹ nắm chặt tay tôi thì thào: “Mẹ biết mẹ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mẹ chỉ thương con sớm côi cút. Sau này con nhớ khuyên ba con nên đi bước nữa. Dì Lan rất xứng đáng với ba con và là người yêu thương con chân thành nhất”. Tôi rất ngạc nhiên về lời trăn trối của mẹ và tôi cố gạt ngang: “Mẹ, mẹ đừng nghĩ đến điềm gở ấy nữa có được không! Y học mỗi ngày một tiến bộ, mẹ phải tin tưởng, mẹ phải sống với con”. Mẹ đưa tay vuốt tóc tôi: “Đời người ai tránh khỏi một ngày như thế đâu con. Mẹ chỉ tiếc mẹ ra đi hơi sớm khi con chưa đến tuổi trưởng thành…”. Nói đến đấy, mẹ tôi vừa nghẹn lời vừa đuối sức, hơi thở mẹ ngắn và dồn dập, hai dòng nước mắt của mẹ lăn dài thấm ướt cả tay tôi. Tôi kéo gối bảo mẹ nằm im cho khỏe và phất mạnh chiếc quạt giấy như cố xua đi cái nóng bức mùa hè cùng bao lo âu của mẹ.

Bên ngoài, một buổi chiều lặng lẽ trôi đi. Bản giao hưởng của chú ve sầu dưới tàng vú sữa trầm buồn như khúc nhạc chia ly.

Mới mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên tôi đi ăn kem với một bạn trai. Chúng tôi ngồi hàng giờ bên nhau bên dòng sông Chùa để nói về những ngôi trường đại học lý tưởng, về những chuyến đi xa kỳ thú,về những mơ ước cho tương lai… Thế rồi ba tôi bị tai nạn giao thông. Tất cả số tiền dành dụm cho tôi vào đại học, mẹ đã dốc cả vào việc giải phẫu và thuốc men cho ba tôi. Thế là giấc mộng đại học của tôi tan biến. Người bạn trai của tôi năm ấy đã vào đại học nơi xa, thư từ thưa dần rồi bặt hẳn. Ừ, thà như thế vẫn hơn… Khúc nhạc ve sầu bây giờ trở lại, bâng khuâng, xa vắng. Tôi sẽ chia tay ai đây? Màu chiều tím dần qua kẽ lá, dòng nước sông Chùa vẫn chưa trả lời tôi.

Ba tôi về tự lúc nào. Ông đến lau nhẹ nước mắt cho tôi, bàn tay không còn mềm mại như xưa. “Con cầm tạm hai chục ngàn này đi chợ và mua thêm thuốc men cho mẹ con”. Nhìn chiếc áo ka ki ướt đầm mồ hôi và bong chỉ cầu vai, tôi nói: “Ba thay áo ra để con giặt và khâu lại”. Ba tôi lắc đầu: “Việc này để ba tự lo, con chỉ cần chăm sóc mẹ và ông bà là đủ”.

Nhà tôi có năm người. Ông bà nội chỉ có ba tôi là đứa con độc nhất cũng như ba mẹ tôi chỉ có mình tôi. Cả nhà đều mong cho mẹ tôi sinh thêm một bé trai, nhưng khổ nỗi, mẹ tôi là cây ít quả. Điều này khiến mẹ tôi xa xót trọn đời. Bây giờ mẹ đã lâm bệnh nặng, niềm mơ ước của chúng tôi tan nhanh như bọt bóng.

Bình sinh, ba tôi rất ít bầu bạn. Ngoài giờ đạp xích lô chở khách, ông thui thủi ở nhà chăm sóc cây cảnh. Phong lan là loài hoa được ba tôi ưa chuộng. Có lần mẹ tôi nói lẫy: “Hình như ông thích lan hơn tui thì phải?”, ba chỉ cười cười không nói. Mẹ tôi, ngoài thời gian gánh gánh chè đậu xanh rao bán thì ở nhà chăm sóc chồng con từng miếng ăn, khuy áo. Người bạn thân nhất của mẹ tôi là dì Lan. Dì ít hơn mẹ tôi vài tuổi. Thân hình dì mảnh mai. Đôi mắt dì tròn, sâu và đen lay láy, lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn. Tôi lấy làm lạ là tại sao dì chưa chịu lấy chồng, dù đã gần bốn mươi tuổi. Điều đặc biệt là dì Lan rất thương tôi. Với sạp hàng vải không mấy lớn ở chợ, dì vẫn ưu ái dành cho tôi những món quà đắt giá, từ chiếc đồng hồ đeo tay đến chiếc xe đạp Trung Quốc…

Rồi một ngày không thể tránh khỏi, mẹ tôi qua đời.

Đám tang được ba và ông bà nội tổ chức chu đáo, ba ngày chưa động quan, kèn, trống, kinh kệ… Nhưng tất cả những thứ ấy không làm nguôi ngoai nỗi buồn mất mát. Tôi ôm áo quan mẹ than khóc. Dì Lan đứng bên ai ủi dỗ dành. Ba tôi vốn trầm, nay càng như một cái bóng. Giữa đêm thanh vắng, ba ngồi lặng lẽ nhìn làn khói hương qua hai hàng nước mắt lăn dài. Ông bà nội ái ngại nhìn chúng tôi khe khẽ lắc đầu với tiếng thở dài.

Nhưng đấy là điều để tôi ghét ba và ông bà nội khi chính họ quyết định rước dì Lan về làm mẹ kế tôi sau ngày mẹ qua đời chưa trọn một năm. Nhìn mảnh vải tang còn mới trên ngực áo, tôi bức xúc chạy vào phòng đóng sầm cửa lại, nằm khóc vùi: “Mẹ ơi, những giọt nước mắt của họ ngày nào là dư thừa, giả dối. Đồng ý là ba có thể đi thêm một bước nữa, nhưng sao không đợi đến ngày mãn tang mẹ?”.

Ngày hôm sau dì Lan đến. Tôi lạnh lùng:

- Ba con không có nhà. Dì nên đi về thì hơn.

- Ô kìa, sao con lại nói vậy? Không có ba thì đã có con. Dì muốn đến thăm con có được không?

Tôi bĩu môi:

- Con thì có nghĩa lý gì. Thôi dì đừng có giả nhân giả nghĩa - Chỉ vào chiếc xe đạp Trung Quốc, lột chiếc đồng hồ đeo tay, tôi tiếp - Còn những tặng vật này, con xin trả lại hết cho dì.

Dì Lan ngơ ngẩn:

- Kìa Huệ, dì đã làm gì con để con nặng lời với dì như thế?

- Làm gì thì tự dì biết.

Tôi bỏ vào trong với cái nhìn rực lửa…

*    *    *

Những ngày kế tiếp, tôi không ăn cơm chung với gia đình, lội bộ đi học dù trường rất xa. Tôi tưởng với thái độ ấy, ba tôi sẽ nhượng bộ. Nhưng không họ vẫn quyết định cưới nhau. Thấy cả nhà lo mua sắm lễ lạt, tôi vùng vằng đập phá lung tung, đập cả những chậu lan quý của ba tôi.

Vào đêm trước ngày cưới của ba, tôi lén ra khỏi nhà. Thấy tôi, Nga bạn tôi ngạc nhiên:

- Chèng ơi, khuya rồi còn tìm tao có việc gì? Sao mặt mày bơ phờ vậy?

- Thôi mày đừng hỏi nhiều, lập tức thay đồ rồi ra phố với tao.

- Lại muốn mua quà cưới tặng ba mày chứ gì?

- Quà cưới cái con khỉ… Đã bảo mặc đồ vào đi dạo với tao, có nghe không?

Nga xịu mặt vào trong… Kể ra tôi thật ngang bướng. Nhưng tôi có muốn ăn gan trời, nó cũng chiều theo. Đến ngã tư, tôi rẽ vào một quán cà phê. Nga trố mắt nhìn tôi:

- Bộ mày có hâm không mà vào giờ này còn muốn nốc cái thứ mất ngủ kia? Tao không biết, tao chỉ uống nước ngọt thôi đó nghen.

Ngồi yên vị vào bàn, tôi tự động gọi một ly chanh rum và một ly rum sếch. Nga buột miệng:

- Cái con điên này, tao hết hiểu nổi mày rồi.

Tôi chau mày:

- Ừ, rồi mày sẽ hiểu.

Nói xong, tôi uống đến hơn nửa ly. Chất men mạnh thấm nhanh, nhất là với người chưa quen dùng rượu như tôi. Thế rồi tôi trút hết bao ý nghĩ, bao tức tối… Nào ba tôi là người thiếu thuỷ chung, nào “bà” Lan là kẻ bạc nghĩa… Vừa nói, tôi vừa ngụm những hớp cay đắng nuốt vào lòng. Nga dằn tay tôi lại. Tôi gạt Nga, lè nhè:

- Tao cần say mày ạ. Say để mà quên mày hiểu chưa? Tao muốn chết hoặc ra khỏi cái nhà mà “bà” Lan sẽ thay chỗ của mẹ tao… Thế rồi, tôi chợt khóc, chợt cười… Nga dìu tôi ra khỏi quán với những bước chân chao đảo.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm tại nhà tự lúc nào. Quanh tôi là ông bà nội và ba đang lo lắng nhìn tôi. Bên ngoài, mặt trời đã lên cao. Bà đến bên giường vuốt tóc tôi:

- Cháu đã thức rồi phải không? Đi đánh răng rửa mặt rồi ông bà sẽ nói chuyện này với cháu.

“Lại chuyện đám cưới của ba tôi và dì Lan chứ gì, cũ rích!” Tôi bực bội nghĩ thế, vùng vằng đứng dậy ra sau. Dòng nước mát khiến tôi cảm thấy thư giãn hơn. Khi vào nhà, bữa ăn sáng thịnh soạn đã được dọn sẵn, tôi hỏi kháy:

- Không phải những thứ này dành để dọn tiệc cưới sao nội?

- Dẹp, dẹp hết rồi. Không có đám cưới đám kiết nào ráo. Nếu cháu không đồng tình thì thôi. Đợi mãn tang mẹ cháu rồi hẵng hay.

Bữa ăn thật căng thẳng. Ông tôi đằng hắng mấy lần mới nói được:

- Ông bà có một chuyện bí mật mà từ lâu ông bà muốn nói với cháu…

- Lại chuyện nên sớm lấy vợ cho ba cháu để có người đỡ đần công việc nhà cho cháu, để ông bà nội sớm có cháu nhỏ để bồng, để cháu thuận tiện đi học…. Có phải thế không nội?

- Ừ, thì cũng là một phần, nhưng không phải là việc chính như cháu tưởng – Ông tôi ôn tồn.

- Chứ còn việc gì nữa vậy nội?

- À, mà thôi… Để bà cháu nói với cháu sẽ dễ dàng hơn.

Bà nội nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Cháu có tin dì Lan mới chính là mẹ ruột của cháu hay không?

- Bà nội nói sao? Dì Lan là mẹ ruột của cháu? Còn mẹ đã mất là gì của cháu? Cháu không tin, cháu không tin ai hết.

Tôi bỏ đũa chạy vào phòng mình với một cơn sốc khủng khiếp. Tôi úp mặt vào gối khóc nức nở. Bà nội đến ngồi bên tôi:

- Đúng như vậy cháu à. Trước khi ba mẹ cháu lấy nhau thì ba cháu và dì Lan đã yêu nhau. Kết quả của mối tình ấy là sự chào đời của cháu. Nhưng ông bà nội nhất định không chịu cưới dì  Lan cho ba cháu bởi hai gia đình không môn đăng hộ đối… Ông bà nội gây áp lực, buộc dì Lan phải “buông tha” ba cháu và đưa một số tiền để dì Lan nuôi con. Tự ái, dì Lan chẳng những không lấy tiền mà còn lánh luôn cả ba cháu. Sau ba năm, ba cháu lấy vợ, mới biết mẹ cháu vô sinh. Dì Lan  đang gặp cảnh túng thiếu lại bị gia đình ruồng rẫy, nên đem con giao lại cho ba mẹ cháu nuôi lúc cháu chưa biết gì, với điều kiện cả nhà phải giấu kỹ bí mật mà bà vừa nói.

- Vậy tại sao ông bà không nói ngay điều này với cháu khi mẹ cháu mất?

- Ông bà sợ tủi cho vong linh mẹ cháu…

Đúng lúc ấy dì Lan đến. Tôi vùng dậy ôm choàng lấy dì và gọi: “Mẹ ơi!”.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn