Thương hiệu cho du lịch xứ Nẫu

Thương hiệu cho du lịch xứ Nẫu

Những người làm du lịch ở Phú Yên vẫn đau đáu một nỗi niềm: Làm gì để thương hiệu du lịch Phú Yên được khẳng định? Nhiều ý tưởng làm du lịch được khơi dậy cho năm Quý Tỵ, trong đó tựu trung lại vẫn là khai thác một cách khoa học tài nguyên biển, đảo và sự độc đáo của nguồn tài nguyên văn hóa đậm đà xứ Nẫu.

Những người làm du lịch ở Phú Yên vẫn đau đáu một nỗi niềm: Làm gì để thương hiệu du lịch Phú Yên được khẳng định? Nhiều ý tưởng làm du lịch được khơi dậy cho năm Quý Tỵ, trong đó tựu trung lại vẫn là khai thác một cách khoa học tài nguyên biển, đảo và sự độc đáo của nguồn tài nguyên văn hóa đậm đà xứ Nẫu.

hoi-thao1.jpg

Các chuyên gia đều nhận định: “Du lịch Phú Yên muốn phát triển phải xây dựng cho mình được thương hiệu, hay nói cách khác là tạo nét đặc trưng độc đáo” - Ảnh: T.QUỚI

HOANG SƠ BIỂN, ÐẢO

Nói đến tiềm năng du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung không thể không nhắc đến tài nguyên thiên nhiên biển, đảo. Biển xanh, cát trắng, nắng vàng, hoang đảo... mà Phú Yên đang sở hữu, không phải địa phương nào trong nước cũng có được nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú này. Theo các chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch, bờ biển Phú Yên đẹp và có cấu trúc khá đặc biệt so với các tỉnh ven biển miền Trung. Các bãi tắm ở đây có sự kết hợp giữa núi non và biển cả, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Những bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển trong xanh và lặn sóng là nơi lý tưởng cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Trong quần thể đó còn có hệ thống, đảo, gành, đầm, vịnh cũng phong phú và mang nhiều giá trị phát triển du lịch. Điển hình là vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa (danh thắng cấp quốc gia), hòn Chùa, Lao Mái Nhà...

Nhưng trong muôn vàn những vẻ đẹp thiên nhiên ấy, chọn điểm đặc trưng để phát triển thành thương hiệu du lịch Phú Yên lại là chuyện không dễ. Tại Hội thảo quốc tế “Giải pháp đột phá phát triển du lịch các tỉnh miền Trung”, tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nêu vấn đề: “Các tỉnh miền Trung đều có tài nguyên biển đảo đa dạng, phong phú và là điểm mạnh. Thế nhưng tỉnh nào cũng có biển, đảo dẫn đến sản phẩm du lịch của các tỉnh cũng na ná nhau. Riêng yếu tố này lại là điểm yếu”. Làm thế nào để phá thế trùng lặp, tạo hình ảnh đặc trưng, từng bước xây dựng thương hiệu cho một địa phương là nhiệm vụ trước mắt lẫn lâu dài của cơ quan chức năng và những người làm du lịch. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Những điểm mạnh về điều kiện tự nhiên đã rõ. Vấn đề bây giờ là tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng cụ thể. Đơn cử như bãi biển hòn Chùa, ngay trước mặt Khu du lịch Sao Việt, chỉ cần có cơ chế, nhà đầu tư mạnh dạn, có những ý tưởng sáng tạo thì sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo khiến du khách phải “xuýt xoa”, nhớ mãi thì đó chính là “thương hiệu”.

baixep.jpg

Hoang sơ Bãi Xép (An Chấn, Tuy An) khiến du khách quốc tế rất thích thú - Ảnh: M.KÝ

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) lại cho rằng: “Xu hướng du lịch hiện đại là tìm đến những vùng đất mới hoang sơ, hòa mình, trải nghiệm cùng thiên nhiên. Đối với các địa phương lâu nay du lịch chưa phát triển thì đây chính là lợi thế. Vấn đề là khai thác yếu tố “hoang sơ” ấy phải khoa học và thân thiện với môi trường”.

KHƠI NGUỒN CHIỀU SÂU VĂN HÓA

Một tài nguyên vô cùng quý giá khác để phát triển du lịch chính là văn hóa. Phú Yên sở hữu “dày đặc” các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Trong đó, có cả những hiện vật văn hóa là “báu vật của quốc gia” như bộ đàn đá, kèn đá Tuy An có niên đại trên 2.500 năm. Đến nay, theo kết quả nghiên cứu và khẳng định của các nhà khoa học thì bộ đàn đá Tuy An là bộ đàn có kết cấu khoa học và hoàn chỉnh nhất về thang âm, điệu thức; còn cặp kèn đá là loại nhạc khí cụ độc nhất vô nhị ở Việt Nam và thế giới. Về nét trầm tích văn hóa đá ở Phú Yên cũng mang một chiều sâu và sự độc đáo. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Phú Yên, người có công trình nghiên cứu về “Di sản văn hóa đá Phú Yên”, khẳng định: “Đá gắn liền với đời sống người Phú Yên từ lúc sinh ra, lớn lên và cả khi chết đi”. Khách du lịch đến Phú Yên có thể thực hiện một tour chuyên đề về đá: Lên núi Đá Bia, xuống gành Đá Đĩa, vãng chùa Đá Trắng và về bảo tàng nghe, xem biểu diễn đàn đá, kèn đá!

bai-tram-1.jpg

Một góc Bãi Tràm (TX Sông Cầu) - Ảnh: M.KÝ

Bên cạnh đó, hệ thống văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh... cũng là một dạng tài nguyên hết sức phong phú có thể phát triển du lịch. Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho hay: Ngoài thế mạnh là biển, đảo, Phú Yên sở hữu hệ thống di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) rất phong phú. Ngành du lịch xác định đây là một dạng tài nguyên có khả năng khai thác du lịch tốt nếu được đầu tư đúng mức. Trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch thì loại hình sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa như: Du lịch tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, lễ hội, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, du lịch cộng đồng, làng nghề, ẩm thực... được xem là nhóm sản phẩm quan trọng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cho biết: Phú Yên đã xây dựng được quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, trong đó cũng xác định cần đầu tư, bảo vệ và khai thác một cách hợp lý khoa học tài nguyên thiên nhiên và khơi dậy các lớp trầm tích văn hóa. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, khẳng định thương hiệu riêng. Đây là một trong những nhiệm vụ bức thiết trước mắt và lâu dài để đưa du lịch Phú Yên phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

TRẦN QUỚI

Từ khóa:

Ý kiến của bạn