Những năm qua, nhiều hộ dân phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) thoát nghèo nhờ trồng cây diệp hạ châu (người dân còn gọi là cây chó đẻ). Một số người trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh cũng nhờ trồng loại cây này…
Nông dân Châu Văn Đồng (giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng cây diệp hạ châu với cán bộ Hội Nông dân phường Phú Thạnh - Ảnh: T.HIẾU
Theo Hội Nông dân phường Phú Thạnh, cây diệp hạ châu được trồng ở địa phương từ năm 2004. Nhờ trồng cây này mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Ông Châu Văn Đồng ở khu phố 3, cho biết: “Gần 10 năm trước, nhà tôi có 8 sào đất chuyên trồng hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh, giá cả không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn, nhất là khi các con vào tuổi ăn học. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung đóng tại xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) đặt vấn đề với gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở đây chuyển đổi sang trồng cây diệp hạ châu. Theo đó, trung tâm đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, sau khi thu hoạch sẽ bao tiêu sản phẩm. Nhận thấy những điều kiện thuận lợi khi trồng loại cây này, gia đình tôi cùng 9 hộ khác đã tham gia trồng cây diệp hạ châu từ đó. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, chúng tôi thấy lợi nhuận từ trồng cây này cao gấp 3 lần so với làm lúa, trong khi đó lại không sợ bị tư thương ép giá hay nhũng hàng như trồng lúa. Do vậy, tôi quyết định chuyển đổi tất cả 8 sào đất của gia đình sang trồng cây diệp hạ châu”.
Theo ông Đồng, bình quân mỗi năm ông thu nhập gần 100 triệu đồng từ trồng cây dược liệu này. Nhờ đó, gia đình ông Đồng đã thoát nghèo, có tiền nuôi 3 người con học đại học. Hiện một đứa ra trường đi dạy, hai đứa đang học đại học. Không chỉ thế, ông còn được tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Còn ông Võ Ngọc Tâm cùng ở khu phố 3, cho biết: “Nhà tôi có 5 sào đất trồng hoa màu cũng chuyển sang trồng cây diệp hạ châu. Nhờ đó mà kinh tế gia đình ổn định hơn trước nhiều”.
Theo các hộ dân, so với các loại khác, cây diệp hạ châu dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh và lớn rất nhanh, chi phí lại thấp. Bình quân trồng 1 sào (500m2) diệp hạ châu chỉ tốn khoảng 1kg hạt giống. Thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 35-45 ngày; vì vậy, mỗi năm có thể sản xuất được khoảng 7-9 vụ. Ông Võ Ngọc Tâm, chia sẻ: “Để cây phát triển tốt, cho năng suất cao, sau khi thu hoạch xong phải cày đất lên rồi tiếp tục làm luống, vừa tạo độ xốp cho đất, vừa dễ chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… Thực hiện tốt các công đoạn trên, mỗi sào sẽ thu được 1 tấn/vụ, còn trồng đất cũ gieo hạt thì sản lượng luôn thấp hơn, khoảng 700-800 kg/sào. Nếu tính giá thị trường hiện nay 4.000 đồng/kg thì mỗi sào được 4 triệu đồng/vụ”.
Đến nay, phường Phú Thạnh có khoảng 40 hộ tham gia trồng cây diệp hạ châu. Ông Võ Tấn Ánh, một nông dân khác cũng tham gia trồng cây diệp hạ châu ở đây, cho biết: “Vụ chính của cây diệp hạ châu trồng từ tháng giêng đến hết tháng 8 âm lịch, năm nào thời tiết thuận lợi, Trung tâm khuyến khích trồng thêm 1-2 vụ nữa. Tuy nhiên để tạo độ xốp và cải thiện đất, năm nay tôi không trồng trái vụ mà chuyển sang trồng hoa lay ơn. Sau khi thu hoạch hoa thì xuống giống trồng chính vụ, cây sẽ phát triển tốt”.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng cây, chăm sóc; đồng thời mở rộng đầu tư cho nông dân ở các xã Hòa An (Phú Hòa), Hòa Bình 1 (Tây Hòa) trồng loại cây dược liệu này”. Còn Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thạnh Lê Minh Hổ cho biết, Hội Nông dân phường đang khảo sát và nếu trung tâm tiếp tục ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm thì hội sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng đối với những loại đất trồng hoa màu không đạt hiệu quả. Được như vậy chắc chắn đời sống người dân sẽ cải thiện hơn rất nhiều.
NGUYỄN CHƯƠNG