Để heo lại tiếp tục nuôi thì sợ bị lây bệnh, điều trị tốn kém, nhưng kêu bán trong lúc này thì lại bị thương buôn ép giá. Người nuôi heo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Người chăn nuôi heo giảm đàn để phòng chống dịch tai xanh đang xảy ra - Ảnh: T.HƯƠNG
GIẢM ĐÀN NÉ BỆNH
Hơn nửa tháng qua, khi một số đàn heo ở huyện Đông Hòa phát bệnh tai xanh, vì sợ bệnh lây lan, tốn tiền điều trị… nên nhiều hộ chăn nuôi chọn cách giảm đàn. Bà Nguyễn Thị Độ ở thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) cho hay: Đàn heo 30 con của nhà tôi chỉ mới có 1 con nái bị bệnh nhưng tôi cũng bán hết cả đàn, để lại lây lan ra thì càng khổ. Theo ông Nguyễn Mân, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), khi hay tin trên địa bàn có heo bệnh tai xanh, nhiều hộ nuôi đã vội vàng bán đổ, bán tháo đàn heo.
Các hộ này thường xuất heo vào ban đêm nên ngành chức năng rất khó kiểm soát, đến khi phát hiện thì việc đã rồi.
Ngoài việc bán tháo heo bệnh, hiện nhiều hộ nuôi heo vẫn quyết định giảm đàn mặc dù heo đang khỏe mạnh..
Hiện nhiều hộ nuôi heo ở huyện Phú Hòa, Tuy An cũng đang giảm đàn mạnh. Bà Đoàn Thị Thành ở xã An Mỹ (Tuy An) cho biết: Thấy nhiều hộ nuôi heo trong vùng bán heo, nhà tôi cũng bán bớt đi một số, tuy nhiên giá bán lại rất thấp, chỉ 28.000 đồng/kg. Theo ông Phạm Nhường, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Trị, hơn nửa tháng qua, khi bệnh heo tai xanh bùng phát ở huyện Đông Hòa, các hộ nuôi heo ở địa phương đã giảm đàn rất mạnh, nhiều con heo có trọng lượng chỉ từ 50kg-70kg bà con cũng bán đi, mặc dù chịu lỗ không ít.
Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Khi xảy ra bệnh tai xanh ở đàn heo, chúng tôi khuyến khích người chăn nuôi giảm đàn để hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên chỉ giảm đàn đối với những đàn heo khỏe mạnh. Số heo bệnh phải được bao vây, chữa trị theo phát đồ, nếu không tiến triển sẽ tổ chức tiêu hủy và hỗ trợ cho người nuôi theo quy định.
THƯƠNG LÁI ÉP GIÁ
Trước việc người chăn nuôi giảm đàn để chống bệnh tai xanh thì các thương buôn, nhà lò (lò mổ tư nhân) lại tranh thủ ép giá. Bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) cho biết: Khi đàn heo của nhà tôi phát bệnh điều trị hai ngày không thấy khỏe, tôi đã xuất bán 15 con có trọng lượng từ 50-60kg/con. Nhưng khi thương lái đến mua lại không cân ký mà mua xô mỗi con với giá từ 500.000-700.000 đồng, biết là bị ép nhưng cũng đành chịu.
Không những thế, các thương lái còn đưa ra đủ lý do để ép giá heo thịt. Trại heo giống của Võ Hoài Văn ở xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) có 100 con heo nái và 700 con heo thịt đang thời điểm xuất chuồng. Vì ảnh hưởng bởi thông tin bệnh tai xanh nên giá heo hơi đã giảm từ 40.000 đồng/kg xuống còn 30.000 đồng/kg, bình quân mỗi con heo thịt xuất chuồng của trại này mất khoảng 1 triệu đồng so với lúc trước (chưa có bệnh tai xanh). Ngoài ra, các hộ chăn nuôi heo cũng không tăng, tái đàn nên lượng heo giống sản xuất của trại cũng không tiêu thụ được.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thị trường phân phối và tiêu thụ thịt heo đang phụ thuộc vào thương lái. Trước tình hình dịch bệnh đang xảy ra, các thương buôn này tranh thủ ép giá để kiếm lời và đối tượng phải chịu thiệt thòi chính là các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng.
TUYẾT HƯƠNG