Cây cao su đã khẳng định vị thế trên vùng đất Sông Hinh, và để tận dụng tối đa tài nguyên đất, nhiều hộ đã trồng xen loại cây này vào vườn cà phê. Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân huyện Sông Hinh trồng xen cây cao su trong vườn cà phê, dần dần cây cao su sẽ thay thế cây cà phê - Ảnh: V.THÙY
Thực tế cho thấy lợi nhuận từ cây cà phê không thực sự rõ nét, do năng suất cây trồng năm được năm mất, giá cả bấp bênh. Đất trồng cà phê thường là đất đỏ, màu mỡ… nên không để lãng phí tài nguyên đất đai, nhiều người đã tìm hướng đi mới bằng cách chuyển đổi cây trồng hợp lý, trong đó phần lớn được chọn là chuyển sang trồng cao su. Ông Phan Xuân Hồng ở thị trấn Hai Riêng có hơn 1ha cà phê chè, năm 2005 ông Hồng quyết định trồng xen cây cao su với cây cà phê. Mục đích lúc đầu trồng để lấy bóng mát nên quy cách cũng có sự thay đổi. Bình thường trồng cao su hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m, còn ông Hồng trồng hàng cách hàng 8m, cây cách cây 3m. Đến nay 1ha cao su với khoảng 400 cây mỗi lần cạo mủ cho năng suất khoảng 40kg mủ đông, với giá bán 16.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trung bình 8 triệu đồng/tháng. Theo ông Hồng, nếu thực hiện đúng quy trình, chăm sóc kỹ, cây cao su sẽ có tác dụng hỗ trợ cho cây cà phê khi gặp nắng hạn, thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, thời điểm cây cao su rụng lá nghỉ đông cũng là lúc cây cà phê có nhu cầu cao về quang hợp. Hạn chế của mô hình xen ghép này là thời gian thu hoạch cà phê kéo dài hơn do quả chín không đều; việc bón phân cũng như phòng trừ nấm hồng, rệp sáp yêu cầu khắt khe hơn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hạnh ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng cho biết, với hơn 1ha cà phê 5 năm tuổi của mình, ông cũng trồng xen cao su nhưng với mật độ thưa, hàng cách hàng 12m, cây cách cây 3m. Theo ông Hạnh, trồng như vậy lượng mủ mỗi cây cao su cho nhiều hơn, trong khi đó vẫn đảm bảo năng suất cà phê, quan trọng hơn là hạn chế được rủi ro sau này.
Việc đưa cây cao su xen với cà phê diễn ra phổ biến ở các xã có diện tích cà phê lớn trên địa bàn huyện, như: Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar… Ông Phan Công Quyền, Trưởng thôn Chứ Sai, xã Ea Trol cho biết, trong 300ha cà phê của thôn đã có gần 90% diện tích được người dân trồng xen cao su, đến nay một số diện tích gần đến tuổi khai thác mủ. Điều đáng nói là phần lớn diện tích này được trồng nhằm chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang cao su, mật độ trồng dày, từ 500 đến 550 cây/ha. Ngay cả vùng trọng điểm cây cà phê là Nông trường cà phê Ea Bá, việc trồng xen cao su với cà phê cũng được khuyến khích. Ông Vũ Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý 1.000ha đất, trong đó hơn 500ha trồng cao su và khoảng 450ha cà phê kinh doanh. Trong đó hơn một nửa diện tích cà phê đã được trồng xen cao su, số diện tích cà phê này gần thời kỳ kinh doanh, khi cây cao su cho mủ cũng là lúc kết thúc chu kỳ khai thác của cây cà phê. Vì vậy, công ty khuyến khích người trồng cà phê chuyển mạnh sang đầu tư cho cây cao su.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Chủ trương của huyện là đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chú trọng đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cây cà phê, cao su, các cây công nghiệp khác được khuyến khích mở rộng trên những diện tích đất phù hợp như hồ tiêu, mắc ca, ca cao… Với những vườn cà phê già cỗi, hoặc không chủ động được nguồn nước, năng xuất thấp thì chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. Đối với cây cao su là cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Hiện tổng diện tích trồng cao su của huyện hơn 2.300ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol, trong đó có khoảng 700ha đang kỳ cho mủ, và theo quy hoạch đến năm 2015 sẽ trồng 6.000ha cao su.
VĂN THÙY
Để phát triển loại cây trồng này trên vùng đất Sông Hinh, UBND huyện đang triển khai mô hình trình diễn trồng cây cao su tại các xã Ea Bia, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang trên 4ha. Kinh phí thực hiện mô hình trên 83 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ không hoàn lại trên 34 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xác định loại cây trồng trên vùng đất mới, chế độ sinh trưởng, phát triển và giá trị kinh tế mang lại so với các loại cây trồng khác.