Phòng trừ sâu bệnh tốt, mía sẽ cho năng suất cao. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, để cây mía ít sâu bệnh cho năng suất cao, nông dân chú ý phòng các loại sâu bệnh trong đó có sâu đục thân…
Ảnh minh họa: Internet |
Có 2 loại sâu đục thân hại mía là loại sâu đục thân chấm đen và sâu đục thân mình hồng. Sâu đục thân chấm đen có màu vàng sáng, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen. Loại sâu này đẻ trứng ở phiến dưới lá thành 2 hàng chồng lên nhau. Sau khi nở khoảng 2 tuần, sâu chui xuống bẹ lá, cũng có khi làm nhộng trong cây mía. Loại sâu này thường gây hại ở đầu thời kỳ cây mía được 1-2 lóng. Cây mía bị sâu tấn công có thể bị héo ngọn, gãy ngang thân cây hoặc bị cằn cỗi không phát triển được. Khi ngọn mía bị gãy, các chồi sẽ lên nhiều và trở thành chồi vô hiệu, dẫn đến năng suất giảm. Sâu đục thân mình hồng có đặc điểm 2 bên sườn xuống bụng màu trắng. Khi thành trùng thành loại bướm nhỏ màu xám, nâu, cánh có sọc đen, đầu to thô, rậm lông còn gọi là bướm cú mèo. Loại bướm này đẻ trứng thành hàng trong bẹ lá của chồi mía non. Sâu nở ra đục vào thân mía làm thành hang ngầm từ lóng này sang lóng khác, rồi đục lỗ chui ra ngoài làm nhộng ở bẹ lá. Loại sâu mình hồng thường tấn công cây mía vào giai đoạn có 5-7 lóng trở lên. Tùy theo vị trí xâm nhập của sâu mà cây có thể bị héo lá, gãy ngang thân, cụt ngọn, đâm chồi nách…
Để hạn chế sâu đục thân, đục ngọn, nông dân chọn giống kháng sâu đục thân mía. Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng, xung quanh ruộng trồng mía làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, nếu phát hiện ổ trứng phải đem đi tiêu hủy tránh trứng nở thành sâu lây lan ra diện rộng. Sau khi trồng mía, bón phân đầy đủ, chăm sóc làm cỏ kịp thời. Những ruộng mía để lưu gốc vụ sau, khi thu hoạch xong phải vệ sinh xử lý triệt để mầm mống sâu bệnh. Nên thực hiện theo phương châm diệt trừ khi sâu còn nhỏ, còn non. Ngoài ra, nông dân trồng mía nên áp dụng các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu đục thân hại mía như bảo tồn thiên địch, dùng ong ký sinh để khống chế sâu đục thân, đục ngọn.
(TT KN-KN PHÚ YÊN)