Thứ Hai, 07/10/2024 19:31 CH
Tuy An, Tây Hòa:
Lúa bị ngập mặn, nhiễm phèn
Thứ Năm, 16/02/2012 10:05 SA

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển sang nắng gắt khiến các cánh đồng xã An Hòa, An Ninh Tây (huyện Tuy An) bị nhiễm mặn, lúa vàng úa. Trong khi đó, tại cánh đồng xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), nông dân đang “đau đầu” với tình trạng ruộng nổi phèn.

 

man120216.jpg

Nông dân xã An Hòa (Tuy An) bơm nước ngọt vào các ruộng lúa bị nhiễm mặn - Ảnh: H.NAM

NHIỀU DIỆN TÍCH NGẬP MẶN, NHIỄM PHÈN

 

Khi bị ngộ độc phèn, triệu chứng thường thấy là cây lúa có màu hơi vàng, trên lá già xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, lan dần từ chóp lá; sau đó chuyển thành màu nâu, bầm tím, vàng hoặc cam. Trường hợp bị nhiễm độc nặng, tất cả các lá đều có màu nâu và những lá già bị rụi sớm, cây lúa lùn lại và kém nở bụi. Nếu tình trạng này kéo dài, cây lúa sẽ suy kiệt dần, chết rải rác hoặc từng chòm. Để giảm thiểu lúa bị ngộ độc phèn, nông dân cần bón phân cân đối, trong đó phân lân và kali có tác dụng kích thích cây lúa ra các rễ mới.

(Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên)

Tại các cánh đồng Phú Thường, Bầu Bèo, Đồng Năng thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, mặc dù nông dân đã đào kênh chứa nước mặn nhưng do gió mùa đông bắc thổi mạnh, triều cường xâm thực nên một vài ngày tới nước mặn có khả năng tràn bờ. Ông Trương Văn Lượm, ở thôn Phú Thường, xã An Hòa cho biết: Vụ này, lúc lúa 40 ngày tuổi thì ruộng bị nhiễm mặn; sau khi nước rút, bà con đặt máy bơm bơm nước ngọt từ các ao vào kênh để phóng phèn, đồng thời phun thuốc dưỡng nhưng lúa vẫn không chịu nổi độ mặn cao nên cứ lụn dần. Nông dân thôn Phú Thường còn đào các kênh lấy nước ngọt từ hồ chứa Bà Mẫu ở thôn Diêm Hộ dẫn về để rửa mặn. Tuy nhiên, do phải tưới cho 115ha lúa ở các cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng, Đầu Cầu (xã An Hòa) và 15ha lúa nông dân xã An Hải thâm canh nên trong kênh có lúc không còn nước. Theo ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa, năm 2009, huyện Tuy An đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để sửa chữa công trình thủy lợi này. Các hạng mục thi công gồm nâng cấp mặt đập, xử lý chống thấm đáy hồ… Thế nhưng, vì diện tích tưới rộng, các cánh đồng lại nằm cuối kênh nên tổ thủy nông phải lên lịch bơm nước theo từng vùng. Cũng chính vì vậy, công tác rửa mặn ở các cánh đồng này gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nhiễm mặn cũng đang uy hiếp cánh đồng xã An Ninh Tây. Tại đây, nhiều diện tích lúa trong giai đoạn đẻ nhánh bị ngã rạp vì nước biển xâm thực.

 

Trong khi đó, HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) năm nào cũng vậy, khi trời nắng gắt thì hơn 1.000ha lúa nơi đây lại gặp hạn. Nguồn nước tưới bổ sung không đủ, làm cho phèn trào lên thông qua các kẽ nứt. Đây là nguyên nhân chính làm cho rễ và cây lúa bị ngộ độc. Ông Nguyễn Văn Hiến, một người dân ở đây cho hay: Cánh đồng thôn Mỹ Thành có những đám ruộng ngập úng; sau khi nước rút, cây lúa còn sống sót thưa thớt chưa kịp ra lá non thì bị nhiễm phèn gần như “xóa sổ”.

 

NHÂN RỘNG CHƯƠNG TRÌNH BUCAP

 

Trước tình trạng sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã tổ chức lớp học nằm trong chương trình “Bucap thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp nông dân tham gia lớp học chọn giống, phục tráng giống và chọn dòng phân ly để tiến đến lai tạo thành công giống lúa chịu mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Lớp tập huấn được thực hành với nhiều giống lúa khác nhau, được phân luống, sạ hàng với mục đích phát triển nguồn gen chọn ra những dòng phân ly phù hợp chất đất. Qua lớp tập huấn này, nhiều nông dân đã nắm được kỹ thuật chọn tạo giống chịu mặn, chịu phèn; sử dụng cơ cấu giống và bố trí thời vụ thích hợp, đặc biệt là biết được các đặc tính giống lúa thích ứng với từng chân đất. “Từ nay về sau, việc làm ruộng không còn nơm nớp lo sợ mất mùa do nhiễm mặn, phèn nữa. Lớp học đã trang bị kiến thức cho bà con nông dân chúng tôi có đủ kiến thức để sản xuất trong thời kỳ biến đổi khí hậu”. Chị Nguyễn Thị Ngọc một học viên nói. Còn ông Nguyễn Hoàng Phố, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Ninh Tây phân tích: Xã An Ninh Tây có 70ha trong tổng số 385ha lúa thường xuyên bị nhiễm mặn. Mỗi vụ nước mặn xâm nhập đã làm thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vì thế, khi tạo ra giống lúa chống chịu phèn mặn để sản xuất, nông dân sẽ giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

 

Tuy nhiên lớp học chỉ có 17 học viên tham gia. Do đó, để mô hình này phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp cần mở thêm nhiều lớp tập huấn cho nông dân sản xuất lúa ở các xã ven biển, vùng nhiễm phèn.

  

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek