Thứ Ba, 08/10/2024 09:50 SA
Cần bảo vệ rừng phòng hộ ven biển
Thứ Năm, 09/02/2012 14:00 CH

Rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa và huyện Tuy An, đang bị xâm hại hàng ngày. Nhiều người đào bới gốc cây làm cảnh, chặt thân cây lấy củi, cá biệt có trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà ở nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

 

phong-ho120209.jpg

Hai đối tượng vừa hạ gục một cây phi lao đường kính lớn tại khu rừng phòng hộ ven biển thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) - Ảnh: P.NAM

RỪNG BỊ “GẶM NHẤM”

 

Rừng phòng hộ ven biển thuộc TP Tuy Hòa được trồng từ năm 1990, với tổng diện tích khoảng 645ha (theo số liệu thống kê đất đai năm 2005), đang bị khai thác trái phép hàng ngày theo kiểu da beo. Những cây gốc to, có dáng “đẹp” được các đối tượng chọn làm cây cảnh đào tận gốc, những cây còn lại thì chặt hạ để làm nhà, củi… Chúng tôi gặp ông D.V.T ở khu phố Ninh Tịnh (phường 9, TP Tuy Hòa) đang vận chuyển lá phi lao vừa ra khỏi rừng phòng hộ. Quan sát kỹ, bên dưới lớp lá kia là những khúc phi lao vừa mới bị chặt.

 

Vào mùa nắng, trong khoảng thời gian từ 4-5g sáng, khi qua các khu rừng phi lao, ai cũng nghe rõ tiếng rìu, rựa băm vào thân cây lộc cộc, tiếng cây đổ. Tại khu rừng phi lao rộng vài trăm hécta thuộc các xã An Mỹ, An Hòa (huyện Tuy An), không chỉ bị khai thác theo kiểu da beo, mà còn có dấu vết người dân chặt, đốt cây để hầm than, nhất là ở hai bên con đường vào Khu du lịch Bãi Xép. Cách bìa rừng khoảng 200m, nhiều vết cộ bò cắt ngang, xẻ dọc. Những cây phi lao từng bị phạt ngang còn trơ gốc cách mặt đất khoảng 50cm. Nhiều cây do bị chặt sát gốc, không đủ sức đâm chồi, chết khô. Vào sâu hơn, không ít khoảnh rừng bị “rỗng ruột” hay mật độ quá thưa thớt, mất khả năng chắn gió và cát. Mặt khác, đường xuống Bãi Xép (xã An Chấn) rộng khoảng 4m, nhưng hai bên xuất hiện nhiều người dân dùng cộ bò lấy cát, khiến khu rừng ngày càng bị thu hẹp. Không ít cây phi lao hàng chục năm tuổi đang bị moi gốc, trơ rễ, có hiện tượng ngã đổ. Tuy mức độ phá rừng diễn ra nhỏ lẻ, nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời, về lâu dài sẽ bị “gặm nhấm”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ che phủ, chắn gió và giữ cát bay. Ông N.V.L, ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ cho biết: “Từ ngày có tuyến đường đi ngang qua rừng phi lao này, rất nhiều người ngang nhiên vào rừng chặt cây, thậm chí còn đào hầm đốt cây lấy than tại chỗ”.

 

Tương tự, dọc hai bên tuyến đường ven biển qua xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, chúng tôi bắt gặp nhiều người dùng cưa, rìu, rựa vô tư khai thác những cây phi lao có đường kính trên dưới 20cm. Khi phóng viên đưa máy lên ghi hình, họ mới “tạm nghỉ” nhưng lại tiếp tục hoạt động ngay sau đó. Ông N.V.H sống gần khu vực này cho biết, chủ yếu người dân chặt cây về sẻ ra làm rui lách khi xây dựng nhà, hoặc bán cho các cơ sở sử dụng làm chất đốt. Vì gần biển, xa khu dân cư nên khu vực này thường vắng, nên hoạt động chặt phá rừng diễn ra khá công khai, nhất là vào sáng sớm hoặc giữa trưa.

 

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

 

Trước đây, rừng phi lao được giao cho các Hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác dưới hình thức trồng mới theo kiểu trồng dặm và cho xã viên thu lượm lá, trái rụng, chặt tỉa cành để làm chất đốt. Thế nhưng, từ khi nhiều diện tích rừng được giao cho các doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án du lịch, nghỉ dưỡng… thì rừng bị tàn phá vô tội vạ, trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hầu như không thể kiểm soát. Điều đáng nói là nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ, hoặc không thực hiện theo cam kết ban đầu, nên người dân “tranh thủ” khai thác.

 

Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh, hiện nay các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được giao quản lý phần lớn diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp có tầm quan trọng của tỉnh, nhưng chưa được đầu tư đúng mức về nhân lực, phương tiện kỹ thuật… nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, những cơ quan này là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, hàng năm triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí đủ kinh phí theo phương án được duyệt. Theo UBND tỉnh, thời gian tới sẽ bố trí xây dựng hệ thống rừng phòng hộ chắn gió, cát bay tại các vùng ven biển, vừa có tác dụng phòng hộ và kết hợp với du lịch sinh thái. Từ nay đến năm 2015, phấn đấu trồng mới 250ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, bình quân 50ha/năm.

 

PHƯƠNG NAM - NGỌC CHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek