Người dân ở làng nghề trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) vẫn thường xuyên ngâm nga: “Một đồng, một giỏ/Chẳng bỏ nghề dâu”. Tuy nhiên, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ mất trắng soi dâu do cát bồi lấp.
Soi dâu của làng nghề trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong ngày càng bị thu hẹp vì cát bồi lấp - Ảnh: T.HƯƠNG
DIỆN TÍCH DÂU DẦN THU HẸP
Thời điểm năm 1979, 1980, triền sông Ba đoạn qua địa phận thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong là dải đất cát bạc màu bỏ hoang. Người dân khai thác dải đất này để trồng dâu nuôi tằm, tăng thu nhập. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hòa Phong bắt đầu từ đó. Những năm đầu, diện tích trồng dâu khoảng 22ha, thế nhưng từ năm 2003 đến nay, diện tích dâu liên tục giảm. Ông Trần Văn Thìn ở thôn Mỹ Thạnh Tây cho biết, cùng với bầu Hương, núi Đất, soi dâu và nghề trồng dâu nuôi tằm là nét đặc trưng của xã Hòa Phong. Nay người làng nghề phải chứng kiến cảnh soi dâu mất dần do cát bồi lấp.
Năm 2004 diện tích soi dâu của Hòa Phong là 14ha, năm 2007 còn 13ha, năm 2010 còn 9,6ha và hiện nay soi dâu chỉ còn 8,3ha. Soi dâu bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc số lượng hộ dân nuôi tằm cũng giảm theo. Ông Phan Xuân Mai, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho biết, trước đây, mỗi vụ hợp tác xã ký hợp đồng trên 70 hộ để nuôi tằm cung cấp tơ, nhưng nay chỉ còn 47 hộ, số hộp kén các xã viên nhận nuôi cũng giảm theo.
Những năm trước, khi diện tích soi dâu còn nhiều, mỗi vụ tằm bà con thường nuôi 6 lứa kén, nay mỗi vụ chỉ nuôi 3-4 lứa, vì lá dâu không đủ để nuôi tằm. Bà Ngô Thị Phụng, một người trồng dâu nuôi tằm ở đây cho hay, hiện giá kén 110.000 đồng/kg, người nuôi tằm rất phấn khởi. Tuy nhiên, diện tích trồng dâu có hạn nên dù muốn hay không vụ này chỉ nuôi được 4 lứa tằm.
CẦN ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC
Tằm là con vật dễ nuôi, vốn đầu tư thấp. Cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày khác vừa tiện chăm sóc và cải tạo đất như đậu phộng, bắp lai… Tuy nhiên, theo Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, vụ tằm năm 2011, cả xã chỉ nuôi 63 hộp trứng (tương đương 765g), thu được 1.780kg kén, trị giá 181 triệu đồng. Bình quân mỗi lứa thu khoảng 1 triệu đồng/hộ. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng giúp cho nhiều hộ có thể tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Để duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm, Hợp tác xã Hòa Phong đang triển khai phương án trồng keo và bạch đàn để ngăn chặn cát bồi lấp diện tích dâu. Người ở thôn Mỹ Thành Tây cho biết, để hình thành một rừng cây có khả năng chắn cát thực thụ, phải cần thời gian dài, trong khi đó với tốc độ bồi lấp của cát như hiện nay thì nhiều khả năng soi dâu sẽ biến mất trong thời gian ngắn.
Mới đây, UBND huyện Tây Hòa có quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề trồng dâu nuôi tằm Hòa Phong, tuy nhiên cũng chỉ mới đầu tư xây dựng đường, với kinh phí 2,5 tỉ đồng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân làng nghề, còn việc phát triển diện tích cây dâu thì chưa được tính đến.
Xã Hòa Phong là địa phương duy nhất ở Phú Yên có nghề trồng dâu nuôi tằm và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2007. Vì vậy, để duy trì và phát triển làng nghề rất cần sự quan tâm đầu tư từ các ngành, các cấp, nhất là việc chống bồi lấp cát, cải tạo và mở rộng diện tích dâu.
THỦY TIÊN